Thông tin giả - nỗi lo thực từ “xã hội ảo”
14:38 27/03/2017
- Thế giới

Mạng xã hội ngày nay có lượng thông tin giả lớn đến mức có thể tạo ra thực tế thật. Ảnh minh họa
Sức mạnh thông tin “giả” tạo ra thực tế thật!
Sau khi thắng cử vào Nhà Trắng, hồi đầu tháng 11/2016 trả lời trên kênh CBS, ông Donald Trump đầy tự hào phát biểu rằng, mạng xã hội chính là yếu tố quan trọng giúp ông chiến thắng bà Hillary Clinton và trở thành Tổng thống Mỹ. Đây cũng từng là một “cú sốc”, kết quả đầy bất ngờ với đa số giới chuyên gia trên thế giới, khi trước đó các cuộc thăm do dư luận Mỹ đều cho thấy kết quả ngược lại.
Chính sự chiến thắng bất ngờ này của ông Trump đã đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh sức mạnh của mạng xã hội và những “thông tin giả” tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhiều nhà phê bình đã lên tiếng chỉ trích một số trang mạng xã hội, mà góp công lớn nhất là Facebook về việc để thông tin sai, giả mạo tràn lan ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử. Và những nhận định này không xuất phát từ cảm tính mà dựa vào những con số thống kê cụ thể.
Phân tích về cuộc bầu cử Mỹ 3 tháng cuối, BuzzFeed kết luận rằng, các trang tin giả tạo ra nhiều tương tác trên Facebook hơn cả từ 19 hãng tin lớn của nước này gộp lại. Trong số 20 bản tin giả chia sẻ nhiều trên Facebook, phần lớn là các nội dung giả mạo nhằm ủng hộ ông Trump. Và 20 tin, bài giả mạo này có lượng tương tác cao nhất đạt tới hơn 8 triệu lượt chia sẻ, tương tác và bình luận.
Một cuộc tranh cãi xoay quanh câu hỏi “Liệu Facebook có phải là “tội đồ” trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ” đã xảy ra ngay sau khi có kết quả bầu cử. Theo tờ Gizmodo, Facebook khó mà “vô can” trong việc để các thông tin giả như “Đặc vụ FBI điều tra vụ thư điện tử của bà Clinton chết trong vụ án mạng” hoặc “Giáo hoàng Francis gây sốc khi ủng hộ Donald Trump” đạt gần nửa triệu lượt chia sẻ, với nguồn là các trang web không tên tuổi.
Đặc biệt, câu chuyện càng được đẩy lên cao trào khi một cựu nhân viên Facebook tiết lộ rằng “xu hướng tin tức trên mạng xã hội này được điều hành bởi một nhóm biên tập viên thay vì là kết quả của thuật toán như mọi người thường được nghe”.
Khó có thể “đánh đồng” mạng xã hội với thông tin “giả” .
Đứng trước những cáo buộc về việc để lan tràn thông tin sai sự thật, thông tin giả trên mạng xã hội một cách “cố ý”, Facebook đã có những phản hồi để phản bác lại. Cùng với đó, một nhân viên đứng đầu bộ phận News Feed của Facebook cũng thừa nhận “Chúng tôi không thể đọc và kiểm tra mọi thứ. Việc chúng tôi đã làm là cho phép người dùng đánh dấu vào những thông tin không chính xác. Chúng tôi chủ yếu dựa vào cộng đồng để cảnh báo nội dung” - Mosseri nói.
Phông nền thông tin giả được tạo ra bởi các Rô-bốt phần mềm. Cụ thể, nhóm chuyên viên của tờ The Atlantic đã phát hiện cách thức hoạt động của các rô bốt Phần mềm (bot) này trong việc ủng hộ cả hai ứng viên: Một bot ủng hộ Trump @amrightnow có hơn 33.000 người theo dõi đã tạo ra 1.200 câu viết trên mạng chỉ trong cuộc tranh luận cuối. Bot cạnh tranh với nó, @loserDonaldTrump sản xuất hơn 2.000 dòng tweet mỗi ngày.
Tháng 9 tới đây sẽ là những ngày trọng đại của nước Đức khi nước này đón chào sự kiện Bầu cử thủ tướng. Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực để tranh cử, mới đây tại một hội nghị truyền thông ở Munich, Thủ tướng Đức và những nhà bình luận đã bày tỏ lo lắng rằng “các mạng xã hội có nguy cơ trở thành những đối thủ chính trị giấu mặt khi người tạo ra chúng vừa có thể sử dụng ảnh hưởng của chúng để kiếm tiền lại vừa có thể thay đổi đường hướng của cả một cuộc bầu cử mà không ai hay biết”. Và các trang thông tin giả mạo thường được thiết kế giống với các trang thông tin, truyền thông có tiếng để dễ dàng gây nên xáo động trong giới cử tri, làm đảo lộn cục diện vấn đề.
Thông tin giả luôn là mối đe dọa cho an ninh, chính trị của các nước. Ảnh minh họa
Cuộc chiến chống thông tin giả!
Nhiều tờ báo đưa tin cho biết, thời gian gần đây, các nhà lập pháp tại Đức đã gặp phải nhiều rắc rối liên quan tới tin tức giả mạo được phát tán trên mạng Internet - điều mà theo một vài quan chức Chính phủ Đức xác nhận là “chưa từng xảy ra trước đây”, bao gồm những nội dung như chỉ trích bà Angela Merkel hay có liên quan tới cuộc bầu cử Thủ tướng Đức.
Ngoài ra, Facebook cũng cảnh báo người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng trước khi chia sẻ một thông tin được cho là giả. Phát ngôn viên của Facebook cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung tại Đức trong thời gian này, nhưng chắc chắn sẽ triển khai mô hình chống tin tức giả mạo tại nhiều quốc gia khác trên thế giới”.
Ngày 9/1/2017, tờ Guardian (Anh) cũng từng tiết lộ Chính phủ Đức đã bắt tay vào điều tra một thông tin giả mạo được phát tán trên mạng Internet - cho rằng Nga đang tìm cách can thiệp vào kết quả bầu cử Thủ tướng diễn ra tại Đức vào cuối năm nay.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga bị cáo buộc là dùng thông tin giả mạo phát tán trên mạng Internet để tìm cách can thiệp vào bầu cử của nước khác, mà bắt đầu từ mùa hè năm 2016 ứng viên đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton cũng đã cáo buộc Moscow dính líu tới vụ tấn công mạng làm ảnh hưởng tới cuộc đua vào Nhà Trắng của bà. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ điều này.
Trong lúc không đưa ra được chứng cứ, Đảng Dân chủ vẫn lên tiếng cáo buộc Điện Kremlin tấn công vào mạng máy tính của họ rồi sau đó công bố thông tin nhạy cảm thông qua website Wikileaks.
Sau kỳ bầu cử Mỹ, Đức vẫn tiếp tục cáo buộc Nga dính líu tới hàng loạt các vụ tấn công mạng nhằm vào họ, trong đó có vụ tấn công tập đoàn Deutsche Telecom và Quốc hội nước này.
Rõ ràng, cuộc chiến chống thông tin giả trên mạng xã hội đang gặp phải rất nhiều vấn đề nhạy cảm. Bởi thông tin giả có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ lợi ích kinh tế của những kẻ muốn vụ lợi, kiếm lời qua những “tin đồn” gắn mác người nổi tiếng, nhưng nó cũng có thể xuất phát từ những động cơ chính trị thù địch giữa các bên. Vì vậy, cho tới thời điểm này dù đã có những cố gắng ngăn chặn từ phía các chính phủ cũng như bản thân các trang mạng xã hội - địa điểm phát tán những thông tin giả, thì kết quả vẫn chưa thật khả quan và rõ ràng. Thông tin giả sẽ tiếp tục là mối đe doạ lớn cho an ninh, chính trị của các nước trong thời gian tới cùng với sự phát triển, nở rộ của các trang mạng xã hội./.
Vũ Hà Giang
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Cách các tờ báo Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) (03:54 10/05/2023)
- Nhà báo Việt Văn được vinh danh tại cuộc thi ảnh quốc tế (10:40 24/03/2023)
- Cựu Thư ký Báo chí của ông Biden dấn thân vào lĩnh vực mới (05:37 27/02/2023)
- Đưa tin về xả súng, phóng viên Mỹ bị bắn chết tại hiện trường (09:48 23/02/2023)
- Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực triển khai gìn giữ hòa bình (03:14 23/02/2023)