Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quyết không để tái diễn bài học Formosa

"Chính phủ sẽ đi đầu trong tiết kiệm công quỹ, có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ nhậm chức. 

Chiều 26/7, Ban kiểm phiếu công bố kết quả, có 485 trong tổng số 489 đại biểu tham gia bỏ phiếu đồng ý (chiếm tỷ lệ 98,18%) bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021. 

Sau đó, Lễ tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã diễn ra trang trọng tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội.

Một tay đặt lên quyển Hiến pháp màu đỏ, tay còn lại giơ cao, lòng bàn tay hướng về phía đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực công tác tốt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ. Ảnh: Huy Thắng.

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận lời tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đất nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133, do vậy phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. Phát triển tốc độ cao hơn còn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ “chưa giàu đã già”, khi giai đoạn dân số vàng sẽ chấm dứt trong khoảng 10 năm tới.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp. Chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài... “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề cập đến việc bảo đảm các nguồn lực tiềm năng được sử dụng có hiệu quả. Thị trường vốn, đất đai, tài nguyên cần phải được phát triển lành mạnh, không để cho các nhóm lợi ích thao túng. 

Dẫn câu nói của Nguyễn Trãi: “nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu”, Thủ tướng cho rằng tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai.

Trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ đề cập đến sự kiện Formosa và khẳng định đây là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. “Chúng ta quyết không để tái diễn. Phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ”, Thủ tướng nói.

Bài phát biểu của Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật… "Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

"Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông và kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình”, Thủ tướng nói trong phần cuối bài phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê xã Quế Phú (Quế Sơn, Quảng Nam), là ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 11, 13.Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó làm Chánh Văn phòng UBND tỉnh này.

Học xong quản lý hành chính nhà nước tại Học viện Hành chính quốc gia, ông Nguyễn Xuân Phúc về làm Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời gian này, ông tiếp tục học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.

Giai đoạn 1997-2009, ông Phúc làm Phó chủ tịch kiêm trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam rồi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hai nhiệm kỳ 1999-2004 và 2004-2009.

Từ tháng 3/2006 đến 8/2007, ông Nguyễn Xuân Phúc từng là Phó tổng thanh tra Chính phủ, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; từ tháng 8/2007 đến năm 2011 là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Đại hội Đảng lần thứ 11, ông được Ban chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 năm 2011, ông được phê chuẩn làm Phó thủ tướng. Ngày 7/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá 13, ông được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng./.

Nguồn: VNExpress

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.