Vấn đề hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế báo chí
16:52 01/11/2016
- Vấn đề sự kiện
Khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa tổ chức hội thảo "Vấn đề hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế báo chí".
Quang cảnh hội thảo, ảnh: PC
Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận những vấn đề nổi bật của kinh tế báo chí như: Vấn đề hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế báo chí của nước ta hiện nay; Kinh nghiệm thế giới trong vấn đề trang bị hành lang pháp lý cho kinh tế báo chí phát triển; Thực trạng và vấn đề đặt ra đối với sự phát triển kinh tế báo chí ở Việt Nam; Kinh nghiệm thực tiễn trong vấn đề hành lang pháp lý và phát triển kinh tế báo chí tại các cơ quan báo chí hiện nay; Giải pháp và kiến nghị đối với vấn đề hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế báo chí.
ThS. Nguyễn Thị Hằng Thu cho biết, từ 10 năm trước, khi nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước "bao cấp" cho báo chí truyền thông dần bị cắt bỏ, các cơ quan báo chí truyền thông bắt đầu hoạt động theo loại hình "đơn vị sự nghiệp có thu", hiện tượng "nở rộ" của sản phẩm báo chí - truyền thông "xã hội hoá" trở thành một vấn đề phức tạp, khó quản lý.
Trong khi đó, pháp luật về báo chí - truyền thông hiện nay lại chưa thể bao quát hết mọi vấn đề về hoạt động kinh tế báo chí - truyền thông. Vì vậy, hiện tượng vi phạm pháp luật trong kinh tế báo chí là điều khó tránh khỏi.
ThS. Nguyễn Tuyết Hoa cho biết một số kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ báo chí truyền thông Singapore đó là những thay đổi trong vấn đề hành lang pháp lý đã ảnh hưởng rất nhiều đến báo chí, truyền thông của nước này. Quyền sở hữu truyền thông và môi trường pháp lý xác định phương pháp hoạt động của báo chí truyền thông Singapore.
"Sự kiểm soát của Chính phủ Singapore chủ yếu tập trung vào nội dung sản phẩm và đặc biệt là tự do báo chí. Phần phát triển kinh tế báo chí lại rất cởi mở và minh bạch dựa trên hệ thống văn bản pháp lý rõ ràng, chi tiết, tạo sự công bằng cho phát triển kinh doanh, dù đó là tập đoàn của Nhà nước hay cổ phần hoá hoàn toàn. Các tập đoàn báo chí sau đó đã trưởng thành, không chỉ trở thành thế lực truyền thông chính trị mà còn trở thành thế lực kinh tế và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các quy luật kinh tế trong quá trình tồn tại và phát triển", ThS Nguyễn Tuyết Hoa cho biết thêm.
PGS, TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại hội thảo, ảnh: PV
Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng, trong thời điểm này, luật pháp về báo chí - truyền thông đã được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện ngày một đồng bộ, sát thực tiễn cuộc sống. Vấn đề đặt ra là, các chủ thể pháp lý là cơ quan báo chí và các nhà báo đã biết, hiểu và nắm vững luật đến đâu? Việc thực hiện luật như thế nào?
PGS,TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, để hoạt động kinh tế báo chí - truyền thông có hiệu quả, đúng pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hoá Việt Nam và các chuẩn mực xã hội thì việc đào tạo, đào tạo lại, tự đào tạo và nâng cao hơn nữa kiến thức về kinh tế, về luật pháp cho nhà báo là việc cần thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.
PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (11:09 25/11/2024)
- Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự trong tuần làm việc cuối của kỳ họp (05:50 25/11/2024)
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)