Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về tình hình dịch bệnh trên thế giới
22:22 20/10/2022
- Báo chí & Công chúng
Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu công bố đợt bùng phát dịch COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1/2020. Sau tuyên bố này, công tác nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế cộng đồng trên thế giới được tăng cường để kiềm chế dịch bệnh. Những tháng gần đây, dù số ca mắc mới tiếp tục giảm ở nhiều nơi trên thế giới, WHO vẫn cho rằng, nhiều quốc gia cần duy trì cảnh giác và thúc đẩy tiêm phòng đầy đủ cho những nhóm dân số nguy cơ cao nhất. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không nên đánh giá thấp tình hình dịch bệnh trên trái đất, mặc dù số ca tử vong trong đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh.
Bên ngoài tòa nhà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ_Ảnh: Reuters.
Trong thông báo mới, Ủy ban khẩn cấp của WHO cho rằng dù hiện nay, người dân tại nhiều khu vực dường như tin rằng dịch COVID-19 đã chấm dứt nhưng đây vẫn là một sự cố y tế cộng đồng có thể tiếp tục gây tác động bất lợi và mạnh mẽ tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Kể cả khi số ca tử vong hằng tuần vì COVID-19 đã xuống mức thấp nhất tình từ khi đại dịch bùng phát, COVID-19 vẫn là căn bệnh gây tử vong nhiều hơn so với những bệnh khác do virus gây ra.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý đại dịch COVID-19 từng khiến cả thế giới bị động và đến nay, nguy cơ này vẫn tồn tại. WHO đánh giá dịch COVID-19 vẫn gây tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau gần 3 năm. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đại dịch vẫn đang tiếp diễn, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan và khó có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi liên tục biến đổi từ biến thể này sang biến thể khác. Chỉ cần thế giới có thể quản lý tốt việc kiềm chế dịch bệnh ở mức thấp nhất và hạn chế số ca tử vong, con người có thể sống chung với virus gây bệnh này. Ấn Độ mới đây phát hiện 2 biến thể phụ mới của Omicron là BF.7 và BQ.1, đồng thời đưa ra cảnh báo làn sóng dịch mới vào mùa Đông sắp tới.
Tại Singapore, ngày 18/10 ghi nhận 11.934 ca mắc mới, tăng hơn 2 lần so với ngày trước đó và nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên hơn 2.029.195 ca. Trong khi đại dịch COVID-19 còn chưa hoàn toàn chấm dứt, dịch tả lại có dấu hiệu gia tăng trên thế giới. Ngày 19/10, WHO thông báo tạm dừng phác đồ tiêm phòng tả đủ 2 mũi và thay bằng phác đồ tiêm 1 mũi do thiếu vaccine trong bối cảnh số lượng các ổ dịch bùng phát mới không ngừng tăng trên toàn thế giới. WHO nêu rõ quyết định trên đã phản ánh tình trạng cấp bách do thiếu vaccine phòng dịch tả trong khi những nước như Haiti, Syria, Malawi đang chật vật tìm cách khống chế các ổ dịch lớn. Bệnh tả là bệnh có thể gây tử vong, lây lan do tiếp xúc với nước và thức ăn nhiễm khuẩn. Tính đến ngày 9/10, Haiti đã ghi nhận 32 ca bệnh và 18 ca tử vong vì tả trong khi còn nhiều ca chưa được xác nhận. Tại Syria, một đợt bùng phát đã khiến ít nhất 33 người tử vong.
Trong bối cảnh số ổ dịch bùng phát mới tăng nhanh chưa từng thấy trên toàn thế giới, WHO tin rằng việc điều chỉnh số lượng mũi tiêm sẽ tạo điều kiện để phân bổ vaccine đến được nhiều quốc gia hơn. Phác đồ tiêm phòng 1 mũi đơn đã được chứng minh là hiệu quả trong ứng phó với các đợt bùng phát dịch tả dù thời gian bảo vệ ít hơn và hiệu quả bảo vệ thấp hơn ở trẻ em.
Theo WHO, số ca bệnh tả liên tục tăng trong năm nay, đặc biệt là ở những vùng nghèo khó và xung đột. Đến nay đã có 29 quốc gia trên thế giới báo cáo xuất hiện các ổ dịch, tỷ lệ tử vong cũng tăng mạnh.
Theo TTXVN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)