Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tôn vinh ngư dân 'bám' biển

“A lô, tàu của thằng em mới bị đâm chìm, báo cho phóng viên biết...!”, giọng của ngư dân Nguyễn Quýt thảng thốt trong điện thoại. Sau khi điện thoại cho nhà báo thì các ngư dân mới báo đến các cơ quan chính quyền. Vì sao nhà báo ở Quảng Ngãi lại được ngư dân tin cậy như vậy?

Các tác phẩm báo chí về đề tài biển đảo, tôn vinh ngư dân, khơi dậy truyền thống bám biển đã giúp ngư dân gắn bó với những con tàu và biển cả. Ảnh: TL

Thông tin trực tiếp với ngư dân

Ngư dân Nguyễn Quýt ở xóm Ghành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi), dù đã uống say, nhưng khi nghe tin từ Đài thông tin Ghành Cả thông báo tàu cá của ngư dân Nguyễn Cu bị chìm ở Hoàng Sa, ông Quýt gọi ngay cho nhà báo để theo dõi thông tin. Ông Quýt phải diễn giải nhiều lần, người nghe mới nắm được toàn bộ sự việc đang xảy ra. Ông Quýt cũng đề nghị nhà báo thông tin nhanh để hỗ trợ thêm cho ngư dân trong việc kêu gọi các cơ quan chức năng tổ chức cứu vớt và hỗ trợ cho ngư dân bị nạn.

Dù quần đảo Hoàng Sa cách đất liền hàng trăm hải lý, nhưng thông tin từ ngoài biển được truyền qua nhiều đài canh Icom, hoặc Đài Duyên Hải miền Trung thông qua điện thoại cá nhân. Thông tin từ biển cung cấp khá đầy đủ đã phác họa bức tranh tương đối hoàn chỉnh về tàu cá của ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa. Thông tin chuyển vào bờ thường có độ chính xác cao, chưa xảy ra việc ngư dân đưa tin thất thiệt.

Một vụ việc phối hợp và trao đổi thông tin trực tiếp từ ngư dân đến với báo chí hiệu quả nhất, đó là tàu cá QNg 98459 TS của ngư dân Huỳnh Thạch ở xã Phổ Quang huyện Đức Phổ bị đâm chìm ở Hoàng Sa vào đầu tháng 1/2016. Để phản ánh đầy đủ sự việc, bà con ngư dân đã chuyển thông tin và hình ảnh quay, chụp bằng điện thoại vào đất liền và cung cấp cho báo chí.

Trong những năm qua, phóng viên báo chí ở tỉnh Quảng Ngãi đã thực sự trở thành những người thân của bà con ngư dân. Chính vì vậy, khi xảy ra sự việc trên biển, bà con ngư dân thường điện báo ngay cho phóng viên báo chí để đeo bám thông tin. Từ nguồn tin ban đầu, cộng với việc xác minh qua chính quyền địa phương đã giúp cho việc đưa tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Điều gì khiến cho ngư dân và báo chí ở Quảng Ngãi có sự liên kết chặt chẽ? Đây phải chăng là kinh nghiệm để cơ quan báo chí ở 28 tỉnh thành ven biển học tập và chia sẻ kinh nghiệm?

Sợi dây liên kết giữa biển và bờ

Tại Hội thảo “Báo chí miền Trung tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, có hơn 100 đại biểu về dự hội thảo với 29 tham luận. Các đơn vị đã thảo luận tập trung vào 3 nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền về biển đảo, kỹ năng tác nghiệp của nhà báo và một số vấn đề đặt ra và giải pháp. Trong đó tập trung vào các vấn đề báo chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, những yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay; ứng xử và trách nhiệm với di sản của cha ông; tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; đạo đức nhà báo từ việc đưa tin hiện tượng cá biển chết hàng loạt ở Hà Tĩnh...

Nếu phân tích và đi sâu vào vấn đề “báo chí kết nối ngư dân” sẽ thấy rằng, nhờ sự kết nối, ngư dân được hưởng các chế độ đãi ngộ, việc triển khai hỗ trợ ngư dân nhanh chóng, công tác giải quyết thông qua ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc được thúc đẩy nhanh hơn, bên cạnh đó là tâm lý của ngư dân cảm thấy yên tâm bám biển vì được cả xã hội quan tâm.

Nhưng để có được sự kết nối chặt chẽ giữa báo chí Quảng Ngãi với ngư dân bám biển, thì các nhà báo phải có mối quan hệ cá nhân rất tốt với ngư dân và ngược lại. Mối quan hệ tốt đó xây dựng trên cơ sở lòng tin, hỗ trợ. Khi xảy ra sự việc trên biển, khi người thân của bà con ngư dân điện báo thông tin, các nhà báo đều có mặt kịp thời. Điều đó đã tạo ra niềm tin rất lớn của ngư dân đối với nhà báo. Ngư dân từ đó đã hình thành nếp quan “có việc điện nhà báo”. Vì thông qua báo chí, những khó khăn, khúc mắc của ngư dân đều được giãi bày và được đáp ứng kịp thời.

Một số nhà báo tâm sự: “Nếu nửa đêm ngư dân điện thoại thì cũng vác máy đi làm ngay, dù đường xa xôi. Vì mình bỏ một lần thì sau này bà con không tin, không điện cho mình nữa”. Thượng úy Lê Minh Trọng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ nói với vẻ khâm phục: “Có rất nhiều vụ việc xảy ra trên biển, khi trạm vừa nhận được tin thì anh em phóng viên báo chí đã chạy xe từ thành phố Quảng Ngãi đến trạm để chờ đưa tin. Có khi phóng viên, có cả chị em nữ đến trạm ngồi chờ đến khuya để đưa tin tàu bị nạn vào bờ”.

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5.500 tàu cá, trong đó có hơn 3.000 tàu với hơn 30.000 ngư dân đánh bắt xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. So với ngư dân ở các tỉnh miền Trung thì đây là số lượng tàu đánh bắt xa bờ rất lớn. Thử so sánh, tỉnh Bình Định có 7.791 tàu cá, trong đó có hơn 2.135 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng chỉ vài trăm trên hàng ngàn chiếc. Hoạt động vươn khơi đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó, vai trò động viên, cổ vũ của báo chí là rất quan trọng.

Đi dọc nhiều tỉnh thành ven biển và thực tế là làng chài nào không có những hoạt động văn hóa để tôn vinh, động viên người dân chài thì nơi đó ngư dân không trở thành những kình ngư đầy lãng mạn, dám đương đầu với sóng gió, dám vươn rộng trên đại dương. Nhưng báo chí nếu đầu tư nhiều về đề tài biển đảo, có những bài viết tôn vinh ngư dân, khơi dậy truyền thống bám biển đã giúp ngư dân gắn bó với những con tàu và biển cả.

Báo chí Quảng Ngãi đã đáp ứng được tiêu chí này, và làm cho ngư dân trở nên lãng mạn hơn trong cuộc mưu sinh trên biển. Các cơ quan báo, đài thường xuyên có nhiều bài viết, phóng sự về những ngư dân bám biển, đưa họ vào mục người tốt việc tốt, kình ngư vươn khơi, mở các chuyên mục biển đảo, vì chủ quyền an ninh biên giới biển đảo.

Làng chài xã Bình Chánh huyện Bình Sơn có một điều khá đặc biệt, đó là gần 100 tàu cá đều là tàu đánh bắt xa bờ, Hoàng Sa, Trường Sa. Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Đó là vào dịp đầu năm, cả làng lại tổ chức lễ giỗ thần Nam Hải Đại Tướng Quân và ra quân bám biển. Khi đến tiết mục hò bả trạo thì liên tục vang lên câu “anh em ơi, đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Bài hò này do chính ngư dân làng chài sáng tác. Điệu hò đó động viên ngư dân vươn vai bước ra biển lớn.

Điệu hò đó trở thành “chi tiết hay” để báo chí khai thác, nhân lên, tạo niềm cảm hứng cho ngư dân khắp các làng chài./.

Lê Văn Chương

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top