Vai trò của báo chí với sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên
17:21 18/04/2022
- Hoạt động công tác Hội
Tại diễn đàn trực tuyến "Trở về thủ đô gió ngàn - Báo chí đồng hành cùng Thái Nguyên phát triển" do Tạp chí Người Làm Báo tổ chức sáng 18/4, phóng viên đã cuộc phỏng vấn Ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam Hy Lạp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam Hy Lạp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu
Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong đời sống chính trị, xã hội và công cuộc phát triển kinh tế của đất nước?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành: Báo chí luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đặc biệt nền báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu sắc trong những trang sử hào hùng của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng của Đảng, là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc và phát hiện cổ vũ những nhân tố mới, giá trị nhân văn mới...
Kể từ khi tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, và sự kiện ngày 21/4/1950, tại hội trường báo Cứu Quốc ở xóm Roòng Khoa (xã Điềm Mặc - huyện Định Hóa - tỉnh Thái Nguyên), Hội Nhà báo Việt Nam chính thức được thành lập, trải dài theo dòng chảy của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân ta.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Nền báo chí của đất nước đã có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp. Báo chí đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, là diễn đàn của Nhân dân; tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Báo chí cũng rất tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các hành vi, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, báo chí đã phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; đồng thời, là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với Nhân dân các nước, góp phần nâng cao uy tín, vai trò, vị thế Việt Nam trên thế giới.
Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Một ví dụ đầy đủ nhất, minh chứng cho sự đóng góp lớn lao của báo chí đối với đời sống chính trị xã hội của đất nước chính là trong giai đoạn đất nước ta phải căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19. Đội ngũ những người làm báo cả nước đã trở thành đội quân kiên cường, không màng hiểm nguy, không ngại gian khó, luôn luôn là những người đưa tin nhanh nhất, chính xác nhất mọi diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời truyền tải thông điệp và những quyết sách ứng phó đại dịch của chính phủ đến người dân sớm nhất, đầy đủ nhất. Để từ đó, dù trong thời điểm căm go nhất của đại dịch, nhờ có những bản tin, những bài báo, những dòng tin tức chính thống trên mạng xã hội mà nhân dân cả nước luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng lòng quyết tâm, sát cánh cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Và không chỉ như thế, tôi còn được biết rất nhiều các cơ quan báo chí và những nhà báo trong cả nước đã đứng ra quyên góp, cứu trợ cho những người gặp khó khăn do đại dịch, nghĩa cử đó chính là sự chung tay gánh vác phần nào với chính quyền địa phương và làm sâu sắc hơn tính nhân văn của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ban tổ chức diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
PV: Với tư cách là đại biểu dân cử và cũng là người con của quê hương Thái Nguyên, xin ông hãy cho biết những đánh giá của mình về những thành tự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành: Là một người con sinh ra và trưởng thành từ mảnh đất Thái Nguyên – quê hương cách mạng hào hùng, tôi dù ở cương vị nào cũng luôn dành tình cảm đặc biệt và dõi theo sự phát triển của Thái Nguyên.
Có thể nói, Thái Nguyên tuy là một tỉnh trung du miền núi nhưng lại sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi bật là:
- Về vị trí địa lý: Thái Nguyên nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, là trung tâm của vùng Đông Bắc với vị trí thuận lợi về giao thông, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ; là điểm nút quan trọng kết nối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Hiện nay, hạ tầng giao thông đã hoàn thiện, rất thuận lợi cho giao thương.
- Về tài nguyên, tỉnh được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với hàng trăm điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản, như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng…
- Về nguồn nhân lực: tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước với hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, nơi tập trung nguồn nhân lực quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước.
- Về lịch sử, văn hóa: Thái Nguyên là nơi đặt căn cứ địa cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc, nơi lưu giữ những dấu son lịch sử hào hùng. Thái Nguyên cũng là tỉnh có thành phần dân tộc đa dạng với nhiều nét bản sắc độc đáo.
Với những lợi thế nổi bật kể trên cùng với sự kế thừa truyền thống của quê hương anh hùng và thành quả sau hơn 35 năm đổi mới, nêu cao tinh thần ý chí, tự lực tự cường, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, trong những năm vừa qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên có sự phát triển vượt bậc, trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
Trong thời kỳ đổi mới, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, cụ thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích là 2.395ha. Hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp được quan tâm, đầu tư phát triển.Thái Nguyên đã có hướng đi rất đúng đắn mang tính hội nhập cao đó là tập trung phát triển nhiều ngành công nghiệp hiện đại, như điện tử và vi mạch bán dẫn; chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp ráp; công nghiệp nhẹ, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất kim loại; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản... Nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường trong nước và nước ngoài, như: sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí, may mặc, chè...
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, sáng tạo, giữ vững niềm tin theo Đảng, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, tỉnh Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh có bước phát triển nhanh trong khu vực và cả nước. Kể từ năm 2015 đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng đầu trong vùng về sản xuất công nghiệp; năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 783.619 tỷ đồng, gấp 2,07 lần so với năm 2015, đứng thứ 4 cả nước.
Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tính đến hết tháng 8-2021, tỉnh thu hút 820 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký khoảng 139.665 tỷ đồng, 169 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 8.701 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 8,92%/năm và riêng năm 2020 đạt 24.456 triệu USD.
Những dự án trị giá tỷ đô của các nhà đầu tư nước ngoài đã đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh xuất khẩu lớn thứ tư cả nước. Đó quả là một thành tựu rất đáng mừng và là điểm sáng để các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm trong thu hút đầu tư.
Trong những năm gần đây, các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh luôn được xếp thứ hạng cao trong toàn quốc. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên đứng vị trí 11/63 tỉnh, thành trong cả nước với số điểm tổng hợp đạt 66,56 điểm. Dẫn đầu trong nhóm các tỉnh Miền núi phía Bắc, chỉ số PAPI xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhìn vào các chỉ số đó, chúng ta có thể thấy trong năm qua, với nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, môi trường đầu tư, kinh doanh của Thái Nguyên đã không ngừng được cải thiện và giữ vững, vai trò, vị thế của Thái Nguyên ngày một nâng cao.
Tỉnh Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh chủ động trong chuyển đổi số để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số đang được thực hiện tích cực. Tỉnh còn xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin tỉnh; đưa vào khai thác, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh IOC tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đặc biệt Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong cả nước có Ngày Chuyển đổi số (ngày 31-12 hàng năm). Đây là một định hướng rất đúng đắn của Thái Nguyên, bởi việc thực hiện chuyển đổi số được coi là “chìa khóa” giúp địa phương đi tắt, đón đầu, nắm bắt thời cơ, thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thể hiện quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh góp phần quan trọng thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 4,5%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; nông nghiệp chuyển dịch tích cực sang sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với các lợi thế của tỉnh.
Về công tác xóa đói giảm nghèo, trong thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp nhưng năm 2021, Thái Nguyên vẫn đạt được những mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,16% (giảm 0,65%; kế hoạch giảm trên 0,45%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71% - đạt kế hoạch. Hoàn thành kế hoạch với 7 xã được công nhận nông thôn mới.
Những kết quả đã đạt được chính là nền tảng, tiền đề vững chắc để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Thái Nguyên - thủ đô gió ngàn
PV: Theo ông, phương hướng trong thời gian tới của tỉnh Thái Nguyên là gì?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành: Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức ở phía trước, để phát huy những kết quả đã đạt được và hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục tập trung vào các lợi thế sẵn có:
Một là khai thác tiềm năng vị trí địa kinh tế Vùng Thủ đô;
Hai là tập trung nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ, xây dựng chính quyền số, xã hội số.
Ba là, chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân; khuyến khích hình thành những cụm sản xuất có sự tương quan trong cũng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bốn là phát huy lợi thế về tự nhiên khi vừa có núi, trung du và đồng bằng với nhiều hệ sinh thái cho phát triển nông lâm nghiệp. Đặt trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hóa chủ lực, thế mạnh của địa phương, nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và sản phẩm trà. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Năm là phát huy vị thế là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Sáu là phát huy truyền thống lịch sử văn hóa Vùng Chiến khu cách mạng, giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch.
Bảy là phát huy và làm bền chặt hơn nữa truyền thống đoàn kết của Đảng bộ và chính quyền nhân dân các dân tộc, tạo sự đồng thuận cao bằng cách thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, đúng pháp luật, giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Và cuối cùng, Thái Nguyên cần quảng bá hình ảnh và tiềm năng của tỉnh nhiều hơn nữa thông qua hệ thống báo chí của địa phương và trung ương. Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của địa phương.
Song Anh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Hội Nhà báo Việt Nam tiếp xã giao đoàn Đại sứ Cuba (05:29 21/10/2024)
- Vinh danh 22 tác phẩm đoạt Giải báo chí Tây Nguyên lần thứ I (12:41 05/08/2024)
- Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam thăm, chúc mừng Sư đoàn 312 (05:21 26/12/2023)
- Nâng cao đạo đức nghề nghiêp, trách nhiệm của người làm báo (01:02 18/11/2023)