Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại chương trình “Xuân quê hương 2024”

Ngày 2/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Xuân Quê hương 2024”. Tạp chí Người Làm Báo xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước tại chương trình.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu_ Ảnh: Thống Nhất

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!

Thưa các cô bác, anh chị cùng các cháu!

Hôm nay, tại thành phố mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, thành phố anh hùng, thành phố mùa Xuân, thành phố nghĩa tình, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh vui mừng gặp gỡ đồng bào ta từ khắp nơi trên thế giới trở về với quê hương Việt Nam cùng chung vui đón chào Xuân mới Giáp Thìn 2024.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới tất cả các vị khách quý, những người con thân yêu của đất mẹ Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và những lời chúc đầu năm mới tốt đẹp nhất.

Thưa đồng bào và quý vị đại biểu!

Chúng ta đã đi qua một năm khó khăn với nhiều biến động lớn, phức tạp, khó lường, bất trắc gia tăng, xung đột kéo dài, chiến tranh cục bộ diễn ra ở nhiều khu vực, thời tiết ngày càng trở nên cực đoan và thiên tai khốc liệt; kinh tế thế giới chậm phục hồi, tác động tiêu cực đến mọi quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, đạt kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực với những dấu ấn nổi bật, tăng trưởng GDP đạt 5,05%, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; đối ngoại rộng mở; các lĩnh vực văn hóa, lao động, việc làm, an sinh xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng và có nhiều tiến bộ.

Những kết quả của năm 2023 đã góp phần làm dày hơn những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau gần 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Từ một đất nước nghèo khó, trải qua chiến tranh với nhiều mất mát, đau thương cần hàn gắn; một nước từng bị bao vây, cấm vận, đến hôm nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia; là thành viên của 70 tổ chức khu vực và toàn cầu, đảm nhiệm các vai trò và trách nhiệm quốc tế quan trọng; đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Việt Nam đã vươn lên trở thành một nền kinh tế năng động hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế, hiệp định thương mại tự do, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã khẳng định hình ảnh, vị thế một đất nước độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách…

Những thành tựu ấy đạt được là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường và lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc của dân tộc ta, trong đó có sự đóng góp quý báu và rất quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Người Việt Nam ở nước ngoài, dù thuộc thế hệ nào, ở bất cứ nơi đâu, đã là con Lạc - cháu Hồng đều luôn là một phần máu thịt, một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc, luôn hiện hữu trong trái tim, tình cảm của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Trong năm qua, tôi đã có dịp đi thăm một số quốc gia, gặp gỡ bà con kiều bào và bên thềm Tết cổ truyền của dân tộc được lắng nghe những chia sẻ của bà con, tôi rất xúc động. Tôi cảm nhận được khát vọng và ý chí vươn lên, cảm nhận được mong muốn, khát khao chung tay đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Mặc dù sống xa Tổ quốc, nhưng đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nhiều kiều bào đã thành công, thành danh trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực cho quốc gia sở tại, là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với thế giới, là nhân tố quan trọng trong ngoại giao nhân dân, tích cực giữ gìn, lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi bày tỏ sự vui mừng trước những thành quả mà bà con người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được; ghi nhận, trân trọng và đánh giá cao những đóng góp to lớn, những nỗ lực lặng lẽ, bền bỉ của mỗi một người con Việt Nam cho Tổ quốc.

Thưa đồng bào và quý vị đại biểu!

Việt Nam đang vững bước trên con đường hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện thành công khát vọng ấy, đòi hỏi phải phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, có gần 6 triệu người Việt Nam sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều người đã khẳng định được giá trị bản thân, là những cá nhân tiêu biểu, có uy tín, có ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, được các quốc gia sở tại đánh giá cao. Đảng, Nhà nước luôn chân thành mong muốn đồng bào ta ở nước ngoài phát huy được tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo, gặt hái nhiều thành công, cuộc sống ổn định, ngày càng có địa vị pháp lý, kinh tế, chính trị vững vàng hơn, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Thành công của mỗi người Việt Nam ở nước ngoài luôn mang đến niềm vui, niềm tự hào cho Tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, cộng đồng người Việt ngày càng trở nên đa dạng với sự tiếp nối của nhiều thế hệ.

Tôi mong các bạn trẻ luôn gắn bó với quê hương, hướng về Việt Nam, nói được tiếng Việt, tự hào về nguồn gốc Việt Nam và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tôi tin rằng, tinh thần Việt Nam, giá trị Việt Nam sẽ làm cho bản sắc của các bạn trở nên phong phú hơn, hấp dẫn hơn trong cộng đồng đa văn hóa. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong điều kiện nào, lứa tuổi nào, quốc tịch nào, là người mang dòng máu Việt Nam, là người Việt Nam yêu nước thì đều có thể đóng góp cho Tổ quốc theo cách riêng của mình. Bởi tình yêu Tổ quốc là một điều giản dị, gần gũi và tự nhiên, một nhu cầu, khao khát tự nhiên và chính đáng.

Thưa đồng bào và quý vị đại biểu!

Đảng, Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn để đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hợp tác khoa học công nghệ - giáo dục, hoạt động văn hóa nghệ thuật, tham gia góp ý chính sách, chia sẻ kinh nghiệm và tri thức, làm cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Việt Nam mong muốn được đón các nhà đầu tư thế giới trong đó có người gốc Việt trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng cho mọi người trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.

Tôi mong thời gian tới, đồng bào sẽ về thăm đất nước nhiều hơn để chứng kiến những đổi thay của đất nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới, để cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Là một quốc gia đã phải trải qua những nỗi đau của chiến tranh, đất nước bị chia cắt, dân tộc bị chia rẽ, nhưng với truyền thống hòa hiếu, chí nhân, đại nghĩa của dân tộc, Việt Nam đã trở thành một hình mẫu của việc hàn gắn sau chiến tranh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác, kể cả các cựu thù.

Vì vậy, những người Việt Nam chúng ta cùng chung nguồn cội, cùng “Con Rồng - cháu Tiên” thì phải cùng nhau bước qua những định kiến, bất đồng còn rơi rớt lại để chung tay xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, phải cùng nhau thực hiện hòa hợp dân tộc vì tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc và của con cháu chúng ta.

Tôi kêu gọi kiều bào hãy đoàn kết một lòng, tin tưởng vững chắc vào mục tiêu đi tới của dân tộc, cùng chung tay xây đắp cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước, để Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta vững vàng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Thưa đồng bào và quý vị đại biểu!

Tết luôn thật đặc biệt với người Việt Nam. Đây là dịp những người con đi xa trở về nhà, sum họp trong tình thân gia đình, quê hương đất nước, cùng hân hoan đón chào năm mới. Người chưa có điều kiện trở về cũng sẽ hướng lòng mình về quê cha đất Tổ với những cảm xúc sâu lắng và thiêng liêng. Theo truyền thống ông bà, ngày 23 tháng Chạp là ngày làm lễ cũng ông Công, ông Táo, thả cá chép, cẩn cáo với trời đất, tổ tiên về một năm đã qua, sửa sang và dọn dẹp lại nhà cửa, bỏ đi những gì cũ kỹ, mở rộng tấm lòng để chuẩn bị đón một năm mới với những năng lượng mới, hy vọng mới về tương lai tốt đẹp, vạn sự hanh thông.

Với tinh thần ấy, một lần nữa, tôi chúc đồng bào ta ở nước ngoài và các đồng chí đại biểu một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam không ngừng phát triển.

Chúc Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. 

Năm mới, khí thế mới, thắng lợi mới!

Trân trọng cảm ơn!

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top