Tiếng gọi miền Trung
22:34 07/11/2016
- Vấn đề sự kiện
Hình ảnh người dân đưa bàn tay chới với cầu cứu khi nước ngập lên nóc nhà, những giọt nước mắt khi tài sản trong nhà bị lũ cuốn phăng, đau đớn nhất là khi người ta nhắm mắt xuôi tay không có chốn gửi mình. Đó là những gì mà người dân miền Trung vừa gánh chịu, hãy chung tay vì đồng bào miền Trung ruột thịt...
Người dân xếp hàng nhận lương thực cứu trợ. Ảnh: PV
Quyết định liều lĩnh
Khúc ruột miền Trung của đất nước lại tiếp tục gánh lũ, đời họ nghèo khi sống với gió Lào, nắng bụi, nay lại càng bần cùng, khốn khổ hơn khi bốn phía chìm trong biển nước mênh mông.
Nhận được tin có đoàn từ thiện vào vùng rốn lũ, tại xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tôi không giấu nổi niềm khao khát được đặt chấn đến đó để tận mắt chứng kiến cơn lũ kinh hoàng, để trần thuật lại tất cả những gì mình nhìn thấy cho công chúng. Đơn giản chỉ là để thấu hiểu nỗi đau mà bà con miền Trung đang chịu đựng.
Tuy nhiên, mọi chuyện tưởng như dừng lại và không thể thực hiện được nữa. Đoàn từ thiện này không phải do một tổ chức hay cơ quan nào đứng ra quản lý, bảo lãnh. Đây là đoàn từ thiện tự phát, do chính các bạn sinh viên đang học tập và làm việc trên địa bàn Hà Nội phát động; họ nhờ quan hệ của bản thân huy động các mạnh thường quân và doanh nghiệp ủng hộ.
Thêm nữa, để hạn chế thấp nhất chi phí, họ đến vùng rốn lũ bằng phương tiện xe máy, vận chuyển hàng cứu trợ bằng một chiếc xe tải. Tất cả những người tham gia trong chuyến đi này đều không hề quen nhau, họ là những người lạ. Vậy, lấy lý do gì để tôi tin và đồng hành cùng họ.
Tôi không biết họ là ai? Họ sẽ bỏ rơi tôi giữa đường khi xe tôi hỏng, họ sẽ bỏ mặc tôi khi tôi kiệt sức trên đoạn đường gần 400km? … Bao nhiêu câu hỏi trăn trở trong đầu tôi suốt những ngày dài.
Khi miền Trung vẫy gọi... chúng tôi lên đường. Ảnh: PV
“Mình sẽ đi”…
Đổ đầy bình xăng, mũ bảo hiểm, áo phản quang… cứ thế chúng tôi xách balo lên đường. Mười bốn xe máy sẵn sàng đi theo tiếng gọi từ miền Trung ruột thịt. Nhiều người nói rằng, chúng tôi đồng hành cùng nhau trong sự hiếu kì. Cũng đúng đấy chứ, nhưng chưa đủ! Chúng tôi đồng hành cùng nhau trong sự hiếu kì đặc biệt.
Chúng tôi hiếu kì không biết bà con sẽ mừng rỡ như thế nào khi nhận được nước sạch, lương khô và thuốc?
Chúng tôi hiếu kì không biết đám trẻ con sẽ thích thú ra sao khi nhận được những tấm áo lành lặn, xinh xắn được là gấp phẳng phiu từ anh em miền Bắc?
Chúng tôi hiếu kì không biết người dân có thở phào nhẹ nhõm khi có được phèn chua xử lý nước để sinh hoạt hàng ngày?
Sự hiếu kì ấy khó mà diễn tả hoặc nói ra thành lời. Bởi đó là thứ ngôn ngữ của khối óc và con tim, nó mãnh liệt, rạo rực y như tuổi trẻ của chúng tôi vậy. Những cô cậu tuổi 20, 21 chưa từng biết đến những trận lụt kinh hoàng, cũng chưa từng trải qua cái nắng gió khắc nghiệt nơi mảnh đất miền Trung. Song để đồng hành cùng nhau trong hành trình ấy, chúng tôi còn có cả trái tim nhiệt thành, biết yêu thương, biết sẻ chia và cũng biết cho đi mà không cần nhận lại.
Thế mới thấy được, giới trẻ hiện nay không hề thờ ơ trước số phận của đất nước, của nhân dân; càng không dửng dưng, lãnh đạm trước nỗi khổ của đồng bào. Họ nhận thức được trách nhiệm của chính mình trong đó, tự giác góp một phần nhỏ sức lực, chung tay đùm bọc đồng bào miền Trung.
“Các con cứu trợ miền Trung, thì miền Trung cứu trợ lại các con thôi”...
Khi mọi người đang yên giấc thì chặng đường của chúng tôi bắt đầu. Đi trong cái buốt lạnh của sương đêm. Vượt qua những cung đường lớn, bóng tối bắt đầu bao phủ ngợp lấy đoàn xe đang lao vun vút. Chỉ còn gió rít bên tai, mưa lòa xòa khóe mắt, cả đoàn bám nhau theo bóng sáng phả ra từ phía áo phản quang. Tôi và người bạn đồng hành cùng nghĩ ngợi rồi cười: “Đúng là mình còn trẻ, cứ đến nơi không có đường và để lại dấu chân”…
Trong cơn đói, mẩu bánh mì chia nhau cũng cảm thấy ấm lòng. Ảnh: PV
Tuy nhiên, để vào được vùng khó khăn nhất chúng tôi phải tiếp tục vượt hơn 50km đường trơn, lầy và khó đi với những khúc cua bất ngờ. Nếu không lái quen tay rất dễ bị văng ra khỏi đường. Vượt qua gần 400 cây số, nào xe bị thủng săm, chảy dầu đến nổ lốp; không chống lại được cơn thèm ngủ, cả đoàn tấp vào lề, coi mặt đường là chiếc đệm êm ái đánh một giấc… Nếu không có sự liên kết, đồng sức, đồng lòng giữa các thành viên, có lẽ đoàn cũng không thể đến nơi trong mờ sáng thứ 7, ngày 22/10.
Điều lạ lẫm ở đây là sau khi nước rút, nắng gắt, bụi đường cuốn lấy người phả ra mùi đầm đậm, ngai ngái đặc sệt. Nhận được thông báo từ phía xã có đoàn sinh viên từ Hà Nội tới, bà con ở xã Lộc Yên phấn khởi vẫy tay chào đón chúng tôi trong sự vui mừng khôn xiết.
Từng thùng lương khô, mì tôm, nước được tự tay chúng tôi phân chia và phát tới từng nhà. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của bà con khi nhận được tình cảm của anh em miền Bắc, mọi mệt mỏi trong chúng tôi cứ tan biến đi đâu hết, chỉ còn niềm sung sướng với trái tim đập mạnh từng hồi.
Bà Phan Thị Tự không giấu nổi niềm xúc động khi cả nước hướng về miền Trung. Ảnh: PV
Tôi kịp ghi lại nụ cười ấy, đôi môi rạng ngời trên khuôn mặt lam lũ, tiều tụy bởi nắng gió, nhưng ai bảo vì thế mà người miền Trung sống khô khan, lãnh cảm? Họ có một cuộc sống thảnh thơi mà bao người sống ở thành thị mong ước. Một lối sống giản đơn song cũng rất mực chân thành. Họ lạc quan và trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười khiến tôi hiểu thêm cái tảo tần tháo vát của những người dân vô danh, bình dị, vốn bao đời sống trên cát trắng với cái nắng cháy thịt cháy da. Sự tháo vát và bản năng ham sống mãnh liệt sẽ giúp người ta vượt lên và thích nghi với cả những hoàn cảnh khắc nghiệt ngoài ý muốn.
“Các con cứu trợ miền Trung, thì miền Trung cứu trợ lại các con thôi”... hay “Dì chuẩn bị cơm rồi đây, chỉ có rau rừng, cải muối, có cái bụng thật thà này nữa. Đi đường xa, lại còn đi xe gắn máy các con ráng ăn cho khỏe còn lấy sức kịp về nghe chưa?”… Dì vừa nói vừa gằn giọng, hai hàng lông mày nhăn lại, cố tỏ ra tức giận khi biết cả đoạn đường dài lũ chúng tôi chẳng kịp ăn gì mà đến đây ngay. Thứ tình cảm ấy, lạ thật, nó giống như người mẹ xót lũ con khờ khi chúng bị thương vậy.
Đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài đều hướng về miền Trung, thiết tha chia sẻ và ủng hộ miền Trung bằng cả vật chất lẫn tinh thần. Sự ủng hộ ấy dù lớn hay nhỏ, đều đầy ý nghĩa và ấm áp tình người. Giữa mưa lũ miền Trung, cái sâu sa của triết lí dân gian “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…” và hai chữ “đồng bào” trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Thiêng liêng hai chữ "đồng bào". Ảnh: PV
Trên đường trở về Hà Nội, anh bạn đồng hành hỏi tôi sẽ viết điều gì trong chuyến đi này. Và tôi – một cộng tác viên cũng đang hỏi chính mình sẽ viết về đề tài gì để nộp cho Tổng biên tập, người vốn khó tính trong việc chọn lọc và đưa tin.
Với một cô sinh viên năm 3 chuyên ngành báo chí để viết về thứ cảm xúc dễ dãi, mơ hồ thật đơn giản. Tuy nhiên, bằng trực giác và lương tâm của chính mình tôi hiểu được trong mỗi bài viết cần mang đến cho bạn đọc những thứ chân thực nhất.
Bài ca về tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào cả nước với người dân miền Trung còn sâu sắc và cảm động hơn nhiều so với bản tình ca mà đôi tình nhân nước Mỹ đã viết trong phim “Titanic”. Tuy rằng quyết định liều lĩnh, mạo hiểm vào miền Trung lần này tôi không thu lại được nhiều tư liệu vì nước đã rút, bà con gần như đã thu dọn xong “chiến trường” do lũ gây ra. Nhưng tôi biết rằng, trong chuyến đi này để bình an quay trở về Hà Nội tôi không hề đơn độc.
Hà Anh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)
- Phiên chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” (06:00 12/11/2024)
- Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (09:10 11/11/2024)