Triển khai quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật: Bản cam kết của nghệ sĩ

22:11 17/02/2022 - Văn hóa xã hội
Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được Bộ VHTTDL ban hành đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội xác định cụ thể hơn về chuẩn mực và trách nhiệm của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Vở kịch nói “Chén thuốc độc” công diễn tại Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Kịch nói Việt Nam

Trao đổi với Văn Hóa, lãnh đạo của một số đơn vị nghệ thuật, các hội chuyên ngành nghệ thuật và cơ quan quản lý nhà nước ở các tỉnh, thành đều cho rằng, những nội dung của Quy tắc sẽ giúp họ có thêm căn cứ quan trọng để đưa vào xét tặng thi đua của đơn vị và cá nhân cũng như xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. Quy tắc được coi là bản cam kết của giới nghệ sĩ trước cuộc sống cũng như công chúng.

Nhận diện rõ hơn những biểu hiện của chuẩn mực đạo đức

Là một nghệ sĩ hoạt động lâu năm trong ngành Chèo, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam khẳng định: “Bộ VHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử là rất kịp thời. Thời gian vừa qua, hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt trong lối sống, hành vi ứng xử của một bộ phận nghệ sĩ, như ăn mặc lố lăng, diễn viên trẻ lấy danh là nghệ sĩ của Nhà hát quốc gia để biểu diễn những tiết mục kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn... Điều này đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Nội dung trong Quy tắc ứng xử giúp những người quản lý nghệ thuật chúng tôi có căn cứ để khuyến cáo, nhắc nhở nghệ sĩ của mình khi có những biểu hiện lệch chuẩn. Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ nghiên cứu để đưa những nội dung này vào tiêu chí đánh giá về đạo đức, lối sống, tác phong của cán bộ, nghệ sĩ để phân loại thi đua, bình xét cuối năm và cả danh hiệu”.

Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: “Quy tắc ứng xử được ban hành thêm một lần xác định đánh giá về tiêu chuẩn của một nghệ sĩ chân chính. Chúng tôi rất mong các Sở VHTTDL, Sở VH&TT, Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch trên toàn quốc cần bám vào những nội dung của Quy tắc ứng xử để giám sát, tránh những trường hợp xảy ra những chương trình “treo đầu dê, bán thịt chó”, bảo đảm quyền lợi cho công chúng được xem những chương trình nghệ thuật chất lượng”.

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho rằng, Quy tắc sẽ giúp lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật có thêm căn cứ để nhắc nhở nghệ sĩ trong việc đảm bảo chất lượng nghệ thuật khi đi diễn ở ngoài cũng như điều chỉnh các hành vi ứng xử, phát ngôn trên mạng xã hội. “Quy tắc ứng xử không chỉ giúp cho các diễn viên trẻ mới vào nghề nhận thức được hành vi của mình mà ngay cả với những nghệ sĩ có danh hiệu cũng sẽ càng phải thận trọng hơn khi soi chiếu vào để điều chỉnh cho phù hợp khi đang là người của công chúng”, NSND Triệu Trung Kiên nhận định.

Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Sĩ Tiến thì cho rằng, vai trò của người lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cũng vô cùng quan trọng, muốn định hướng nghệ sĩ của mình thì bản thân lãnh đạo cũng phải làm gương trong lối sống, ứng xử, làm nghề...

Đưa Quy tắc ứng xử vào thực tiễn

Phó giám đốc Nhà hát Thế giới Trẻ của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, NSND Hoàng Yến chia sẻ băn khoăn khi một số bầu sô và cá nhân ca sĩ, nghệ sĩ đã cố tình tạo scandal, phát ngôn gây sốc… để thu hút sự chú ý của khán giả, dùng đủ chiêu trò để câu view, câu like. Vì vậy, đối với những người hoạt động nghệ thuật tự do thì các cơ quan quản lý địa phương sẽ phải tăng cường phổ biến và nhắc nhở về nội dung Quy tắc tại các Hội thảo, Hội nghị hay buổi tổng duyệt chương trình, các hoạt động tổ chức biểu diễn…

Qua trao đổi, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như đại diện một số hội chuyên ngành như Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam… đều cho rằng để Quy tắc ứng xử đi vào thực tiễn đời sống và đạt được mục đích theo đúng tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực thì phụ thuộc rất nhiều vào công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ở địa phương rất quan trọng. Đối với những hành vi vi phạm nội dung của Quy tắc và nằm trong đối tượng, phạm vi quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì các cơ quan thanh tra cần xử lý nghiêm khắc. Ngay cả với những hiện tượng cá nhân người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, ứng xử, phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội khiến cộng đồng bức xúc thì rất cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan kịp thời phát hiện, xử lý...

Rõ ràng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước thì dư luận xã hội cũng đã góp phần không nhỏ giúp cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhận diện một cách đầy đủ hơn về những chuẩn mực đạo đức cần có. Mặc dù Quy tắc không đề cập đến nội dung chế tài, nhưng những nội dung trong Quy tắc cũng đã thể hiện quan điểm và đánh giá của toàn xã hội về những chuẩn mực cần có đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Cùng với đó, sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng cũng sẽ là những “barie” để nghệ sĩ tự soi mình, để cẩn trọng hơn không chỉ trong việc phát ngôn, ứng xử mà còn khi tham gia các hoạt động nghề nghiệp, xã hội… 

Sở VH&TT Hải Phòng sẽ căn cứ vào Quy tắc ứng xử để bình xét thi đua cho các cá nhân trong các đơn vị nghệ thuật. Chắc chắn, những nghệ sĩ có những biểu hiện đi ngược với nội dung của Quy tắc sẽ không được xét phân loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay đạt các danh hiệu như Chiến sĩ thi đua, Lao động tiên tiến. Hải Phòng cũng sẽ khuyến cáo Hội Liên hiệp VHNT TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Quy tắc ứng xử, đặc biệt hướng tới các đối tượng những người hoạt động nghệ thuật tự do. Với góc độ quản lý nhà nước, Sở cũng sẽ bổ sung, soi chiếu các nội dung của Quy tắc vào hoạt động cấp phép, tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại địa phương.

(Bà TRẦN THỊ HOÀNG MAI, Giám đốc Sở VH&TT Hải Phòng)

Quy tắc ứng xử là để nghệ sĩ và những người hoạt động nghệ thuật hiểu rằng họ đang là những đối tượng có tác động mạnh đối với dư luận xã hội, và vì vậy, họ cần phải nêu cao những nội dung này hơn người khác. Có những người hoạt động nghệ thuật nhưng công chúng lại không chấp nhận họ là nghệ sĩ. Không ai cấm một người hoạt động nghệ thuật lên sân khấu biểu diễn, ra tiết mục hay clip mới… nhưng nếu như họ không được đào tạo bài bản, không có lối sống lành mạnh, không thực sự là tài năng thì sẽ không được gọi là “nghệ sĩ” mà họ chỉ là những người hoạt động nghệ thuật mà thôi.

(Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT XUÂN BẮC)

Theo baovanhoa.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top