Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Vài cảm nhận từ một cuộc tọa đàm

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội báo toàn quốc 2022 có một số cuộc tọa đàm nghề nghiệp được những người tham dự quan tâm. Một trong những cuộc như vậy, đó là cuộc tọa đàm với chủ đề: “Chuyện nghề - hai chữ Nhân Văn” do Nhà văn hóa cùng báo Nhà báo và Công Luận phối hợp tổ chức.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự khai mạc Hội báo toàn quốc 2022

Sẽ không có gì gây ngạc nhiên lắm vì những nhân vật xuất hiện trong “bàn tròn” cuộc tọa đàm này nói về những việc làm của họ, mà không ít người đã nghe, từng xem, nhưng hôm nay vẫn làm chúng ta xúc động. 

Đó là chị Nguyễn Phạm Thu Uyên – người đã có đóng góp lớn lao trong chuyên mục “Như chưa hề có cuộc chia ly” xuất hiện trên VTV năm 2007, mà mỗi chương trình đã làm bao người xem rơi lệ. Trong 15 năm qua, chị đã bền bỉ, dẻo dai đi tới nhiều thôn cùng, xóm vắng, kết nối những phận đời tưởng chừng sẽ cô đơn vĩnh viễn, nay đã tìm lại được cha mẹ, người thân. Gần 2000 gia đình được đoàn viên, hạnh phúc!

Đó là nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, nguyên phóng viên Đài PT-TH Hà Nội, người đã đi đầu trong công tác thiện nguyện từ năm 1989, nay vẫn hăm hở công việc hỗ trợ người nghèo. Hàng ngàn gói quà tình nghĩa của Đoàn đã tới nhiều vùng sâu, vùng xa.

Đó là nhà báo Trần Mai Anh, nguyên Trưởng ban biên tập Tạp chí Heritage, với việc nhận cháu Thiện Nhân bé bỏng đầy dị tật, mà nhiều người không tin cháu sẽ khó lòng trụ nổi với đời. Nhưng bằng tình thương vô bờ, bằng trách nhiệm cao đẹp, chị đã nhận cháu về nuôi, vượt bao gian nguy để cứu cháu thoát khỏi lưỡi hái tử thần để thành con người theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh trả lời phỏng vấn về Hội báo

Đó là nhà báo Phạm Thanh Hà, Tổng biên tập Tạp chí Phụ nữ mới với suy nghĩ thật bình dị: là nhà báo không thể dửng dưng với số phận nghiệt ngã, éo le của từng cá nhân, cộng đồng đang phải hứng chịu đau thương từng giờ, từng phút vì bệnh tật giày vò; vì cái nghèo bủa vây, rình rập cướp đi mạng sống. Chị đã cùng đồng nghiệp dùng cây bút miêu tả những phận đời xót xa ấy, kêu gọi cộng đồng, xã hội chung tay giúp họ vượt qua nghịch cảnh. Và chính chị cùng đồng nghiệp, với đồng lương ít ỏi dành dụm được đã dành tặng họ; có tháng đi thăm về trong túi không còn một xu, nhưng tâm hồn thấy thanh thản vì đã làm một việc tuy rất nhỏ, nhưng có ích.

Đó là nhà báo Hoàng Anh, làm việc ở Cơ quan thường trực báo Đại biểu Nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh, đã sống và chứng kiến những ngày tháng cam go nhất khi đại dịch Covid-19 hoành hành, cả nước hưởng ứng chiến dịch “Hãy dành những gì tốt nhất cho TP Hồ Chí Minh” do Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động.

Là nhà báo, chị xác định trách nhiệm của mình là không chỉ xông vào tâm dịch viết bài, chụp ảnh đưa tin; mà còn phải “làm một việc gì đó” tham gia cứu chữa người bệnh. Lòng chị quặn đau khi vào những khu điều trị bệnh nhân nặng, thiếu ô xy trầm trọng, dẫn tới những cái chết thương tâm. Vậy là chị cùng một số đồng nghiệp đi vận động trợ giúp ô xy. Đúng lúc cao điểm, thì khu nhà ở của chị bị phong tỏa, các con chị liên tục gọi điện thoại thúc giục chị phải về nhà. Một bài toán nảy sinh rất nhanh trong đầu: nếu về nhà thì chị không thể ra ngoài tiếp tục công việc cứu trợ. Chị quyết định mua đủ thực phẩm để nhờ bảo vệ chuyển vào cho các cháu; còn chị lại tiếp tục ra đi làm công việc mà chị luôn đau đáu trong lòng: “Trao ô xy là trao sự sống”.

Không ít người hỏi chị: “Lao vào các tâm dịch như vậy, Hoàng Anh có sợ chết không?” Chị thản nhiên trả lời: “Có chứ, nhưng khi tất bật vào việc cứu người, cái sợ ấy bị tiêu biến; nhất là khi nhìn thấy người bệnh từ nét mặt tím tái, khi được tiếp ô xy thì hồng dần lên và họ đã thoát cơn nguy kịch. Chứng kiến sự sống đẩy lui cái chết, tôi càng vững vàng hơn và tiếp tục lao vào công việc, xuống tận Kiên Giang xa xôi để góp sức cứu những ngư dân bị Covid đe dọa trong hoàn cảnh sông nước mênh mông…”

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh với đồng nghiệp các cơ quan báo chí ở TP HCM

Vậy đó, những câu chuyện nhân văn làm xúc động người nghe, đánh thức lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Tôi cứ lan man suy ngẫm: giá mà còn thời gian, cuộc tọa đàm sẽ đào sâu thêm một khía cạnh rất quan trọng của hai chữ Nhân Văn. Đó chính là người làm báo, không chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện, cứu người bị bệnh hiểm nghèo; tặng “nhà tình nghĩa” cho các mẹ Việt Nam anh hùng, trao học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó…, mà chữ Nhân Văn này còn đòi hỏi mỗi người cầm bút cần bồi đắp nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xã hội đối với từng dòng tin, từng tấm hình, từng bài phóng sự điều tra với tinh thần tâm sáng, lòng trong, bút sắc,  – tất cả vì con người, cho con người sống tốt đẹp hơn ngày hôm qua! Ý kiến chị Vũ Thị Tuyết Nhung trong Tọa đàm được nhiều người đồng tình khi chị đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm hành vi của một số người lợi dụng báo chí thực hiện mục đích cá nhân, đã đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu kiểm chứng, làm tổn hại danh hiệu nhà báo cao quý! 

Chúng ta đang tập trung xây đắp và cổ vũ cái thiện, gắn liền việc phê phán, lên án cái ác. Mỗi dòng chữ, mỗi đoạn phim cần làm sáng lên phẩm chất tốt đẹp của xã hội ta, của con người Việt Nam, thông minh, dũng cảm, sáng tạo, đang nuôi khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam giầu đẹp, hùng cường. Theo tôi, đó chính là cốt lõi của hai chữ Nhân Văn, mà mỗi nhà báo cần tâm niệm!

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.