Truyền thông về bầu cử Mỹ: Vượt qua mối đe dọa tin tức giả
22:38 08/11/2016
- Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016
Không có gì phải nghi ngờ: Chiến dịch bầu cử năm 2016 đã trở thành một hiện tượng có sức hút cực lớn.
Truyền thông Mỹ đưa tin về cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Hillary. (Nguồn: Getty Images)
Năm vừa qua đã chứng kiến nước Mỹ trở thành quốc gia của những người nghiện thông tin. Họ liên tục mở tivi, điện thoại thông minh và những tờ báo truyền thống có uy tín, với một câu hỏi luôn thường trực là: Vở kịch bầu cử quốc gia cùng nhà sản xuất là Donald J.Trump còn có những bất ngờ nào nữa chưa phô ra cho chúng ta?
Theo The News York Times, với việc ông Trump đã tạo ra những sân khấu đáng xem, các kênh tin tức truyền hình cáp đã thu hút lượng khán giả kỷ lục. Lượng độc giả trực tuyến của các tờ báo cũng đạt mức cao không thể tưởng tượng được nếu là một vài năm trước đây.
Quả bong bóng tin tức bầu cử sắp phát nổ đã che khuất lỗ hổng tài chính ngày càng mở rộng tại trung tâm của nhánh báo in trong ngành tin tức, mà gần đây đã chứng kiến doanh thu từ quảng cáo lao dốc "với tốc độ chóng mặt hơn bất cứ ai từng dự đoán cách đây một năm", tổng biên tập tờ Wall Street Journal (WSJ), Gerard Baker, chia sẻ.
Các tờ báo in bao gồm WSJ, The New York Times, The Guardian, các ấn phẩm của Gannett... đều đã lên kế hoạch tái cơ cấu, tinh giản biên chế, xóa sổ hoàn toàn một bộ phận trong tòa soạn, hoặc lựa chọn tất cả các phương án trên.
Tựu chung lại, điều này có nghĩa là đang có một sự suy giảm nhanh chóng về vai trò của những nhà báo được đào tạo truyền thống, những người có nhiệm vụ chính là tố cáo tham nhũng, đưa ra tiếng nói có trọng lượng và đảm bảo tính chính xác về tin tức cho các cử tri.
Và nó đang xảy ra vào một thời điểm không thể tệ hơn trong đời sống dư luận Mỹ. Những lực lượng gắn liền với internet đang chiếm doanh thu quảng cáo của báo in đồng thời cũng cho phép những người tự xưng là nhà báo làm ô nhiễm nền dân chủ với những mẩu tin tức giả mạo.
Trong vài cuối cùng vừa qua, Facebook, Twitter và các trang truyền thông xã hội khác đã cho người dân Mỹ tiếp xúc với hàng loạt tin tức sai lệch, như người chịu trách nhiệm thăm dò ý kiến cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton là Joel Benenson đã viết một bản ghi nhớ bí mật với các kế hoạch chi tiết nhằm "hủy hoại" tư cách ứng viên của bà bằng cách mở cuộc tấn công trên sóng radio để ngăn chặn bỏ phiếu (tin này đã được Roger Stone, một cố vấn không chính thức trong chiến dịch tranh cử của ông Trump sung sướng chia sẻ lên Twitter).
Các tin giả khác từng gây xôn xao bao gồm nhà chiến lược cấp cao của bà Clinton là John Podesta đã thực hiện một nghi lễ giáo phái sử dụng rất nhiều loại chất dịch trong cơ thể người (do Donald Trump con chia sẻ trên Twitter); nhiều kẻ thù của bà Clinton đã chết một cách hết sức đáng ngờ (tin này được nhà báo Frank Bruni của tờ Times nghe thấy rất nhiều lần trong hành lang một khách sạn ở Ohio).
Mike Cernovich, một ngôi sao Twitter - kẻ chuyên thêu dệt và tuyên truyền những thuyết âm mưu về sức khỏe của bà Clinton - vừa khoe trên tờ New Yorker tuần trước rằng "một người như tôi được xem như quyền lực thứ tư."
Những nội dung tin tức của Cernovich tồn tại song hành cùng những tin tức do tờ Times, The Boston Globe hay The Washington Post đăng lên Facebook, và cũng thu hút được cùng lượng độc giả theo dõi, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Thứ bảy vừa qua, Cernovich còn kêu gọi Trump hãy giải tán đội ngũ truyền thông tại Nhà Trắng nếu ông nhậm chức tổng thống.
Nhưng có thể không cần làm vậy. Cứ nhìn vào kết quả từ việc công ty xuất bản Gannett cắt giảm nhân lực trong các tòa soạn thuộc sở hữu tại Washington mà Politico gọi là một cuộc "tắm máu," ta đã có thể hiểu vấn đề.
Ngay cả trước khi doanh thu từ quảng cáo sụt giảm trong năm nay, số lượng các nhà báo làm việc toàn thời gian hàng ngày - khoảng 33,000 theo số liệu năm 2015 của Hiệp hội các Biên tập viên tin tức Hoa Kỳ và Trường Báo chí và Truyền thông đại chúng thuộc Đại học Quốc tế Florida - đã chỉ bằng một nửa so với năm 2000.
Sự thu hẹp đội ngũ phóng viên, cùng với nhiều thông tin sai lệch trong năm nay đã khiến những người ở Washington với nhiệm vụ quản lý báo chí có nhiều đêm mất ngủ.
"Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất với nền dân chủ của chúng ta: mô hình kinh doanh báo chí chân chính đang thất bại," Thượng nghị sỹ Claire McCaskill, đại biểu đảng Dân chủ ở Missouri, người thường xuyên lên án tin tức giả nhận định.
Bà McCaskill nói rằng "báo chí chỉ có lỗi một phần" trong việc chậm thích nghi khi internet đảo lộn mô hình kinh doanh và truyền thông xã hội mở cửa cho những hình thức cạnh tranh khốc liệt hơn. "Tin tức giả luôn đi trước họ rất xa," bà nói.
Tương lai không tỏ ra sáng sủa trước bối cảnh này. Martin Baron, biên tập viên cao cấp của Washington Post chia sẻ: "Nếu mọi người trong xã hội không thể đồng tình với những thực tế căn bản, thì nền dân chủ làm thế nào để hoạt động?"
Phương thuốc điều trị tin tức giả chính là một lượng áp đảo tin tức báo chí đáng tin cậy. Và các hãng truyền thống tin tức sẽ vượt qua sự trống trải sau bầu cử như thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào chương tiếp theo được mở ra trong câu chuyện chính trị tại Mỹ.
Đó là lý do vì sao những báo cáo tài chính từ các tòa soạn ở Mỹ lại rất đáng lo ngại. Nếu đội ngũ phóng viên trên khắp nước Mỹ bị cắt giảm nhiều hơn ngay cả khi sự quan tâm của độc giả với cuộc bầu cử đang lên rất cao, thì mọi chuyện sẽ như thế nào khi cuộc vui đã tàn?
Tuy nhiên, tình hình chưa phải đã hoàn toàn ảm đạm, thậm chí còn có một số lý do để cảm thấy lạc quan. Chỉ có điều, việc thoát ra khỏi tình cảnh này sẽ cần rất nhiều nỗ lực và sự hy sinh.
Nhiều dự đoán cho thấy lượng độc giả tin tức sẽ giảm trong năm tới, bất chấp môi trường tin tức đang trở nên hấp dẫn hơn.
"Có gì trong năm 2017 đủ sức quyến rũ về mặt chính trị như năm 2016 không? Tôi sẽ không đặt cược vào đó đâu," Andrew Lack, chủ tịch hãng tin NBC News và MSNBC cho biết.
Tuy nhiên, mặc dù dự đoán tỷ lệ theo dõi của khán giả sẽ giảm 30% hoặc "nhiều hơn" trên kênh MSNBC, ông cũng nói rằng mình "không có áp lực tài chính trên sổ kế toán."
Không phải chỉ vì MSNBC và các đối thủ cạnh tranh của nó đã kiếm được hàng chục triệu USD từ cuộc bầu cử năm nay, mà còn vì họ vẫn có thu nhập đáng kể từ phí thuê bao truyền hình cáp.
Báo chí là nguồn gốc của quan hệ đăng ký theo dõi - quảng cáo. Nhưng khi những quảng cáo sinh lời trên báo in ngày càng tụt dốc, và Facebook hay Google chiếm tới hơn hai phần ba thị trường quảng cáo trực tuyến, gây ảnh hưởng tới cả những hãng tin điện tử, báo chí đang phải vật lộn để xây dựng nền tảng độc giả theo dõi và cắt đứt sự phụ thuộc với quảng cáo trên báo in.
Tổng biên tập Baker của Wall Street Journal cho biết ông tự tin rằng báo chí có thể thực hiện sự chuyển đổi này, nhưng cũng thừa nhận một khoảng thời gian chuyển tiếp khó khăn đòi hỏi nhiều sự cắt giảm, thậm chí có thể khiến những tờ báo nhỏ ở địa phương khó chống đỡ hay tồn tại hơn sẽ đến.
Lý do cho sự lạc quan tương đối này đến từ kết quả của một số tin tức trên báo in thể hiện nhiều tham vọng và được đưa tin chuẩn xác hồi năm ngoái.
Bài báo trên tờ Times tiết lộ việc ông Trump trốn thuế gần 1 tỷ USD hồi năm 1995 đã thu hút khoảng 5,5 triệu lượt độc giả. Đó là con số rất lớn. Washington Post không chia sẻ số liệu, nhưng đã có hơn 13,000 lượt bình luận trực tuyến cho một bài báo của David A.Fahrenthold về cách ông Trump điều hành quỹ từ thiện của mình đối lập với những quy tắc đạo đức về từ thiện.
Nhưng trong thời đại mới này, số lượng độc giả đăng ký theo dõi quan trọng hơn lượng độc giả qua đường.
Arthur Gregg Sulzberger, phó giám đốc xuất bản mới được bổ nhiệm của tờ Times đã chỉ ra một điểm sáng trong báo cáo thu nhập cuối tuần qua. Giữa 19% sụt giảm doanh thu quảng cáo trên báo in là 21% tăng doanh thu quảng cáo trực tuyến, và quan trọng hơn là có thêm 116,000 lượt đăng ký theo dõi phiên bản trực tuyến của tờ báo. Hiện tờ Times có gần 1.6 triệu độc giả đăng ký đọc phiên bản điện tử.
"Điều này cho thấy mọi người sẵn sàng chi tiền cho báo chí thực sự, chỉn chu và chuyên nghiệp", Sulzberger nhận định. "Báo chí chân chính nhờ đó sẽ phát triển."
Suy nghĩ đó có thể là quá lạc quan, nhưng có lẽ sự bùng nổ của tin tức giả trong năm nay sẽ góp phần làm tăng giá trị của những tin tức chân chính. Nếu vậy, báo chí sẽ tự cứu được mình.
"Mọi người cuối cùng cũng sẽ tìm đến những nguồn thông tin thực sự đáng tin cậy, và trung thành với việc nói lên sự thật", Baron nhận định. "Mọi người sẽ trả tiền cho điều đó bởi họ nhận ra mình cần nó trong xã hội ngày nay"./.
Nguồn: TTXVN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Lãnh đạo các nước gửi điện mừng Tân Tổng thống Donald Trump (07:10 10/11/2016)
- Chân dung ông Donald Trump (11:26 09/11/2016)
- Những hình ảnh đầu tiên về cuộc bầu cử Mỹ 2016 (11:46 08/11/2016)
- 538 đại cử tri Mỹ sẽ trực tiếp bầu chọn tổng thống Mỹ (03:01 30/10/2016)
- Ông Trump: Điều hành nước Mỹ tốt như điều hành kinh doanh (05:59 27/10/2016)