Tọa đàm "Nhà báo và mạng xã hội"

Ngày 13/7/2018, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh tổ chức tọa đàm “Nhà báo và mạng xã hội”.

Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Nam Nguyễn

Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND  tỉnh Quảng Ninh; Trần Thanh Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ); Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH &TTĐT; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo Hội Nhà báo địa phương, cơ quan báo chí TƯ và địa phương; cùng đông đảo các nhà báo, phóng viên báo chí.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, Hiện nay, mạng xã hội đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí.

Nhiều cơ quan báo chí (đặc biệt báo điện tử) đã sử dụng mạng xã hội và trang fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Đồng thời, các phóng viên - nhà báo sử dụng mạng xã hội (facebook, twitter. Instargram…) để chia sẻ thông tin lẫn nhau và là nguồn cung cấp tin, bài cho độc giả và cũng là nguồn cung cấp chủ đề mới thu hút bạn đọc.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, đặc biệt những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị, định hướng người đọc. Trên thực tế thời gian qua, trên mạng xã hội đã tồn tại vô vàn những thông tin không được kiểm soát, được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng trong đó có các nhà báo.

Những thông tin như vậy đã gây hệ lụy không nhỏ với sự ổn định trong xã hội. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là, chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác như thế nào, cụ thể là gì trong điều kiện hiện nay.

Đề dẫn tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc nêu rõ: Nội dung của Điều 5 trong Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam yêu cầu:Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

Sau hơn một năm rưỡi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, chúng ta đã thu được những kết quả có tính chất quyết định, đó là: hội viên, nhà báo đều được quán triệt và nắm chắc Luật Báo chí cũng như các Quy định đạo đức nghề nghiệp. Hầu hết các cấp Hội đều đã thành lập được Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nên những vi phạm của hội viên, nhà báo giảm nhiều…

Bên cạnh những kết quả tích cực, khả quan, cũng còn những tồn tại, hạn chế; có những lĩnh vực, vấn đề mới xuất hiện như vấn đề mạng xã hội và hội viên, nhà báo khi tham gia mạng xã hội; khai thác, sử dụng mạng xã hội trong hoạt động báo chí chuyên nghiệp…cần phải bổ sung các chế tài, quy định cụ thể để vừa dễ thực hiện, vừa dễ xử lý trong thực tiễn…

Trong hơn một năm qua, cùng với những thuận lợi của hoạt động báo chí, cũng có những thử thách mới đó là tốc độ phát triển cực nhanh của mạng xã hội cũng như các loại hình truyền thông không chính thức khác. Nhà báo, hội viên không chỉ là người khai thác tư liệu viết báo mà còn trực tiếp tham gia vào việc phát hành tác phẩm báo chí thông qua các loại hình báo chí được phép và cả những loại hình báo chí đang phát triển trên không gian mạng.

Nhận thấy đây là một trong những vấn đề cần phải quan tâm, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam thấy cần thiết phải có những quy ước cụ thể đối với hoạt động tác nghiệp của hội viên, phóng viên để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động báo chí. 

Đồng thời, Phó Chủ tịch HNBVN Mai Đức Lộc nhấn mạnh: Yêu cầu chung là ban hành một quy định cho nhà báo, hội viên khi tham gia mạng xã hội, một mặt khuyến khích hội viên sử dụng thành tựu công nghệ mới, đồng phát huy trách nhiệm nhà báo, các cơ quan báo chí và các cấp Hội trong tác nghiệp và sử dụng mạng xã hội. Và 2 nội dung này thống nhất trong một mục đích chung.

Đồng chí cho biết, sau khi triển khai lấy ý kiến đóng góp với những điều rất cụ thể, tập trung vào 2 khía cạnh: Một mặt, động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để nhà báo, hội viên tích cực tham gia mạng xã hội, khai thác thông tin, phát hiện sự kiện để góp phần vừa nâng cao trình độ nghiệp vụ, vừa bảo đảm tuyên truyền có định hướng của người làm báo chính thống; Mặt khác nhà báo, hội viên cũng cần phải tránh những điều không làm trong các luật, quy định, đặc biệt Luật Báo chí những điều cần tránh để không vi phạm.

Ông Trần Thanh Lâm, Vụ phó Vụ Báo chí xuất bản Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, các nhà báo khi tham gia mạng xã hội phải định hướng được thông tin. Mỗi bài viết của nhà báo sẽ có tác động định hướng thông tin đối với dư luận vì vậy, nếu không định hướng đúng sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, nhiễu thông tin. Ông cũng cho rằng, việc ban hành hướng dẫn cụ thể hóa Điều 5 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam là đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải nghiên kỹ để khi ban hành và áp dụng vào thực tế sẽ phát huy được tác dụng.

Các đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm

Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí (Đài truyền hình Việt Nam) nêu ý kiến, Các nhà báo cần thu thập thông tin trên mạng xã hội bởi đây là nơi tương tác và quảng bá các bài báo của mình tới công chúng. Mạng xã hội cũng là nơi mở rộng dự luận và góp ý vào thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước... Nhà báo tham gia Mạng xã hội phải ý thức rõ, dùng Mạng xã hội để tạo hiệu ứng, lan truyền những vấn đề tích cực. Ví dụ như: Sự việc người nông dân được giải cứu củ cải; giải cứu dưa hấu. Các nhà báo, phóng viên đã dùng mạng xã hội để giúp bà con trong vấn đề này.

Những phát biểu, tham luận, ý kiến của đại biểu trong buổi tọa đàm đã góp phần gợi mở nhiều nội dung để các nhà báo tự xác định được trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội; đồng thời đóng góp nhiều nội dung nhằm cụ thể hóa những tiêu chí của nhà báo khi tham gia mạng xã hội, cũng như các phương tiện truyền thông khác. Buổi tọa đàm cũng đã giúp các nhà báo có thêm cơ sở để nhận thức đúng đắn, góp phần định hướng dư luận xã hội, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam.

Nam Nguyễn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top