TH xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm sạch hiện đại nhất Việt Nam
22:17 19/02/2022
- Báo chí & Doanh nghiệp
Ngày 18/2, Tập đoàn TH đã tổ chức Lễ động thổ Nhà máy Chế biến thực phẩm sạch hiện đại nhất Việt Nam, nhà máy được xây dựng tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Đây được coi là dấu ấn quan trọng của Tập đoàn TH trên con đường thực hiện cách mạng dinh dưỡng người Việt của TH bằng nguồn thực phẩm tươi, sạch, hoàn toàn từ thiên nhiên.
Với quy mô đầu tư dự kiến 620 tỉ đồng, đây là nhà máy công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam sở hữu các dây chuyền hiện đại từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… để sản xuất tương ớt, tương cà từ nguyên liệu tươi, cháo tươi dinh dưỡng, cơm ăn liền.
Lễ động thổ Nhà máy chế biến thực phẩm sạch Thái Bình
Dây chuyền chế biến hiện đại nhất Việt Nam
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Tập đoàn TH cho hay nhà máy sản xuất sản phẩm ăn liền tươi sạch gắn với Đề án Dinh dưỡng người Việt mà TH tiên phong khởi xướng, mang lại nguồn thực phẩm chất lượng cao, dinh dưỡng lành mạnh cho gian bếp Việt với tầm nhìn trở thành "người nội trợ tử tế cho cộng đồng".
Tận dụng lợi thế nông nghiệp của Thái Bình, TH sẽ đồng hành cùng người nông dân phát triển các vùng trồng cây lương thực, thực phẩm công nghệ cao. Trong đó, giai đoạn I, Nhà máy dự kiến hoàn thành xây dựng, lắp đặt dây chuyền sản xuất cháo tươi dinh dưỡng ăn liền và các sản phẩm tương ớt, tương cà.
"Đây sẽ là dây chuyền hiện đại nhất Việt Nam ở thời điểm này sử dụng công nghệ tiệt trùng Retort cao áp dạng phun tự động tiên tiến nhất với khả năng tự động kiểm soát nhiệt độ, đảm bảo chế độ tiệt trùng đồng đều mà vẫn giúp lưu giữ tối đa độ tươi ngon, hương vị và các chất dinh dưỡng" - ông Hải cho hay.
Với dây chuyền sản xuất tương ớt, tương cà trực tiếp từ quả cà chua tươi, ớt tươi tự nhiên, sử dụng công nghệ trích ly hot-break, cho thu dịch quả đậm đặc từ quả tươi. Theo đó, quả được xử lý ở nhiệt độ cao, giúp dịch nguyên chất thu được giàu chất xơ hơn, đặc sệt hơn.
Chủ tịch Tập đoàn TH Ngô Minh Hải phát biểu tại lễ động thổ
Các sản phẩm sạch, hữu cơ tại dự án sản xuất rau củ quả sạch của Tập đoàn TH tại Thái Bình sẽ là nguồn nguyên liệu của Nhà máy. Bên cạnh đó là nguồn nguyên liệu đến từ liên kết với bà con nông dân trên địa bàn
Với giai đoạn II, nhà máy sẽ lắp đặt dây chuyền sản xuất cơm ăn liền hiện đại, đồng bộ lần đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng công nghệ nấu cơm chia khay vô trùng đến từ Nhật Bản.
Dây chuyền được thiết kế tự động, công nghệ nấu, ủ và làm nguội tiên tiến, giúp giữ được hương vị thơm ngon, mềm dẻo.
Về tiến độ xây dựng nhà máy, ông Hải cho hay đến tháng 5-2022 sẽ bắt đầu xây dựng và hoàn thành vào đầu năm 2023, góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Bình.
Phối hợp doanh nghiệp, người nông dân để sản xuất lớn
Đánh giá cao hiệu quả của dự án, ông Nguyễn Khắc Thận, chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2010 - 2020 của tỉnh là 3%/năm, nhưng phương thức sản xuất nông nghiệp vẫn mang đậm tính truyền thống, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Vì vậy, để phát huy lợi thế tiềm năng, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sinh thái, liên kết, việc xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm sạch của Tập đoàn TH là việc hiện thực hóa chủ trương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu
"Khi vào hoạt động, dự án này sẽ giúp xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ hữu cơ trong sản xuất rau, củ, quả và nông sản chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Dự án thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà đầu tư và chủ trương nhất quán và quyết tâm của địa phương về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững" - ông Thận nói.
Theo đó, để dự án triển khai có hiệu quả, ông Thận đề nghị các cấp thực hiện tốt cơ chế về đất đai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuê đất, phát triển nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong triển khai dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Tập đoàn TH triển khai dự án theo đúng nội dung đầu tư, tạo điều kiện thu hút người dân vùng dự án tham gia lao động hoặc làm đơn vị cung cấp nguyên liệu cho Nhà đầu tư, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.
"Tỉnh Thái Bình cam kết sẽ có cơ chế, chính sách "đủ mạnh" và "khả thi" để tăng cường tích tụ đất đai, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả" - ông Thận khẳng định.
PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Từ trách nhiệm cộng đồng đến giá trị bền vững (05:30 18/01/2025)
- EVNNPC dẫn đầu 5 tổng công ty về sản lượng điện thương phẩm (06:07 17/01/2025)
- T&T Group đồng loạt khánh thành và triển khai xây dựng các công trình trọng điểm tại Long An (10:41 16/01/2025)
- C.P. Việt Nam được vinh danh xuất sắc năm 2024 (01:05 13/01/2025)
- Dự án điện gió đầu tiên của T&T Group tại Lào sẽ xuất khẩu điện về Việt Nam (10:30 13/01/2025)