Tiếng nói của doanh nghiệp và sự lắng nghe của Thủ tướng

16:22 10/10/2016 - Kinh tế
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay ông không bao giờ quên được hình ảnh chủ một DN đã bật khóc ngay tại hội thảo về Thông tư 37 của Bộ Công Thương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Ảnh: VGP

Thông tư 37 về kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may là một điển hình cho thấy những khó khăn, vướng mắc về chính sách mà doanh nghiệp (DN) đang gặp phải. Về mặt đối tượng tác động, dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Còn về mặt thủ tục, Thông tư này được cho là đang “hành” DN với việc kiểm tra hầu như không loại trừ trường hợp nào, thời gian làm thủ tục mất từ 7-10 ngày, chi phí kiểm tra một mẫu là 2,5 triệu đồng. Ước tính 7 năm qua, DN phải trả hàng trăm tỉ đồng chi phí cho việc kiểm tra formaldehyt, thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài.

“Vấn đề đã kéo dài nhiều năm, tôi đã từng thấy một DN phát khóc tại một hội thảo và nói rằng đây sẽ là lần cuối cùng họ kiến nghị, vì đã kiến nghị quá nhiều”, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết trong một lần chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ cách đây vài tháng.

“Hành” DN như vậy, nhưng hiệu quả đến đâu? Đến nay, chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyt cao quá mức quy định. Còn theo thống kê của Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại sân bay này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt, nhưng chỉ có 6 trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng theo quy định. Kết quả quá nhỏ bé so với chi phí mà xã hội và DN phải gánh chịu.

Trước những tiếng nói phản đối từ nhiều phía, kể cả từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan, các hiệp hội DN, cuối cùng thì mới đây, Bộ Công Thương cho biết đang xem xét bãi bỏ Thông tư này. Vậy nhưng Thông tư 37 chỉ là một trong rất nhiều những quy định đang hành DN, cản trở sự phát triển. Và Chính phủ, Thủ tướng đã nhận thức rất rõ ràng về tình trạng đó.

“Chúng tôi sẽ lập một website, qua đó, trực tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sẽ cùng các chuyên gia thu nhận, lắng nghe, điều chỉnh kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực cho DN, các nhà đầu tư”. Đây là cam kết được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc lại tại các sự kiện khác nhau.

Thực hiện yêu cầu này, Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của DN do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo, đã chính thức được đưa vào vận hành tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn từ ngày 1/10/2016.

Thực tế, kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ nhiệm kỳ mới đã quyết liệt hành động với nhiều chính sách cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển DN, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu. Mặt khác, người dân và DN cũng đã có rất nhiều cách thức khác nhau để gửi kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như qua báo chí, gửi thư điện tử qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, gửi văn bản trực tiếp và qua các cơ quan chức năng, nêu kiến nghị tại các hội nghị khác nhau…

Nhưng trên thực tế, có muôn hình vạn trạng những lực cản khiến người dân, DN nản chí trong quá trình khởi nghiệp, làm giàu. Qua báo chí, thỉnh thoảng chúng ta lại được nghe về những vụ việc như ông chủ quán Xin Chào bị khởi tố vì không có giấy phép kinh doanh, người mua bán điện thoại “cùi bắp” bị cũng bị dọa khởi tố… Cùng với đó, là những tiếng kêu về chính sách còn nhiều bất cập, khó khăn, gây trở ngại cho DN như câu chuyện về Thông tư 37 trên đây. Nếu có một kênh kết nối thuận tiện, trực tiếp để bất kỳ DN nào cũng có thể thông báo, kiến nghị tới Chính phủ, rất nhiều vụ việc đáng tiếc có lẽ đã không xảy ra.

Hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị chính là công cụ để thực hiện mục tiêu nói trên.

Thông báo trước đông đảo báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết sẽ thành lập tổ công tác để đôn đốc kiểm tra và trả lời trực tiếp cho DN với danh nghĩa Chính phủ trả lời cho DN. “Đây là website của Chính phủ với DN, ai cũng có quyền truy cập, xem tất cả nội dung”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. Tất cả mọi kiến nghị và nội dung trả lời kiến nghị sẽ đều được công khai, bất kỳ ai cũng có thể theo dõi xem kiến nghị nào đã được trả lời, chưa được trả lời, bộ ngành, cơ quan nào, địa phương nào còn “nợ” câu trả lời với DN.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cộng đồng DN hết sức mong đợi và kỳ vọng lớn vào việc Văn phòng Chính phủ mở website tiếp nhận và trả lời kiến nghị của DN. Tuy nhiên, việc thiết lập hệ thống này không chỉ nhằm mục tiêu giải quyết từng vụ việc mà DN gặp phải. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng yêu cầu việc vận hành hệ thống phải có sự tham gia của các chuyên gia.

Bởi ngoài những vụ việc mà các cơ quan giải quyết không đúng theo quy định của pháp luật, thì DN còn bức xúc vì chính những quy định, chính sách bất cập, vô lý. Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh các bộ ngành, địa phương ngoài việc giải quyết vụ việc thì phải tập trung dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng thể chế, chính sách. Từ tiếng nói của DN và góp ý của các chuyên gia, hoàn thiện thể chế, chính sách chính là mục tiêu cao nhất mà Chính phủ, Thủ tướng hướng tới khi yêu cầu thiết lập và vận hành hệ thống này. 

Nguồn: chinhphu.vn

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top