Tháo dỡ lồng bè nuôi cá ở Cát Hải, Hải Phòng: Quan tâm việc làm, đời sống ngư dân
08:58 02/09/2021
- Kinh tế
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS), với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu sinh sống, làm việc trên các cơ sở NTTS.
Lồng bè nuôi cá phá vỡ cảnh quan và môi trường đảo Cát Bà. Ảnh: Vũ Trang
Tháo dỡ là cần thiết
Theo lộ trình tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng, giai đoạn 1 từ nay đến cuối năm 2021 sẽ phải tháo dỡ xong 159 cơ sở. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế vẫn đang gặp khó khăn do người dân còn nhiều băn khoăn về chính sách hỗ trợ.
Ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải thừa nhận, hoạt động NTTS trong những năm qua đã có nhiều đóng góp trong việc cung cấp nguồn thực phẩm thủy sản có chất lượng phục vụ du lịch, góp phần giải quyết việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, việc NTTS hiện nay với mật độ cao, một phần thức ăn nuôi cá rơi xuống đáy biển tích tụ lại, phân hóa, làm biến đổi tầng đáy của vịnh, gây ô nhiễm môi trường, xung đột với định hướng phát triển du lịch của thành phố Hải Phòng.
Việc tháo dỡ các cơ sở NTTS trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, cấp bách nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, bất cập, xung đột giữa phát triển NTTS với công tác bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị của Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà- Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, đây cũng là bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường vịnh.
Trước xu thế liên kết vùng, hợp tác cùng phát triển, việc UBND TP.Hải Phòng phối hợp cùng tỉnh Quảng Ninh đệ trình UNESCO hồ sơ đề cử Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là một trong những dấu mốc quan trọng, hiệu quả.
Do đó, nhằm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, tiêu chí cần thiết để Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khảo sát thực địa, đánh giá hồ sơ ghi vào danh sách và đề nghị UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022, việc tháo dỡ các cơ sở NTTS nằm trong lộ trình cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Ngư dân lo lắng trước việc tháo dỡ lồng bè. Ảnh: Vũ Trang
Cần chính sách hỗ trợ thỏa đáng
Dư luận đồng tình với việc giải tỏa lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh là cần thiết. Tuy nhiên, việc bảo đảm đời sống cũng như công ăn việc làm cho người lao động cũng cần được đặt ra một cách nghiêm túc.
UBND huyện Cát Hải vừa tổ chức họp báo thông tin về chính sách hỗ trợ tháo dỡ đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS). Theo đó, căn cứ Nghị quyết 05/2021 ngày 12/8/2021 của HĐND TP Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải đã xây dựng kế hoạch, mức hỗ trợ, tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thủy sản. Theo đó, các cơ sở nuôi trồng thủy sản có trước ngày 18/12/2015 tổ chức tháo dỡ trước ngày 1/1/2023 sẽ được hỗ trợ với nhà chòi là 19.858.000 đồng/nhà chòi; với ô lồng cá là 4.863.000/ô lồng; và 89.000 đồng/m2 giàn nuôi nhuyễn thể. Đối với sản phẩm là cá tháo dỡ trước ngày 1/1/2022 được hỗ trợ 25.000 đồng/m3 ô lồng. Nếu tháo dỡ từ 1/1/2021 đến 31/12/2022, mức hỗ trợ là 12.500 đồng/m3 ô lồng. Đối với sản phẩm nhuyễn thể được hỗ trợ 12.500 đồng/m3 giàn nuôi nếu tháo dỡ trước ngày 1/1/2022. Để ổn định đời sống, nhân dân sẽ được hỗ trợ 6.480.000 đồng/nhân khẩu. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến gần 68,5 tỷ đồng.
Ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải thông tin, tính từ ngày 13/8/2021 đến hiện tại (25/8/2021), chính quyền huyện đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ trực tiếp, tuyên truyền, vận động việc triển khai tới các chủ hộ nuôi trồng thủy sản trên Vịnh. Đến nay đã có 155 chủ cơ sở đồng ý cho thực hiện kiểm đếm; đã tiến hành kiểm đếm được 103 cơ sở, trong đó có 40 chủ hộ nhất trí cam kết tháo dỡ sau khi nhận được hỗ trợ theo quy định.
Gần đây, để hỗ trợ người dân, thuận lợi cho công tác tháo dỡ, trong khi lượng cá, nhuyễn thể còn tồn đọng khá nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 chậm tiêu thụ, UBND huyện Cát Hải đã có văn bản kêu gọi các đơn vị ban ngành, địa phương quan tâm, vận động tổ chức, cá nhân, người dân… tham gia "giải cứu hải sản". Hiện đã tiêu thụ được 5 tấn cá cho Công ty Điện lực Hải Phòng và một số doanh nghiệp thuộc Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng ký kết hỗ trợ 650 tấn.
Thành phố Hải Phòng, huyện Cát Hải thiết nghĩ cần tiếp tục lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, có thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ đời sống và tạo việc làm mới cho người lao động.
Vũ Đức Tâm
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- SHB đồng hành cùng ngành y tế, giáo dục chuyển đổi số toàn diện (10:48 15/01/2025)
- VIB: Hành trình “Trăm sông về biển lớn” nghệ thuật chạm đến trái tim khách hàng và công chúng (01:52 14/01/2025)
- SHB cấp tín dụng đến 85% giá trị xe cho doanh nghiệp mua ô tô (10:44 13/01/2025)
- OCB tiên phong ứng dụng giải pháp dữ liệu số Oracle Exadata Cloud at Customer tại Việt Nam (07:14 13/01/2025)
- Tăng trưởng ấn tượng, OPES lần đầu lọt tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2024 (06:12 10/01/2025)