Thanh Hóa: Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế du lịch
13:57 07/11/2024
- Tiếng nói từ cơ sở
Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, nhiều tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế du lịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại sự kiện Liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh năm 2024
Từ chính sách đến thực tiễn
Để cụ thể hóa mục tiêu về phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình cụ thể để đưa du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 82 ngày 30/5/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 - 2025. UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 169 ngày 29/9/2017 về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mở ra hướng phát triển đột phá cho ngành du lịch của địa phương.
Với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn bao gồm hơn 1535 di tích di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Ngoài văn hóa vật thể, Thanh Hóa cũng có hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia đây là những lợi thế để Thanh Hóa tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế du lịch.
Để phát huy tiềm năng thế mạnh, Thanh Hóa đã cụ thể hóa các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra bằng những việc làm cụ thể như: Quy hoạch; đầu tư cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hóa đến với du khách trong nước và quốc tế.
Quảng trường biển Sầm Sơn mang đến không gian rộng, hấp dẫn, du khách thỏa sức đi bộ vui chơi ngoài trời với sức chứa khoảng 10.000 người được đưa vào khai thác phục du khách
Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế du lịch
Với tiềm năng lợi thế như đã nêu trên, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn bám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp cấp, các ngành triển khai các nghị quyết, kế hoạch đã đề ra trong phát triển du lịch. Hằng năm, tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ cho các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch, du khách trong nước và quốc tế đến với Thanh Hóa không ngừng tăng lên, nguồn thu từ du lịch năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể, năm 2023, ngành du lịch Thanh Hóa đã có sự bứt tốc mạnh mẽ với số lượng khách du lịch đạt kỷ lục ước trên 12,4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt hơn 24.500 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch năm 2023. Tại các khu điểm du lịch biển như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Nghi Sơn đã đón lượng khách lớn, khu du lịch Pù Luông (Bá Thước) là điểm du lịch hấp dẫn với khách quốc tế.
Trong 9 tháng đầu năm, du lịch Thanh Hóa tiếp tục phát triển và đạt được những kết tích cực, tổng lượt khách ước đạt 14.454.000 lượt, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 104,7% kế hoạch năm 2024, trong đó khách quốc tế ước đạt 551.000 lượt, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 76,7% kế hoạch năm 2024; tổng thu du lịch ước đạt 31.935,5 tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 98,6% kế hoạch năm 2024, trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế ước đạt 285.420.000 USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 96,7% kế hoạch năm 2024.
Độc đáo lễ hội Mường Xia của đồng bào người Thái, huyện Quan Sơn thu hút hàng nghìn du khách tham gia
Trong đó, du lịch biển thu hút lượng khách du lịch lớn như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa,... Du lịch thăm quan các di tích, danh lam thắng cảnh cũng thu hút được lượng du khách lớn đến với Thanh Hóa, cụ thể như: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, thành nhà Hồ, Am Tiên, suối cá Cẩm Lương, khu du lịch Pù Luông và nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác.
Du lịch biển Sầm Sơn thu hút lượng du khách lớn nhất đến với Thanh Hóa trong 9 tháng đầu năm, tiếp nối thành công của mùa du lịch năm 2023, thành phố Sầm Sơn đã tổ chức thành nhiều sự kiện quan trọng, đây cũng là dịp để Sầm Sơn quảng bá sản phẩm, hình ảnh, văn hóa, con người Xứ Thanh đến với du khách trong nước và quốc tế, cụ thể như: Lễ hội cầu phúc, lễ hội bánh Chưng - bánh Giầy, lễ hội cầu Ngư- bơi Chải… Khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 và khánh thành quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn với chương trình nghệ thuật “Sầm Sơn rực rỡ sắc màu” và màn bắn pháo tầm thấp; đăng cai giải đua xe đạp cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - HTV; đăng cai tổ chức giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt, golf hè Sầm Sơn năm 2024 với sự ghi nhận và đánh giá cao của các bộ, ngành trung ương, của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ và tổ chức hiệu quả các sự kiện lớn về chính trị - văn hóa diễn ra trên địa bàn, bao gồm: Chương trình cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, tại khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954; tổ chức Ngày hội Xe đạp thể thao “Nối vòng tay lớn” khu vực miền Bắc.
Với chuỗi các hoạt động đó, 9 tháng năm 2024, thành phố Sầm Sơn ước đón được 8,58 triệu lượt khách, tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 100,9 % KH; số ngày khách đạt 16,8 triệu ngày, tăng 14,6% so với cùng kỳ, đạt 102,1 % KH; doanh thu du lịch đạt 16.482 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ, đạt 104,8% KH.
Khu du lịch Pù Luông được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến
Du lịch huyện Bá Thước tiếp tục gặt hái được những thành quả quan trọng, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng, đặc biệt là khu du lịch Pù Luông được nhiều du khách quốc tế biết đến, cụ thể: Trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đón được 259.500 lượt khách đến thăm quan du và nghỉ lại tại khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện. Trong đó: Khách nước ngoài 49.200 lượt, khách trong nước 209.800 lượt; ước doanh thu đạt trên 560 tỷ đồng.
Tích cực quảng bá, xúc tiến, thông tin du lịch
Để đạt được những kết quả như đã nêu trên, Thanh Hóa đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Nhằm thu hút, phục vụ du khách đến với Thanh Hóa, hằng năm tỉnh Thanh Hóa mở các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch; bồi dưỡng về du lịch cộng đồng dạy nấu ăn; tập huấn, bồi dưỡng cho hướng dẫn viên du lịch trekking tour.
Cùng với đó là công tác tuyên truyền, quảng bá văn hoá; xúc tiến du lịch tại các địa phương trong nước; trên nền tảng số; tại các cảng hàng không lớn trong nước; trên kênh truyền hình quốc tế CNN. Tham gia hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch Thanh Hóa tại thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc cùng với đó tạo ra các sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Với thành quả về phát triển kinh tế du lịch đã đạt được, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, đưa du dịch trở thành ngành kinh tế xanh trọng điểm, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân góp phần hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bảo Châu
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Tiếp tục đổi mới, đa dạng các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ báo chí (11:08 04/12/2024)
- Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao (08:44 04/12/2024)
- Đồng chí Lại Thế Nguyên được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa (09:15 02/12/2024)
- Ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Triệu Sơn nâng cao chất lượng dạy và học (11:22 02/12/2024)
- Nghệ An: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca ví, dặm (11:04 24/11/2024)