Trung tâm truyền thông giúp tập trung tối đa nguồn lực báo chí
02:06 27/12/2021
- Vấn đề sự kiện
Ngày 26/12, tại Quảng Ninh, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp nhất các cơ quan báo chí, thông tin cấp tỉnh từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh”.
Quảng Ninh:
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Chủ trì Hội thảo khoa học có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh; nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cùng các đại biểu của một số cơ quan báo chí, Đài Phát thanh Truyền hình trong cả nước tham dự.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn, sau 3 năm tỉnh Quảng Ninh hợp nhất 4 cơ quan báo chí thành Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, việc sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh Quảng Ninh là yêu cầu cấp thiết nhằm hình thành một tổ hợp truyền thông thống nhất, tập trung sức mạnh, nguồn lực, các loại hình truyền thông, tối ưu hóa mô hình tổ chức và sử dụng hiệu quả các nguồn lực truyền thông.
Ngoài ra, từ sự thay đổi về lượng tạo sự thay đổi về chất, nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của Trung tâm, sản xuất các sản phẩm báo chí ngày càng có chất lượng, phục vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, tâm lý, thói quen của công chúng báo chí hiện đại.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo
Việc sắp xếp, đổi mới này cũng là sự phát triển tất yếu khách quan, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi tự thân của các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Ninh, góp phần khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực tài chính, khả năng cạnh tranh còn hạn chế...đồng thời phù hợp với xu hướng hội tụ truyền thông, số hóa truyền thông, xu hướng tích hợp báo chí-công nghệ thông tin-viễn thông...
Nhà báo Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình và Báo Bình Phước chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tại Bình Phước so với Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh từ mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức đến vấn đề kinh tế báo chí,…
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn, sau Hội thảo sẽ có đánh giá chuyên sâu hơn nữa về mô hình hoạt động, sức lan tỏa, tính phản biện thông tin báo chí của Trung tâm truyền thông đã thực hiện được; vấn đề tự chủ kinh phí, kinh tế báo chí… từ đó làm cơ sở cho các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu việc nhân rộng mô hình ra các địa phương trong cả nước.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, mô hình hợp nhất Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là bước cụ thể hóa các nghị quyết chính sách của Đảng về tinh gọn bộ máy, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả; là yêu cầu tất yếu, phù hợp quy hoạch phát triển báo chí đến 2025, khắc phục được tình trạng chồng chéo, tránh được lãng phí về nguồn lực và con người; tăng cường được sức mạnh truyền thông, giải quyết được bài toán kinh tế, tự chủ tài chính, từng bước nâng cao đời sống cho đội ngũ những người làm báo.
Thảo luận tại hội thảo, các diễn giả đều nhận định, việc hợp nhất các cơ quan báo chí là phù hợp với xu hướng phát triển báo chí ở nước ta, phát huy được các nguồn lực sẵn có, phục vụ tốt cho hoạt động chuyển đổi số đối với lĩnh vực báo chí.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, để các tác phẩm báo chí của Trung tâm truyền thông tạo ra được sự lan tỏa, Trung tâm cần nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu của độc giả, từ đó sẽ sáng tạo được những ấn phẩm báo chí phù hợp với từng đối tượng công chúng. Ngoài ra, việc thống nhất tên gọi phù hợp và làm nổi bật được vai trò của báo chí trong mô hình hợp nhất cũng là vấn đề cần được quan tâm.
PGS,TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, bản chất của tòa soạn hội tụ hay đa phương tiện là “chiến lược biên tập”, giúp công chúng có thể sử dụng bất cứ thiết bị nào để tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, tòa soạn hội tụ phải phụ thuộc vào các quy định cũng như luật báo chí của từng quốc gia, đặc biệt là nền tảng khoa học và công nghệ, cũng như văn hóa tòa soạn. Do đó, sự ra đời và phát triển tòa soạn hội tụ là một tất yếu khách quan.
Sự tích hợp giữa các phương tiện truyền thông mới và cũ trong cùng một tòa soạn là đặc điểm nổi bật nhất của tòa soạn hội tụ, giống như như một cuộc “hôn nhân”, bao gồm nhiều chủ thể: báo in, tạp chí, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội. Các chủ thể phải điều tiết lẫn nhau, kết hợp linh hoạt với nhau để tạo ra “những đứa con tinh thần” mà công chúng dễ dàng đón nhận trên bất cứ kênh truyền thông nào.
Tòa soạn hội tụ có sự hợp nhất giữa các phòng (ban) chuyên môn trong cơ quan, các phóng viên, biên tập viên cũng như lãnh đạo cùng làm việc trong một không gian mở trên một mặt phẳng, lấy trung tâm sản xuất và phân phối tin tức đa phương tiện làm hạt nhân – nơi có thể giúp lãnh đạo tòa soạn đưa ra “chỉ thị” nhanh nhất và thống nhất về nội dung đến từng nhân viên trong tòa soạn. Hiện nay, trên thế giới có ba mô hình tòa soạn hội tụ chính: Mô hình 1.0 - lấy sản phẩm báo chí in làm hạt nhân; Mô hình 2.0 – lấy báo điện tử làm trung tâm; Mô hình 3.0 ưu tiên các kênh truyền thông số hay còn gọi tòa soạn hợp nhất.
GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo khoa học, GS,TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong việc thành lập mô hình Trung tâm Truyền thông trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông cấp tỉnh. Mô hình cho thấy nhiều hiệu quả tích cực, bên cạnh những kinh nghiệm quý giá trong việc thành lập và phát triển mô hình trung tâm báo chí trong cả nước.
Theo đó, Giáo sư cũng nhấn mạnh một số vấn đề như công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cơ chế, chính sách hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho mô hình Trung tâm truyền thông phát triển; đảm bảo hài hòa giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước giữa công tác chuyên môn báo chí, truyền thông với vấn đề kinh tế báo chí và việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực báo chí, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ được khoa học công nghệ trong thời đại mới…./.
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Ninh, phòng Biên tập Cổng thông tin điện tử tổng hợp thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Báo Hạ Long của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2019. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước thực hiện hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh. |
Hải Dương
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)
- Phiên chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” (06:00 12/11/2024)
- Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (09:10 11/11/2024)