Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Trường Sa ngày giải phóng

23:12 18/07/2016 - Tác nghiệp
Ngày 30/4/1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Các mũi tiến công của quân ta vẫn tiếp tục tiến quân giải phóng miền Tây và các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Khoai, Côn Đảo... Cùng lúc đó, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam phối hợp với bộ đội đặc công Quân khu 5 mở những mũi tiến công thần tốc, thu hồi các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Bức ảnh đảo Song Tử Tây tháng 5/1975. Ảnh tác giả cung cấp

Ra Trường Sa ở “phút 90”

Cả nước hừng hực khí thế mừng chiến thắng. Cả toà soạn báo Quân đội nhân dân sốt ruột dõi theo tin bài gửi về mà chưa thấy lệnh cấp trên cho “ra trận”. Nhưng đến “phút 90”, cánh phóng viên trẻ chúng tôi bất ngờ được Tổng Biên tập Nguyễn Đình Ước gọi lên, đưa cho tờ giấy giới thiệu của Phó Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Lê Ngọc Hiền. Giấy giới thiệu đóng dấu tối khẩn, khi giao cho tôi, anh Ước nói ngắn gọn: “Phải tìm mọi cách ra gấp Trường Sa đưa thật nhanh ảnh, bài về tòa soạn”. Nhận lệnh, tôi vô cùng xúc động.

Vào Sài Gòn, người đầu tiên tôi gặp là nhà báo Phạm Phú Bằng. Anh Bằng xem giấy giới thiệu liền đưa tôi sang trạm tiền phương Bộ Tư lệnh Hải quân. Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết đã bố trí xe ô tô để tôi đi Nha Trang. Nhưng sáng hôm sau tôi đến thì được biết không có người lái xe. Tôi đành phải liều, tính phải tìm cho được một chiếc xe máy mặc dù tôi không hề biết đi xe máy. Tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất, ở cuối sân bay may thay còn một chiếc Kawasaki 250 phân khối, màu đỏ chót, biển số vàng, chìa khóa vẫn cắm ở chỗ ổ khóa. Tôi nổ máy đi thử. Ngã. Dựng xe dậy lại đi tiếp. Năm, bảy lượt như thế, tôi cũng đi được và liều phóng xe ra phố.

Tôi lạc ở ba phố Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ và vòng xoay chợ Bến Thành đến tận khuya mới về trạm tiền phương ở đầu cầu Thị Nghè. Thấy tôi về khuya, cưỡi chiếc xe mới toanh cao lênh khênh, ai cũng kinh ngạc. Nhà báo Phạm Phú Bằng hỏi dồn dập: Cả ngày đi những đâu, làm gì, sao lại có xe máy và biết lái xe từ bao giờ. Tôi nói vắn tắt sự việc. Bấy giờ anh Nguyễn Thắng cho biết, cũng vừa nhận được điện báo cùng đi Trường Sa. Tôi cười: “Sáng mai hai anh em mình lên đường đi Cam Ranh”.

Và thế là, nhiệm vụ thì quá gấp, phần vì “điếc không sợ súng” cứ thế trên chiếc xe kềnh càng (hai bên buộc hai can xăng loại 20 lít), chúng tôi băng băng trên đường, phóng gấp ra Quân cảng Cam Ranh dù cũng chẳng biết đường, cứ vừa đi vừa hỏi. Đến Cam Ranh, chúng tôi xuống tàu ra Quân cảng Nha Trang cùng đoàn đặc công 126 Hải quân. Ở đây, đoàn phái viên Bộ Quốc phòng do Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái giao nhiệm vụ cho từng người và phân công thành từng tổ đi theo các tàu. Tôi đi tàu kỳ hạm cùng với Phó Đô đốc Hoàng Hữu Thái.

Quá nửa đêm thì một cơn dông ập đến. Sóng, gió ngày càng dữ dội, ba con tàu mất liên lạc với nhau. Chiếc tàu chết máy, phải thả trôi trên biển. May mắn có tàu của Liên Xô xuất hiện, lai dắt vào bờ. Tất cả ngủ một đêm ngon giấc, tờ mờ sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường. Lần này, ngoài 3 tàu cá còn có thêm tàu Trùng Khánh của đoàn 125 Hải quân chỉ huy, dẫn đường. Điểm đảo đầu tiên đoàn dừng chân là Song Tử Tây, cũng là đảo đầu tiên được giải phóng rạng sáng 4/4. Sau Song Tử Tây, đoàn tiếp tục hành trình tới Nam Yết, An Bang, Trường Sa Lớn... và cuối cùng là Sơn Ca - hòn đảo được giải phóng sau cùng vào ngày 29/4.

Nhà báo Khắc Xuể (giữa) cùng đồng nghiệp tại đảo Nam Yết tháng 5/1975

Kiên cường giữa thiên nhiên hùng vĩ

Giây phút đầu tiên thấy lá cờ đỏ sao vàng lồng lộng trên cột chủ quyền đảo Song Tử Tây tôi hối hả bấm máy ảnh. Vẫn còn nguyên ấn tượng trong tôi hình ảnh các chiến sỹ đầu đội mũ cối, ôm súng lao nhanh lên đảo. Đó là biểu tượng của những người chiến thắng hiên ngang bảo vệ từng tấc đất, từng thước đảo, từng ngọn sóng... của Tổ quốc thân yêu. Tác nghiệp ở Trường Sa cái khó nhất là thời gian rất hạn hẹp, địa hình đảo nhỏ nên không dễ xoay trở, bố cục khuôn hình với những người cầm máy ảnh, máy quay... Sự hùng vĩ của biển trời ở vị trí tiền tiêu, cốt cách khiêm nhường của người lính, người dân trên đảo nhỏ Trường Sa luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho tinh thần sáng tạo của nhà báo.

Tôi may mắn chụp được 14 cuộn phim, ghi lại hình ảnh Trường Sa với chim chóc, cỏ cây và bộ đội chiến đấu, huấn luyện trong những ngày đầu giải phóng. Những bức ảnh chụp ở Song Tử Tây được cho là tốt nhất với nhiều hình ảnh sinh động.

Trường Sa ngày ấy còn khá hoang sơ, cây cối cũng ít. Ở Song Tử Tây chỉ có chừng mươi cây dừa, không có bàng vuông, phong ba như bây giờ. Cây sâm đất khá nhiều, mọc kín đảo Trường Sa Lớn. Ở Nam Yết có dừa, bàng vuông... An Bang, Sinh Tồn gần như không có cây cối. Các công trình trên đảo chủ yếu là hầm, công sự phủ cát, gác tôn.

Cây cối thưa vắng nhưng bù lại đảo rất nhiều chim. Chim hải âu, ó biển, mòng biển nhiều vô kể. Thực phẩm mang theo không nhiều nên nguồn thức ăn chính của bộ đội ta vẫn là trứng chim, thịt vích. Nước uống cũng thiếu, lại hầu như không có rau. Nhưng rồi, mọi người đều động viên nhau vượt qua, vì đồng đội bám đảo đã và sẽ phải chịu đựng cuộc sống như thế lâu dài.

Chuyến công tác kéo dài hơn 10 ngày là dịp để đoàn khảo sát, hoạch định những vấn đề phòng thủ, giữ vững quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tôi và nhà báo Nguyễn Thắng đã hoàn thành nhiệm vụ chụp ảnh, thu thập tư liệu.

Một góc đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh:TL

Dù là nhà báo đầu tiên ra chụp ảnh Trường Sa, nhưng để có được những bức hình cho riêng mình, cũng không hề đơn giản. Khi về đất liền, trong số 14 cuộn phim đã chụp, tôi bàn giao lại cho cấp trên 10 cuốn. Nghĩ mình là nhà báo mà “trắng tay”, tôi xin giữ lại 4 cuộn với lý do ảnh “không quan trọng”. Còn bài viết về Trường Sa, tôi chỉ viết một bài về trận đánh đảo Sơn Ca và một bài về chiếc xe máy Kawasaki.

Nhà báo Nguyễn Thắng nay đã đi xa. Tôi vẫn thường xem lại bức ảnh Nguyễn Thắng và tôi đứng cạnh cột mốc chủ quyền đảo Nam Yết. Thoắt đó đã hơn 40 năm. Trường Sa đổi thay rất nhiều, bề thế, khang trang và kiên cường trước mọi thử thách... Quân dân Trường Sa hôm nay tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất, vững tin Tổ quốc luôn ở bên mình./.

Nguyễn Khắc Xuể
© Tạp chí Người Làm Báo số 386 - Tháng 4/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top