Trí tuệ nhân tạo - mũi tên tiên phong cho nền báo chí tương lai

17:58 07/09/2022 - Thế giới
Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, báo chí hiện đại đang không ngừng làm mới mình, cập nhật những giá trị tiến bộ nhằm tạo nên các tác phẩm báo chí không chỉ mang tính thời sự mà còn giàu sự sáng tạo, đa góc nhìn, đa nền tảng, đa phương tiện... Trí tuệ nhân tạo (ai) - thành tựu của khoa học - công nghệ đã được ứng dụng vào hoạt động báo chí, có thể giúp nền báo chí thế giới tiếp tục“phóng mũi tên tiên phong” cho tương lai, với tham vọng bám sát tốc độ tin tức thời sự, khơi thông sức sáng tạo vô tận của con người và thực hiện những dự án lớn với sự trợ giúp của công nghệ.

AI là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Cỗ máy AI có thể mô phỏng trí tuệ của con người thông qua các học máy và thực hiện nhiều tác vụ đa dạng như biết suy nghĩ, lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, có khả năng thích nghi các hành vi của con người...

Nắm được những bước đi tiến bộ của nhân loại, báo chí ngay lập tức gia nhập cuộc đua phát triển AI và
ứng dụng vào hoạt động tác nghiệp, sản xuất sản phẩm báo chí. Bởi, một mặt, báo chí luôn là ngành thức thời với mọi sự thay đổi, mặt khác, công chúng hiện đại có nhu cầu thông tin ngày càng cao, đòi hỏi cơ quan báo chí phải không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tác phẩm. Các đơn vị thông tấn lớn trên thế giới đều nỗ lực phát triển hoặc sở hữu nhiều sản phẩm AI, mang đến dòng thông tin được nâng cấp về tốc độ, đồng thời, tạo nền tảng hỗ trợ sự xuất hiện dòng báo chí sáng tạo.

Ảnh minh hoạ.

AI đa nhiệm trong tác nghiệp báo chí
Những học máy sở hữu khả năng bắt chước trí thông minh của con người trong một số hoạt động cụ thể, nhờ đó, trở nên hữu ích và đa nhiệm trong tác nghiệp báo chí cũng như quá trình sản xuất tác phẩm. Trong nghiệp vụ báo chí, AI có thể xây dựng hoàn chỉnh bản tin thời sự trên cơ sở hệ thống dữ liệu được cung cấp, phân tích số liệu chuyên sâu, viết tin, bài. Những tác phẩm này được giới hạn ở cấp độ đơn giản, mang tính công thức với chủ đề có chứa nội dung phân tích con số, như: nghiên cứu thị trường chứng khoán, kết quả thi đấu thể thao, bản tin thời tiết. Không chỉ vậy, nhiều tòa soạn còn áp dụng AI vào việc cân bằng đề tài, nội dung nhằm tránh sự mất cân đối do quan điểm chính trị, thế giới quan cá nhân nhà báo gây nên.

Bằng cách sử dụng các thuật toán được thiết kế để đảm bảo tính chính xác, AI giảm thiểu tính suy đoán trong phân tích của con người. Mặt khác, trong hỗ trợ con người thực hiện tác phẩm báo chí, AI được ứng dụng để xử lý những tác vụ mang tính lặp đi lặp lại, tốn nhiều thời gian của con người. Trong đó có việc xử lý và phiên ngữ tự động đối với các audio, video phỏng vấn. Hoạt động này giúp tiết kiệm khối lượng lớn thời gian của phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, người làm báo có thể tập trung vào việc phân tích hàm ý chuyên sâu từ tư liệu đời thực, thay vì dành công sức cho tác vụ không giàu giá trị sáng tạo và ít sử dụng chất xám.

Bên cạnh đó, dựa vào kho dữ liệu khổng lồ có được qua nhiều nguồn thông tin, AI sẽ phát hiện xu hướng hoặc sự thay đổi bất thường trong dữ liệu lớn. Những phát hiện này có thể mang tính hiện tượng, hỗ trợ người làm báo nhanh chóng phát hiện vấn đề, bám sát thời sự và dự đoán xu hướng. Nhờ vào việc vận dụng AI, nhiều tòa soạn, tập đoàn truyền thông có thể dẫn đầu xu hướng với nền tảng dữ liệu được xử lý chính xác, nhanh chóng.

Ưu tiên phát triển của tuyến đầu ngành báo chí

Những cơ quan thông tấn quốc gia và nhiều tập đoàn truyền thông nổi tiếng của thế giới đã nhận thấy được tiềm năng trong việc ứng dụng AI vào hoạt động tác nghiệp, hỗ trợ chiến lược phát triển đường dài. Từ nhiều năm về trước, hãng tin Bloomberg ứng dụng Cyborg trong việc phân tích các bản tin tài chính và cập nhật tin tức thờ isự,sử dụng sự việc và số liệu do con người cung cấp. Trong khi đó, Washington Post cũng là một trong những tờ báo hàng đầu của nước Mỹ lần đầu tiên áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tự phát triển, có tên Heliograf, đã giúp Ban biên tập đưa tin về kỳ bầu cử Quốc hội Mỹ và Thế vận hội Olympic 2016 nhanh chóng. Và cho đến hiện nay, AI vẫn được ứng dụng triệt để giúp đa dạng hóa nội dung, bao phủ hoàn toàn nội dung thông tin trong cuộc sống hằng ngày và đem lại tính thời sự cao hơn bao giờ hết trên trang báo.

Hãng tin AP đã tăng số lượng bài báo từ 300 lên đến 3.700 tác phẩm mỗi quý. Hiện tại, phòng tin tức trí tuệ nhân tạo của AP đã tự động sản xuất khoảng 40.000 câu chuyện mỗi năm. Theo bà Lisa Gibbs, trưởng nhóm phát triển tin tức AI của AP, việc áp dụng công nghệ đã giải phóng phóng viên khỏi các công việc thủ tục, dành nhiều thời gian hơn cho công việc yêu cầu tính chuyên môn cao và sự sáng tạo.
Truyền thông của Đức cũng áp dụng AI trong việc thống kê và xây dựng một bản đồ tội phạm. Cụ thể, tờ
Stuttgarter Zeitung “vẽ” bản đồ qua việc huấn luyện các học máy hiểu được phát ngôn của trụ sở cảnh sát Stuttgart. Sau đó, hệ thống sẽ phân loại thông tin vào các “ngăn chứa” và hoàn thành dữ liệu cho bản đồ tội phạm của địa phương.

Gần hơn, Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng đã ứng dụng AI vào hoạt động thông tin, sử dụng phát thanh viên được phát triển từ công nghệ trí tuệ nhân tạo để chuyển tải các bản tin đến với con người. Hai phát thanh viên sử dụng AI của hãng Thông tấn này có chuyển động mượt mà và mô phỏng tạo hình thật của con người. Hai phóng viên “làm việc” với tư cách thực tập sinh và tạo nên cột mốc mới cho ngành báo chí thế giới trong kỷ nguyên công nghệ. Những phát triển của công nghệ là sự đồng hành không thể thiếu đối với ngành báo chí.

Xuất phát từ bản chất yêu cầu tính mới, tính sáng tạo và tính thời sự, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cho hệ thống sản xuất tác phẩm truyền thông về mặt số lượng, tạo không gian sáng tạo, giúp người làm báo nâng cao chất lượng. Để không bị bỏ lỡ trên đường đua thời sự, các cơ quan thông tấn quốc gia và hãng truyền thông lớn tại Việt Nam có thể từng bước bắt đầu nhập cuộc vào tiến trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và không gian bình luận trên các trang báo, mặt khác, tăng độ bao phủ và nhanh nhạy của thông tin cũng như sự khách quan cần có cho các tác phẩm báo chí. Tiến trình làm báo cùng trí tuệ nhân tạo sẽ có ít nhiều thay đổi, nhưng với khuôn khổ được xác định cùng các quy chuẩn về đạo đức, công nghệ sẽ góp phần thay đổi tích cực và hỗ trợ sự sáng tạo mạnh mẽ hơn của nhà báo trong tương lai.

Khánh Trinh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top