Thủ tướng: Chuyển đổi số phục vụ phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội
14:57 01/12/2021
- Vấn đề sự kiện
Chiều 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban) đã chủ trì Phiên họp thứ Nhất của Ủy ban.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự phiên họp tại đầu cầu Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; các thành viên Ủy ban; lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số/xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chuyển đổi số vừa là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước. Phiên họp đầu tiên, ra mắt Ủy ban là bước triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về chuyển đổi số, với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Tại Phiên họp này, Ủy ban thảo luận nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; đồng thời đưa ra những kế hoạch, phương pháp, nội dung để Ủy ban hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trước mắt là phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế vai trò, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2018 đến nay, phát triển số, chuyển đổi số, quốc gia số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là những từ khóa quan trọng, thường xuyên được nhắc tới trong các văn bản chiến lược, kế hoạch hành động ở cấp cao nhất của nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam là một trong những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược quốc gia. Nhờ vậy, kết quả chỉ số xếp hạng “Sự trỗi dậy số” của các quốc gia năm 2021 do Trung tâm cạnh tranh số châu Âu thực hiện, đánh giá trong 3 năm (2018-2020) của 137 quốc gia, Việt Nam được xếp hạng nhất về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương.
Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về kế hoạch chuyển đổi số những năm tới. Theo đó, Ủy ban đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 thực hiện khoảng 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Riêng trong năm 2022, triển khai 18 nhiệm vụ gồm: phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng thông rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phổ cập học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ cập hóa đơn điện tử; thúc đẩy thương mại điện tử; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức...
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm đến những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số như hạ tầng cho chuyển đổi số; nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; nhận thức của người dân về chuyển đổi số; an ninh, an toàn mạng thông tin...
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát biểu kết luận Phiên họp Thủ tướng nhận định, chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, nội dung về chuyển đổi số đã được đưa vào các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ ở cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Xếp hạng về Chính phủ điện tử còn thấp; môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử, Chính phủ số còn chưa hoàn thiện; nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số chưa đủ sâu; chưa biến nhận thức thành quyết tâm chính trị, hành động cụ thể; việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành còn chậm tiến độ; công tác đào tạo, phát triển nhân lực nhiều nơi chưa được chú trọng…
Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thử nghiệm ứng dụng giải pháp, công nghệ mới một cách sáng tạo, phù hợp.
Về Chính phủ số, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, xã hội; đẩy mạnh triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; thúc đẩy chia sẻ, kết nối giữa các hệ thống; đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nội khối hành chính các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành.
Các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số quốc gia cho giai đoạn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số nhanh, bền vững, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. Nhanh chóng chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu; đầu tư, quan tâm, thúc đẩy triển khai chương trình phát triển công dân số; tích cực hợp tác giữa các địa phương tránh tình trạng cục bộ, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.
Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy chuyển đổi số toàn quốc trong giai đoạn mới. Thủ tướng nhất trí về mặt chủ trương với 18 nhóm nhiệm vụ và một số chính sách thúc đẩy chuyển đổi số mà Phiên họp đã nêu.
Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022. Theo đó, kế hoạch phải có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, hoạt động thực chất, hiệu quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường vai trò của Tổ công tác giúp việc Ủy ban; đồng thời bảo đảm nguyên tắc Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ trực tiếp giao các bộ, ngành triển khai ngay các công việc cụ thể như: Xây dựng trình Chính phủ ban hành các nghị định liên quan chuyển đổi số; về định danh và xác thực điện tử về bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, gắn với phát triển kinh tế số, phổ cập chữ ký số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy phát triển kinh tế số; thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chính phủ số; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; thúc đẩy ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân...
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban; ưu tiên, bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 theo Kế hoạch được Ủy ban Quốc gia phê duyệt. Các địa phương có chính sách thúc đẩy hình thành mạng lưới hỗ trợ triển khai chuyển đổi số đến cấp cơ sở, huy động sự tham gia của xã hội, gồm các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tình nguyện viên...
Theo TTXVN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)
- Phiên chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” (06:00 12/11/2024)
- Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (09:10 11/11/2024)