Từ 8/8, chính thức khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

18:29 07/08/2024 - Văn hóa xã hội
Đoạn trên cao từ Nhổn đến ga S8 (Cầu Giấy) dài 8,5km thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ chính thức vận hành thương mại phục vụ hành khách từ lúc 8 giờ ngày 8/8/2024.

Đây là thông tin được Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) công bố vào chiều nay (7/8). Được biết, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại học Quốc gia (S6); chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).

Từ 8/8, chính thức khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Thông tin cho biết, trong 3 tháng đầu vận hành, giờ mở tuyến từ 5h30, đóng tuyến lúc 22 giờ; giãn cách chạy tàu 10 phút/chuyến. Riêng ngày đầu tiên mở tuyến sẽ bắt đầu từ 8 giờ. Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến.

Về giá vé, vé lượt (vé chặng) đi một ga 8.000 đồng và đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt. Vé ngày 24.000 đồng, có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt. Vé tháng hạng phổ thông là 200.000 đồng/tháng; vé tháng ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là 100.000 đồng/tháng. Vé tập thể là 140.000 đồng/tháng.

Tại các nhà ga, hành khách có thể mua vé qua nhân viên hoặc máy bán vé tự động.

Tuyến thực hiện chính sách vé miễn phí cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND thành phố Hà Nội (miễn phí dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật).

Đặc biệt, trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Tuyến đường sắt trên cao được người dân Hà Nội mong đợi nhiều năm qua chuẩn bị đưa vào khai thác.

Chia sẻ về tuyến đường sắt trên cao được người dân Hà Nội mong đợi nhiều năm qua, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro (đơn vị được giao tiếp nhận vận hành tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng để đưa vào vận hành, phục vụ nhu cầu người dân một cách tốt nhất.

“Thông tin đưa vào khai thác tuyến Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao là tin vui nhất với cán bộ, nhân viên của công ty trong năm 2024. Tất cả những kinh nghiệm và bài học từ tuyến Cát Linh - Hà Đông đã vận hành gần 3 năm qua đã được chúng tôi đúc rút, phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phục vụ vận hành tuyến một cách tốt nhất”, ông Trường thông tin.

Không gian bên trong nhà ga.

Hanoi Metro tiếp cận với dự án từ rất sớm. Ông Trường cho biết, trong giai đoạn nước rút, Tổng công ty đã đồng thời triển khai một loạt công việc: Tổ chức tiếp nhận, đào tạo và tuyển dụng nhân sự vận hành theo công nghệ của tuyến, phối hợp với chủ đầu tư vận hành thử và rà soát các quy trình duy tu, bảo dưỡng và vận hành tuyến.

Tổng công ty cũng phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thực hiện những nhiệm vụ phục vụ việc đánh giá an toàn hệ thống của tư vấn độc lập.

“Chúng tôi đã xây dựng phương án vận hành trong giai đoạn đầu khai thác và những giai đoạn tiếp theo… Có thể nói, đến hôm nay tất cả những nhiệm vụ chúng tôi thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo việc tiếp nhận và đưa vào vận hành một cách tốt nhất”, ông Trường cho biết.

Theo lãnh đạo Hanoi Metro, điểm khác biệt nổi bật giữa metro Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn – ga Hà Nội là: Thứ nhất, cả hai tuyến đều có 4 toa. Metro Cát Linh - Hà Đông có sức chứa 960 hành khách, bao gồm cả hành khách ngồi và hành khách đứng (tỷ lệ ghế ngồi là 144/960, chiếm 15%). Còn tuyến Nhổn - ga Hà Nội tàu có sức chứa 944 hành khách, bao gồm cả hành khách đứng và hành khách ngồi (tỷ lệ ghế ngồi là 94/944, chiếm 10%).

Thứ hai, so với tàu Cát Linh - Hà Đông, tàu đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội có tốc độ lớn hơn.

Thứ 3, tàu metro Nhổn - ga Hà Nội có nút chống ngủ gật và camera nên lái tàu không phải rời vị trí khi tàu đến ga.

Thứ 4, về hệ thống thu soát vé tự động, tuyến Cát Linh - Hà Đông chỉ bố trí một bên nhưng ở metro Nhổn - ga Hà Nội, khu vực bán vé được bố trí cả hai bên. Đặc biệt vé ở tuyến Nhổn - ga Hà Nội có nhận dạng khách hàng. Việc này giúp hạn chế tình huống cho người khác mượn vé. 

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vận hành 10 đoàn tàu liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.

Mỗi đoàn tàu có 4 toa do Alstom (Pháp) sản xuất, sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, chạy bằng điện công suất 750V DC được cấp ở đường ray thứ ba để đảm bảo tính an toàn, tính ổn định và mỹ quan đô thị, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới.

Sau khi đi vào khai thác, tuyến metro này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô khi đi qua những tuyến phố đông đúc như Quốc lộ 32, Xuân Thủy, Cầu Giấy. Được thiết kế tối đa 80km/h, theo tính toán, metro Nhổn - ga Hà Nội có thể vận chuyển tối đa hơn 500.000 lượt hành khách/ngày đêm.

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top