Thực tại tăng cường làm sống dậy báo in

Báo in đã từng có một thời kỳ hoàng kim, độc tôn thống lĩnh thị trường thông tin. Nhưng đến nay, báo in đang phải gồng mình để tồn tại trong sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình báo chí mới nhiều ưu điểm và lợi thế hơn hẳn. Liệu rằng loại hình báo chí truyền thống có thể tồn tại và phát triển được trong tương lai?

Thực tại tăng cường làm sống dậy báo in? Ảnh minh họa

Là loại hình báo chí ra đời sớm nhất, báo in đã từng có một thời kỳ hoàng kim, độc tôn thống lĩnh thị trường thông tin. Nhưng đến nay, trước sự phát triển vượt bậc của các công nghệ làm báo hiện đại, báo in đang phải gồng mình để tồn tại trong sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình báo chí mới nhiều ưu điểm và lợi thế hơn hẳn.

Nhiều ý kiến cho rằng, báo in vẫn có những ưu điểm riêng của nó, như: nhiều bài viết chuyên sâu, độ tin cậy cao và dễ dàng tiếp cận hơn (với phát thanh truyền hình, công chúng hoàn toàn bị động bởi khung thời lượng phát sóng, còn với báo điện tử lại đòi hỏi phải có thiết bị máy tính và mạng Internet cũng như có nguy cơ bị mất an toàn thông tin).

Tuy nhiên, chỉ cần vài thao tác trên hệ thống, bài viết dành cho báo in sẽ ngay lập tức được đăng tải lên mạng Internet và đến với công chúng ở diện rộng. Đó cũng là lý do vì sao, ngày nay nhiều toà soạn đã phải xây dựng thêm phiên bản điện tử cho tờ báo của mình, và báo in với đúng nghĩa của nó là giấy và mực in thì ngày càng bị lãng quên.

Chúng ta cần nhìn nhận điểm yếu lớn nhất của báo in so với các loại hình báo chí khác, đó chính là phương thức truyền tin. Trong khi phát thanh, truyền hình và báo điện tử hấp dẫn công chúng bởi âm thanh, hình ảnh sinh động và khả năng tương tác với người dùng, thì báo in bị coi là khá nhàm chán với chỉ chữ viết và hình ảnh tĩnh. Để khắc phục nhược điểm này, gần đây nhiều cơ quan báo in trên thế giới đã ứng dụng một công nghệ mới - công nghệ thực tại tăng cường (AR - Augmented Reality).

Tính năng ưu việt của công nghệ AR

Thuật ngữ “Augmented Reality” xuất hiện vào năm 1992 khi nhà nghiên cứu thuộc hãng Boeing Thomas Preston Caudell sử dụng cụm từ này để mô tả một hệ thống hỗ trợ cho các nhân viên trong việc lắp ráp và cài đặt cáp điện vào máy bay. Trong những năm sau đó, công nghệ AR được phát triển chủ yếu ở các Lab nghiên cứu và các trường đại học trên thế giới. Khoảng 10 năm trở lại đây, AR mới bắt đầu được xúc tiến ra thị trường, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như marketing, giải trí, thiết kế, bảo tàng, y, dược và xuất bản.

Thực tại tăng cường có thể hiểu là công nghệ giúp tăng cường (hoặc bổ sung) các dữ liệu do máy tính tạo ra như âm thanh, hình ảnh, hoạt hình... trên không gian thực, nơi người dùng đang xem hoặc chứng kiến. Thực tại tăng cường khác với thực tại ảo (VR - Virtual Reality). Trong trường hợp của VR, người dùng hoàn toàn “đắm chìm” trong một môi trường ảo được giả lập trên máy tính, thì với AR, các phần tử ảo được tích hợp và đặt chồng lên môi trường vật lý thực. Các thông tin tăng cường trong hệ thống AR liên hệ chặt chẽ với môi trường thực và xuất hiện thông qua các phương tiện hiển thị thích hợp như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân đã được cài đặt phần mềm nhận dạng AR.

Chẳng hạn, khi đứng trước một bức tượng đặt tại bảo tàng, người xem chỉ cần giơ chiếc điện thoại lên, bật chức năng camera giống như đang chụp ảnh (tất nhiên đã được tích hợp phần mềm nhận dạng AR), khi đó trên màn hình camera sẽ hiển thị hình ảnh của bức tượng kèm theo các dữ liệu trên đó, như thông tin về lịch sử hay ý nghĩa của bức tượng, hay thậm chí có cả một đoạn video về nó. Một ví dụ rất mới và đáng chú ý về ứng dụng của AR là trò chơi Pokemon Go đang tạo nên cơn sốt trên thị trường game di động.

Với tính năng ưu việt đó, AR đã và đang được một số nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Philippines... đưa vào ứng dụng trong báo in.

Công nghệ thực tại tăng cường AR mang lại nhiều lợi ích cho báo in

Lợi ích mà AR mang lại cho báo in

Trước tiên có thể khẳng định rằng, công nghệ thực tại tăng cường đã mang đến một lối kể chuyện mới cho báo in với các nội dung đa phương tiện, điều mà trước đây không thể xảy ra. Việc ứng dụng công nghệ AR có thể giúp các nhà sản xuất báo in bổ sung đa dạng nội dung số vào trong ngữ cảnh của tin tức, bên cạnh nội dung truyền thống (văn bản và hình ảnh tĩnh).

Thông qua một chiếc điện thoại thông minh, máy tính hay một chiếc máy tính bảng, nội dung tin tức có thể được kích hoạt để hiển thị luồng video của một cuộc phỏng vấn, trailer của một bộ phim, một sự kiện hay bất kỳ một sự việc liên quan nào. Nhờ việc tích hợp như vậy, thông tin trở nên sống động hơn, hấp dẫn hơn, và rõ ràng là công chúng sẽ được tiếp nhận nhiều thông tin hơn so với lượng thông tin bị giới hạn trên mặt báo, một nhược điểm lớn từ trước đến nay của báo in so với báo điện tử.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến việc nhúng AR trên các trang quảng cáo của báo in. Hay nói đúng hơn, AR đang và hứa hẹn sẽ được ứng dụng nhiều nhất trên các tờ quảng cáo, tiếp thị. Khi các loại hình truyền thông mới ra đời, phần lớn các doanh nghiệp đã “rời bỏ” báo in bởi báo in không thể chạy các trailer quảng cáo hấp dẫn như trên truyền hình hay ở báo điện tử.

Thị trường báo in ứng dụng AR

Hiện nay, cách thông thường để đọc được nội dung có tích hợp công nghệ thực tạị tăng cường, người dùng phải tải ứng dụng nhận dạng AR về thiết bị cá nhân của họ như điện thoại di động hay máy tính bảng, sau đó họ phải dùng camera của các thiết bị này quét trên trang giấy đến khi nội dung được giải mã và hiển thị trên màn hình. Tuy nhiên, trong tương lai gần đó không phải là vấn đề khó khăn khi sử dụng các thiết bị kính đeo hiện đại như Google glasses.

Thêm vào đó, công chúng cũng sẽ không gặp khó khăn gì với việc tiếp cận phương thức đọc báo mới này bởi họ vốn đã quá quen thuộc với các thiết bị thông minh này. Vấn đề chỉ nằm ở phía nhà sản xuất, bởi để xây dựng các phần mềm AR cũng khá phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy công nghệ này đã và đang được nhiều tờ báo lớn trên thế giới quan tâm nghiên cứu và ứng dụng. Tờ The Metro phát hành tại vùng Greater Vancouver là tờ báo đầu tiên trên thế giới tích hợp AR vào trong nội dung của nó.

The Mertro là tờ báo in được phát miễn phí ở các điểm giao thông công cộng của Mỹ, và gần đây nhiều tờ Metro phát hành ở các nơi khác cũng đã ứng dụng AR như các tờ xuất bản ở Boston, New York City và Philadelphia. Các tờ báo lớn khác của Mỹ cũng đã nghiên cứu tích hợp AR như Los Angeles Times, New York Times.

Trong khi đó, tờ Tokyo Shimbun của Nhật Bản đang sử dụng AR để nhằm hướng tới các độc giả nhỏ tuổi. Những bài báo vốn chỉ dễ hiểu đối với người lớn, thông qua việc tích hợp phần mềm AR sẽ được bố cục lại giúp trẻ em có thể đọc và hiểu được. Các ký hiệu hoạt hình, màu sắc, đề mục và bảng chữ cái đơn giản làm cho tờ báo trở nên hấp dẫn lứa độc giả nhỏ tuổi này hơn. Đến nay, ngày càng có nhiều tờ báo sử dụng công nghệ này, có thể kể đến như: The Straits Times của Singapore, National Post của Canada,... Trong bối cảnh thị trường AR sôi động như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào sự sống dậy của báo in trong tương lai./.

Bùi Vân Anh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top