Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Đừng để con số ảo đánh bại giá trị thực

19:10 09/12/2016 - Văn hóa xã hội
Truyền hình thực tế (THTT) là thuật ngữ không mấy xa lạ đối với công chúng xem truyền hình tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của truyền thông số và nhu cầu hưởng thụ, giải trí ngày càng cao của công chúng, các chương trình THTT ngày càng được đầu tư nở rộ.

THTT bất ngờ trở thành một nhu cầu tất yếu trong đời sống văn hóa giải trí của nhiều khán thính giả. Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu như các chương trình THTT làm tốt vai trò của mình đúng như định hướng ban đầu thay vì chỉ chăm chăm đến các con số lợi ích mà quên đi những giá trị nghệ thuật đích thực.

“Bội thực” truyền hình thực tế

Kể từ khi chương trình THTT đầu tiên mang tên Phụ nữ thế kỷ 21 ra đời vào năm 2006 với nhiều hiệu ứng tốt đẹp, các chương trình THTT khác nhanh chóng, liên tiếp được triển khai xây dựng và công chiếu rộng rãi trên sóng truyền hình.

Với format đẹp, giàu yếu tố mới lạ, độc đáo và bất ngờ, THTT đã mang lại những phút giây nghỉ ngơi, giải trí đầy xúc cảm nghệ thuật cho khán giả vào mỗi dịp tối cuối tuần.

Ngày nay, ở bất cứ thời điểm nào, chỉ cần bật tivi lên đã thấy hàng loạt các chương trình THTT. Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 50 chương trình THTT đã và đang phát sóng trên khắp các kênh, đài từ trung ương cho đến địa phương tại Việt Nam.

Đặc biệt, THTT liên quan đến giải trí đang chiếm gần hết khung giờ vàng trên các kênh truyền hình được nhiều người theo dõi. Chiếm ưu thế vẫn là những gameshow về cuộc thi ca hát hay một cuộc thi tổng hợp nào đó có liên quan đến âm nhạc như Giọng hát Việt, Thần tượng Âm nhạc Việt, Song ca cùng thần tượng, Song ca cùng Bolero…

Tiếp theo là những chương trình đi vào các ngõ ngách về văn hóa, du lịch khám phá,… mang đậm tính giải trí, kích thích sự tò mò theo dõi của khán thính giả như Siêu đầu bếp Việt Nam, Cuộc đua kỳ thú, Bước nhảy hoàn vũ

Nếu chỉ tính riêng thể loại hài, trong năm 2015 đã có gần 10 chương trình khác nhau: Hội quán tiếu lâm, Diêm vương xử án, Danh hài đất Việt, Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt, Hội ngộ danh hài,... Đó là chưa kể các đơn vị sản xuất cũng không ngừng đẩy mạnh xây dựng chương trình THTT dành cho trẻ em với các phiên bản “nhí” ăn theo các show người lớn như Người húng tí hon, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Giọng hát Việt nhí,…bên cạnh vô vàn các cuộc thi người mẫu, thời trang khác.

“Nồi lẩu thập cẩm” mang tên truyền hình thực tế đang khiến khán giả ngán ngẩm vì thiếu đi những chương trình có chất lượng cao về mặt nghệ thuật. Ảnh: Internet.

Tưởng thừa nhưng vẫn thiếu…

Trước cuộc khủng hoảng thừa chương trình THTT, các nhà sản xuất không ngừng đấu tranh không khoan nhượng về rating, quảng cáo mà bỏ qua yếu tố chất lượng nghệ thuật vốn là mấu chốt về mặt giá trị mà người xem cần nhất.

Các chương trình THTT xuất hiện với mật độ dày đặc, nội dung và hình thức na ná giống nhau dần trở thành nỗi ngao ngán của không ít khán thính giả. Để đạt được mục đích lôi kéo người xem, họ bắt đầu sử dụng những chiêu trò, tung ra scandal ngớ ngẩn thậm chí là lố bịch về thí sinh lẫn ban giám khảo.

Không khó để người xem bắt gặp hình ảnh một thí sinh khóc lóc, kể lể về hoàn cảnh khổ đau bất hạnh trước màn hình cốt để lấy được cảm tình từ giám khảo hay khán giả xem truyền hình; chuyện giám khảo, vốn là những nghệ sĩ được nhiều người yêu mến sẵn sàng công kích, thậm chí hạ thấp nhau để giành ưu thế; chuyện các thí sinh mâu thuẫn, xung đột, nói xấu nhau trên sóng truyền hình cho tới những chuyện về tình cảm, giới tính cũng được khai thác mạnh mẽ…

Cả người chơi và giám khảo đều trở thành quân cờ thụ động dưới sự điều khiển của nhà sản xuất. Thậm chí, ngay cả khán giả cũng trở thành nạn nhân bị lừa bịp trong cuộc dàn xếp thiếu tinh tế của kịch bản như chuyện ca sĩ Anh Thúy đóng giả thí sinh Huyền Minh tham gia Nhân tố bí ẩn 2014 với hoàn cảnh đáng thương đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả…

Cùng với sự phát triển xã hội và sự giao thoa của các nền văn hóa, THTT xứng đáng được người xem truyền hình ưu ái lựa chọn để thỏa mãn nhu cầu giải trí của mình.

Nhưng trúng thôi chưa đủ mà còn phải đúng và phù hợp với thị hiếu dựa trên nền tảng giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội. Việc lạm dụng quá đà yếu tố giải trí và sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu dàn dựng chương trình sao cho phù hợp với văn hóa dân tộc đã biến những nhiều chương trình trở nên lố bịch, kém duyên.

Giữa “thực đơn” ăm ắp các chương trình THTT, người xem truyền hình vẫn đang “khát” những viên ngọc nổi bật và sáng giá. Đó là những chương trình chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ về mặt hình thức, sâu sắc về mặt nội dung mà vẫn đảm bảo được tính giá trị về mặt giải trí.

Trước thực tế đó, các cơ quan quản lý, thẩm định nghệ thuật cần có sự vào cuộc mạnh mẽ để chọn lọc những chương trình đạt chất lượng và phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Người xem truyền hình cũng cần nâng cao nhận thức và cảm xúc thẩm mỹ của chính mình. Để những giá trị thẩm mỹ đích thực được tôn vinh một cách xứng đáng, trong những con số xứng đáng.

                                                                                                                                                      Thanh Mai

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.