Tiến tới xây dựng Luật Ngôn ngữ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Trong khuôn khổ hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, chiều 5/11, các tiểu ban tập trung thảo luận một số vấn đề: những vấn đề chung về sử dụng tiếng Việt trên phương tiện truyền thông hiện nay; vấn đề tiếng Việt trên sóng phát thanh và truyền hình; vấn đề tiếng Việt trên báo viết (báo giấy và báo điện tử).

Gần 250 báo cáo khoa học, 100 bài viết, ý kiến của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn, nhà báo, công chúng báo chí trên cả nước gửi tới Hội thảo được chia thành 3 tiểu ban thảo luận 3 vấn đề chính: Những vấn đề chung về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Vấn đề tiếng Việt trên sóng phát thanh và truyền hình; Vấn đề tiếng Việt trên báo giấy và báo điện tử.

Tiểu ban thảo luận Những vấn đề chung về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ảnh: Sơn Hải

Tiểu ban Những vấn đề chung do PGS, TS Trịnh Sâm, TS Trần Thị Tri và PGS, TS Nguyễn Thành Lợi điều hành. Các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Chủ nghĩa duy lý và ngôn ngữ, vai trò của Truyện Kiều trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt các đại biểu tập trung vào vấn đề chuẩn hoá về ngôn ngữ. 

Tiểu ban thảo luận những vấn đề tiếng Việt trên sóng phát thanh và truyền hình. Ảnh: Sơn Hải

Tiểu ban Vấn đề tiếng Việt trên sóng phát thanh và truyền hình do GS,TS Đinh Văn Đức; nhà báo Uông Ngọc Dậu, TS Trần Bá Dung, PGS, TS Hoàng Trọng Canh; PGS, TS Nguyễn Hồng Cổn điều hành. Các đại biểu tập trung chủ yếu vào những vấn đề về phương ngữ, giọng đọc trên đài phát thanh và truyền hình; vấn đề phiên âm tiếng nước ngoài trên sóng phát thanh và truyền hình; việc chọn giọng đọc địa phương của phát thanh viên cho các đài phát thanh và truyền hình. 

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng, đa dạng hoá phát âm tiếng Việt đáng được ủng hộ, tuy nhiên không có nghĩa là tất cả tiếng địa phương đều được lên sóng. Thời gian qua, trên truyền hình và phát thanh đã thí điểm bước đầu sử dụng tiếng địa phương, song vấn đề này cần phải có định hướng và cần được chuẩn hoá, phải có bước đi thích hợp, có lộ trình để công chúng có thể dễ dàng tiếp nhận thông tin. 

Tiểu ban thảo luận vấn đề tiếng Việt trên báo giấy và báo điện tử. Ảnh: Sơn Hải

Tiểu ban Vấn đề tiếng Việt trên báo điện tử và báo giấy do GS, TS Bùi Minh Toán; PGS, TS Hà Quang Năng; nhà báo Phạm Mạnh Hùng điều hành. Với 7 báo cáo và 9 ý kiến thảo luận tập trung vào những vấn đề sử dụng ngôn ngữ trên báo chí hiện nay; tình thái đánh giá trong các bài viết trên các phương tiện truyền thông đại chúng; vấn đề ngôn ngữ trong các bài viết về hiện tượng đồng tính hiện nay; cần quy chuẩn và thống nhất trong phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt,...

Các đại biểu đều thống nhất vấn đề cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc phát ngôn, dùng từ, ngữ pháp và cả những câu nói cần phải được chuẩn hoá, đúng mực để tác động tốt tới tâm lý người nghe, tránh những "hạt sạn" không cần thiết.

Đặc biệt, để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản thân các nhà báo, các phát thanh viên phải nâng cao trình độ nghiệp vụ. Hơn nữa, phải coi vấn đề đào tạo và tự đào tạo là quan trọng và cần thiết với mỗi cơ quan báo chí.

Đề cập đến vai trò của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và bản sắc tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nêu giải pháp: “Ở cấp độ quốc gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về ngôn ngữ và báo chí với các cơ quan báo chí hàng đầu, có sức ảnh hưởng lớn về tiếng Việt trong công chúng”.

Hội Nhà báo Việt Nam các cấp phải coi việc bồi dưỡng nghiệp vụ nhận thức và kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho hội viên – phóng viên, biên tập viên, là một chỉ tiêu bắt buộc và thường xuyên hằng năm.

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu. Ảnh: Sơn Hải

Hàng loạt giải pháp đã được nêu ra, bao gồm: Phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đối với việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoàn thiện luật pháp, chính sách về ngôn ngữ, và tiếng Việt, tiến tới xây dựng Luật ngôn ngữ, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác này, đồng thời, chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh các hành vi sai trái, lệch lạc.

Đối với các cơ quan báo chí, cần có cơ chế và chính sách cụ thể, đủ mạnh đối với phóng viên, biên tập viên trong việc dùng tiếng Việt trên báo chí, nhằm khuyến khích người có sáng tạo và nhắc nhở, xử phạt đối với người coi nhẹ, người vi phạm hoặc người làm hỏng tiếng Việt, gây hậu quả xấu.

Khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, Ban tổ chức mong muốn thông qua hội thảo, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không chỉ là nguyện vọng, khuyến nghị, mà cần phải đi vào cuộc sống, tiến tới được luật hóa, để nếu ai sử dụng tiếng Việt không đúng thì nhắc nhở, điều chỉnh; ai cố tình vi phạm thì phải có chế tài xử lý./.

Thuỳ Dung

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top