Thành công của hợp tác báo chí xuyên biên giới
23:04 27/06/2016
- Thế giới
Tạm gác sang bên những tác động rõ rệt về chính trị - xã hội của Hồ sơ Panama, vụ việc được ví như “quả bom tấn” của truyền thông toàn cầu này còn cho thấy điểm mới thú vị trong hợp tác báo chí xuyên quốc gia. Ý kiến lạc quan còn xem đây là tiền đề cho một cuộc “cách mạng” về chia sẻ thông tin, điều mà giới truyền thông vốn đề cao tính cạnh tranh không dễ dàng chấp thuận.
Sức công phá của “quả bom truyền thông”
Đây không phải lần đầu các vụ trốn thuế, rửa tiền bị phanh phui, nhưng có sức công phá vô cùng lớn của một “quả bom truyền thông toàn cầu”. Là bởi, Hồ sơ Panama sở hữu “dữ liệu đen” của số lượng lớn các nhà lãnh đạo, các nhà tài phiệt, các nhân vật và những công ty tiếng tăm lừng lẫy trên khắp thế giới, không phân biệt nước giàu hay nghèo, nước lớn hay nhỏ. Sau hai lần đồng loạt công bố, vào các ngày 3/4 và 10/5, hàng trăm nghìn cái tên, cả cá nhân và thực thể, đã được đề cập.
Suy thoái kinh tế kéo dài đang khiến hầu hết các nước gặp vô vàn khó khăn. Trong khi đó, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), các khoản “tiền đen” hiện được cất giấu ở khoảng 100 “thiên đường trốn thuế” trên khắp thế giới đã bằng gần một nửa giá trị GDP toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, những thông tin rò rỉ từ Hồ sơ Panama càng khiến dư luận thế giới sôi sục.
Hồ sơ Panama làm nên "cuộc cách mạng" trong hợp tác báo chí. (Ảnh minh hoạ)
Một loạt cuộc điều tra, hay ít nhất là cam kết điều tra, ngay lập tức được công bố tại nhiều quốc gia. Người dân tại hàng loạt nước xuống đường phản đối. Những hệ lụy tức thì đã có. Danh sách các nhà lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp từ chức nối dài, bắt đầu Thủ tướng Iceland David Gunnlaughsson, tới một vài bộ trưởng, giám đốc ngân hàng lớn ở châu Âu. Tổng thống Nga Vladimir Putin,Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel… công khai thu nhập, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hứa tìm cách thông qua luật chống trốn thuế trước khi rời Nhà trắng…
Thành công từ làm việc tập thể
Hồ sơ Panama không phải lần đầu tiết lộ thông tin động trời, nhưng lại có hiệu ứng mạnh mẽ hơn nhiều so những vụ việc gây chấn động dư luận trước đó. Thành công Hồ sơ Panama có được không chỉ nhờ kho dữ liệu khổng lồ, hay thông tin thuộc loại nhạy cảm hàng đầu, mà còn do cách làm việc mới của giới truyền thông.
Ngược với mức độ thông tin “khủng” trong Hồ sơ Panama được công bố, hiện chi tiết về những người đưa vụ việc này ra ánh sáng lại rất ít. Không có thông tin chính thức về danh tính nguồn tin, chỉ biết người đó lấy tên là John Doe – mật danh phổ biến ở phương Tây thường được dùng khi người cung cấp tin muốn giấu tên.
Với 11,5 triệu tài liệu, tổng dung lượng khoảng 2,6 terabyte, ghi lại hoạt động của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama trong suốt 40 năm qua, Hồ sơ Panama có khối lượng tài liệu lớn gấp nhiều lần tổng lượng dữ liệu trong các vụ rò rỉ thông tin mật gần đây.
Nhật báo Nam Đức (SZ) là cơ quan báo chí đầu tiên nhận được lời mời xử lý kho thông tin này. Tuy nhiên, do khối lượng thông tin quá lớn, SZ đã quyết định chia sẻ dữ liệu với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), tổ chức đặt trụ sở tại Washington (Mỹ) và có kinh nghiệp lập các nhóm quốc tế để điều tra vụ việc liên quan các ngân hàng nước ngoài, các vụ tham nhũng và trốn thuế. Với ICIJ, Hồ sơ Panama cũng là vụ việc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dưới sự điều hành của ICIJ, một mạng lưới gần 400 nhà báo thuộc 109 tòa soạn ở 80 quốc gia đã được lập ra, bí mật điều tra, xử lý hàng triệu tài liệu từ Hồ sơ Panama, trong khoảng thời gian gần một năm, từ tháng 6/2015 đến 4/2016.
Yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, đó là các nhà báo đề cao sự tin tưởng và bảo mật, vượt qua yếu tố cạnh tranh để chia sẻ thông tin. Việc tờ SZ chấp thuận chia sẻ thông tin độc quyền đã làm đảo lộn quy chuẩn truyền thống của giới truyền thông. Theo tờ Le Monde (Pháp), các nhà báo và tòa soạn tham gia vụ này cùng phối hợp điều tra và khai thác thông tin, vượt qua tâm lý truyền thống là cạnh tranh thông tin đề giữ bí mật tới trước giờ đồng loạt công bố, tạo cơn địa chấn truyền thông toàn cầu. Một số tờ báo lớn Mỹ đứng ngoài cuộc, một phần cũng vì không vượt qua được tâm lý cố hữu là cạnh tranh thông tin và khó làm việc tập thể.
“Tiền lệ” hợp tác báo chí xuyên quốc gia
SZ là một tờ báo lớn, nổi tiếng về việc lật tẩy các vụ trốn thuế, rửa tiền tầm cỡ, song lượng dữ liệu khổng lồ và tính toàn cầu của Hồ sơ Panama khiến tờ báo Đức này phải phối hợp với một tổ chức tập hợp được các nhà báo như ICIJ mới có thể phân tích, giải mã kho tài liệu. Các phóng viên SZ thừa nhận, chưa bao giờ có một vụ điều tra quy mô lớn, đạt kết quả tốt như vậy.
Điều này cho thấy, dù là báo lớn, có uy tín và mạng lưới phóng viên khắp nơi trên thế giới, cũng không đủ sức điều tra riêng rẽ, mà cần có sự hợp tác giữa các tòa soạn, bởi các nhà báo sở tại là người có thể tìm kiếm thông tin về nước đó một cách tốt nhất. Tổng Biên tập SZ Wolfgang Krach nhận định, trong thời đại ngày nay, không một tổ chức báo chí nào có đủ năng lực làm việc và điều tra xuyên biên giới, liên quan hàng nghìn con người và công ty. Sắp tới, thế giới sẽ chứng kiến sự hợp tác ngày càng tăng giữa các cơ quan truyền thông, nhất là trong lĩnh vực xử lý dữ liệu; và kết quả làm việc tập thể trong vụ Hồ sơ Panama đã tạo một tiền lệ, không chỉ cho thấy sức mạnh của truyền thông, mà còn khẳng định vai trò của hợp tác xuyên biên giới giữa các tòa soạn trong một thế giới toàn cầu hóa./.
CHU HỒNG THẮNG
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Cách các tờ báo Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) (03:54 10/05/2023)
- Nhà báo Việt Văn được vinh danh tại cuộc thi ảnh quốc tế (10:40 24/03/2023)
- Cựu Thư ký Báo chí của ông Biden dấn thân vào lĩnh vực mới (05:37 27/02/2023)
- Đưa tin về xả súng, phóng viên Mỹ bị bắn chết tại hiện trường (09:48 23/02/2023)
- Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực triển khai gìn giữ hòa bình (03:14 23/02/2023)