Tòa soạn với việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp

Khác với pháp luật, đạo đức vốn được coi là một khái niệm trừu tượng và phụ thuộc khá nhiều vào ý chí chủ quan của mỗi người khi đề cập vấn đề này. Trong lĩnh vực báo chí, đạo đức nghề báo đã được nói đến nhiều nhưng trên thực tế vấn đề này dường như vẫn còn nhiều nhức nhối! Vì sao vậy?

Ảnh minh họa. Nguồn: InternetẢnh minh họa. Nguồn: Internet​

Vài nét về đạo đức báo chí hiện nay

Trước hết, xin được điểm qua về tình hình đạo đức báo chí (ĐĐBC), một chủ đề đã trở thành điểm nóng không chỉ trên nhiều diễn đàn mà còn ở ngay cuộc họp giao ban sáng thứ 3 hàng tuần giữa cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí và lãnh đạo các tờ báo. Có thể khái quát vấn đề này ở trên 2 khía cạnh sau. Thứ nhất, là nội dung đề cập và thứ hai là quy chuẩn tác nghiệp.

Về khía cạnh thứ nhất, rất dễ dàng nhận thấy một số báo điện tử chủ yếu chọn 2 chủ đề nổi bật là tính dục và đời tư người nổi tiếng. Nhan nhản khắp các báo là những tít bài nói về các bộ phận cơ thể đi cùng những từ ngữ cố gây hấp dẫn độc giả như “tụt, lột, cởi”... Không dừng lại ở đó, nhiều báo còn gần như công khai hướng dẫn cách thức sinh hoạt tình dục nam nữ hoặc những đề tài gợi sự tò mò. Thí dụ như bài “Những điểm hấp dẫn nhất trên cơ thể nàng, chàng nhất định phải biết”, Phụ nữ News ngày 22/3/2016, và cũng báo này vào ngày 21/3/2016 với bài “miệng xinh khiến chàng ‘đê mê’ trên giường”.

Không chỉ Phụ nữ News, một tờ báo điện tử được coi là nghiêm túc cũng có những bài câu view rất sốc như “Kiệt sức vì đáp ứng nhu cầu của bạn gái”, đăng ngày 7/1/2016.

Với đời tư của những người được công chúng (chủ yếu là giới trẻ) quan tâm thì sẽ được khai thác triệt để ở những nét dung tục nhất. bất kể một hoạt động nào, dù ngoài đời hay trên Facebook của chính chủ cũng được rất nhiều người làm báo nhặt nhạnh, xào xáo và cố gắng tung ra dưới 1 cái tít gây sốc. Từ chuyện đời tư của ca sỹ hồ ngọc hà, hay việc ca sỹ Thanh Lam đi du lịch sau đó đưa ảnh lên Facebook cá nhân đều được một số nhà báo “thường trú” mạng xã hội copy sau đó thêm lời bình bán.

Ở khía cạnh thứ hai là về quy chuẩn tác nghiệp. gần như tất cả các bài viết kiểu như trên đều được thực hiện mà bỏ qua các yêu cầu cơ bản của nghề báo. Đó là những yêu cầu sơ đẳng nhất như không tôn trọng quyền riêng tư (nói chính xác hơn là danh dự) nhân vật, không liên hệ kiểm tra lại thông tin, không xin phép sử dụng hình ảnh và thông tin cá nhân, không cân nhắc hậu quả xã hội khi đăng tải... cuối cùng, nguyên tắc xử lý khiếu nại cũng bị nhiều cơ quan báo chí làm ngơ, khi đối tượng của một bài báo nào đó lên tiếng thì tờ báo đó chỉ lặng lẽ gỡ xuống (thay vì phải đính chính).

Đâu là nguyên nhân?

Đa số các sản phẩm báo chí kiểu dung tục và nhảm nhí chủ yếu xuất hiện trên báo điện tử và các trang thông tin điện tử. Đây cũng là một tất yếu của xu thế thương mại và công nghệ hiện nay khi các doanh nghiệp (kể cả google) cũng trả giá quảng cáo dựa trên lượng page view.

Tờ báo nào có lượng truy cập cao thì sẽ thu được nhiều quảng cáo. Do đó, các báo cạnh tranh nhau lượng bạn đọc (vốn có giới hạn) thông qua vô số các kiểu tin bài câu khách cũng như tự bỏ tiền quảng cáo bài trên các trang chuyên link sang các báo khác.

Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của hiện tượng. câu chuyện ở đây là thực trạng này có xuất hiện một cách có ý thức hay lan tràn tự phát? nếu chỉ đổ lỗi hết do sức ép tiền bạc để tồn tại thì cũng không sai, và đây là điều ai cũng biết. nhưng nói như vậy đã toàn diện chưa thì chưa ai có đánh giá, và để từ đó có thể đưa ra câu trả lời đầy đủ và có sức thuyết phục.

Theo người viết, ở đây có hai lý do chính. Thứ nhất, là ban lãnh đạo tòa báo làm ngơ trước việc nội dung báo bị dung tục hóa với suy nghĩ lợi ích kinh tế sẽ có thêm thu nhập thông qua doanh số.

Thứ hai, là sau khi thấy một số tờ báo dạng làm ăn như vậy sống được nên đã ngầm khuyến khích làm theo chỉ vì mục tiêu trước mắt là tồn tại. Đương nhiên phải là ngầm khuyến khích vì tôn chỉ, mục đích của tờ báo không định hướng thông tin kiểu đó.

Nhưng bất luận là lý do nào chiếm phần nổi trội thì về cơ bản các cơ quan này đều chọn con đường dễ dãi để tồn tại! Có điều, dung tục hóa nội dung tờ báo chỉ là một ngã rẽ tạm thời mang tính hoàn cảnh chứ chắc chắn không phải là lối thoát duy nhất.

Hiện tại, trên rất nhiều tờ báo điện tử lượng bài nghiêm túc, đứng đắn nhưng biết cách xử lý nội dung thuần thục đã dần lấy lại lượng truy cập. Đây có lẽ cũng không phải là tương lai xa xôi gì, khi hiện nay nội dung dung tục đã bị bão hòa.

Đi tìm giải pháp

Nói về một bài báo dung tục thường thì dư luận sẽ đổ lỗi cho người tác nghiệp trực tiếp là phóng viên. nhưng trên thực tế, nếu không có sự đồng thuận của ban lãnh đạo và các cấp kiểm duyệt thì cá nhân phóng viên đó cũng không thể làm thế được. Vì thế, điều đầu tiên và có thể nói là quan trọng nhất là bộ tiêu chí chuẩn mực về nội dung cũng như quy trình tác nghiệp của từng cơ quan phải được ban hành.

Công việc này thực ra không khó, nhưng không rõ vì lý do gì hiện nay rất ít cơ quan báo chí ở Việt nam thực hiện. Đa số giờ đây đều làm báo theo phong cách của từng tòa soạn. người đứng đầu định hướng thế nào thì bộ máy giúp việc cùng phóng viên sẽ triển khai theo hướng đó. Lâu dần thì trở thành thói quen tác nghiệp và nếp nghĩ của tập thể bộ máy.

Cách làm này thực tế chứa đựng nhiều rủi ro. Đầu tiên là phụ thuộc gần như tất cả vào ý chí chủ quan của người đứng đầu. Thứ nữa là không có một công cụ để ràng buộc khi đụng đến những vấn đề ĐĐbc. mà nếu như vậy thì rất khó có được một kết quả công bằng, sòng phẳng trong tranh luận về nghiệp vụ. Và đây dường như là điểm khởi đầu của việc biến dạng dần dần các quy chuẩn khi tác nghiệp. hậu quả thế nào có lẽ cũng không nhất thiết phải nói thêm nữa.

Do đó, theo thiển ý của chúng tôi công việc đầu tiên là cần xây dựng một bộ khung tiêu chí về quy chuẩn đạo đức báo chí ở mỗi tòa soạn. Độ phủ của bộ khung này cần thể hiện trong mọi khâu, từ tiếp nhận phản ánh của bạn đọc, định hướng và triển khai đề tài, phối hợp tác nghiệp cho đến khâu biên tập, đăng tải, đánh giá tác động dư luận, xử lý và khắc phục hậu quả (nếu có)... có như vậy, mới có thể hy vọng loại bỏ triệt để mọi yếu tố phi đạo đức.

Tuy không phải cây đũa thần, nhưng thao tác này hoàn toàn có đủ điều kiện làm nền tảng cho sự ra đời của những tác phẩm báo chí “sạch sẽ”, giành được sự tôn trọng của bạn đọc mà vẫn đảm bảo tính cạnh tranh. Đó là còn chưa nói đến việc khi triển khai kiểm duyệt sẽ hạn chế những mặt tiêu cực khác trong hoạt động nghiệp vụ của tờ báo.

Không có gì là dễ dàng, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay nền kinh tế nói chung đang khó khăn, doanh nghiệp chi cho truyền thông và quảng cáo sụt giảm. Kinh tế báo chí do đó cũng khó khăn hơn. Xuất phát từ thực tiễn này nên nhiều báo phải đảo chiều để vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, nếu chỉ vì thế mà bất chấp các quy phạm đạo đức để kiếm tiền thì vừa bất nhẫn, và có lẽ cũng không còn đất để sống lâu dài. Điều này cũng là hiển nhiên thôi, vì dù là ai đi chăng nữa cũng không thể suốt ngày đọc những tin kiểu như “Thủy Tiên tụt váy, Thủy Top hở đùi”.

Về lâu dài, nhu cầu thông tin của con người luôn hướng đến những giá trị nhân văn. Do đó, hoạt động báo chí cũng phải có những quy chuẩn mang tính bắt buộc để phục vụ nhu cầu này. Còn việc áp dụng quy chuẩn lúc nào, áp dụng thế nào... thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và không cơ quan nào giống nhau cả. Sẽ không có một nền báo chí được xã hội tin tưởng nếu bỏ qua đạo đức báo chí. Và nếu muốn bảo đảm yếu tố này, các tòa soạn hãy bắt tay thực hiện ngay bằng việc tự mình đặt ra khuôn phép cho chính mình thông qua bộ quy chuẩn về hoạt động nghiệp vụ nội bộ./.

ThS. Nguyễn Nga Huyền
Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng 7/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top