Tạo “luồng xanh” cho nông sản

16:15 31/07/2021 - Kinh tế
Theo báo cáo của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện nguồn cung lương thực, thực phẩm của 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội rất dồi dào, thậm chí nhiều loại cung đang vượt cầu, cần sớm được lưu thông, tiêu thụ kịp thời.

Người dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) thu hoạch nhãn. Ảnh: HỮU NGHĨA

Lượng nhiều, giá thấp

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An), chuyên cung cấp các loại rau, củ, quả với số lượng trung bình lên đến 20 tấn/ngày hiện đang chất đầy kho các loại nông sản chờ tiêu thụ.

Giám đốc HTX Nguyễn Quốc Cường cho biết: Ðầu ra của các sản phẩm rau quả không thiếu, vẫn được bảo đảm theo các mối hàng sẵn có trước đây của HTX. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là vấn đề vận chuyển, lưu thông đến điểm tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương… Mặc dù mấy ngày gần đây, việc lưu thông của các xe tải chở hàng cũng thuận lợi hơn những ngày đầu giãn cách xã hội, nhưng vì mỗi địa phương vẫn có những quy định khác nhau nên xe lưu thông chậm.

Ngoài ra, việc xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 cho lái xe cũng gây tốn kém và mất nhiều thời gian. Về việc cấp mã QR cho xe vận chuyển hàng hóa đi vào "luồng xanh" thì hiện HTX có 5 xe nhưng chỉ có một xe được cấp mã QR cho nên đã ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa. Do đó, điều đơn vị quan tâm nhất hiện nay chính là "luồng xanh" thông xe và các điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh được tiến hành nhanh chóng cho những người tham gia vận chuyển.

Tại HTX nông nghiệp Thới Trinh, khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), lượng nhãn tiêu thụ mỗi ngày khoảng 12 tấn. Giám đốc HTX Nguyễn Thành Nghi chia sẻ: Trong thời gian giãn cách, chính quyền địa phương đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho các xe vận tải vào thu mua nhãn trên cơ sở bảo đảm phòng, chống dịch như: hàng hóa được đưa ra điểm tập kết, lái xe và người bán không giao tiếp… Tuy nhiên, do dịch bệnh, vận chuyển khó khăn nên hiện giá nhãn xuống thấp, chỉ 7.000 đến 8.000 đồng/kg, so với thời điểm trước dịch giảm khoảng 10.000 đồng/kg.

Với mức giá này, nông dân chắc chắn thua lỗ do giá thành sản xuất năm nay khá cao, giá vật tư nông nghiệp cũng tăng ngay từ đầu vụ. Chúng tôi đang trông chờ đến lúc lưu thông hàng hóa thuận lợi trở lại, các đầu mối thu mua hoạt động mạnh để kéo giá nhãn lên, góp phần giảm bớt phần nào thiệt hại cho nông dân.

Ưu tiên lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam, hiện Tổ công tác 970 đã kết nối được hơn 500 đầu mối tham gia tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam. Nhờ đó, nhiều đơn vị đã tháo gỡ được khó khăn, có những HTX nông nghiệp kết nối được hợp đồng cung ứng nông sản trị giá hàng trăm triệu đồng chỉ trong một ngày. Tuy nhiên cũng có những nhóm hàng cung đang vượt cầu.

Phó Cục trưởng Trồng trọt Lê Thanh Tùng thông tin: "Nhóm trái cây có số lượng đăng ký tăng cao nhất là nhãn, lượng cung các đầu mối hơn 700 tấn/ngày nên đang có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do các doanh nghiệp thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn. Ngoài ra, sản phẩm chuối, chanh, thủy sản cũng có số lượng đăng ký tiêu thụ tăng nhanh".

Trước tình hình đó, Tổ công tác đã đề nghị chính quyền các địa phương cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các phương tiện vận chuyển nông sản, các loại vật tư nông nghiệp được lưu thông thuận tiện; bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, vật tư do khó khăn trong lưu thông; đồng thời tăng cường cập nhật thông tin cung - cầu để điều tiết kịp thời, hạn chế thấp nhất việc nơi thừa nơi thiếu.

Còn theo phản ánh của nhiều HTX về việc tăng giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phân bón; tại Ðồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang khó mua túi bao trái xoài, mít do các cơ sở ở TP Hồ Chí Minh đã ngừng sản xuất…, Tổ công tác đã chỉ đạo Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố rà soát chặt chẽ, xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, Tổ công tác cũng đề nghị Sở NN và PTNT 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản. Ðồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành chức năng liên hệ từng doanh nghiệp đang gặp khó khăn (danh sách đã gửi đến các tỉnh) trên địa bàn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vận chuyển nguyên vật liệu, bố trí nhân công lao động duy trì sản xuất, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp để bảo đảm mục tiêu vừa duy trì sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vừa bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch; ưu tiên xét nghiệm và tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, các đầu mối, thương lái thu gom thủy sản nhằm giảm đi lại, chi phí dịch vụ, duy trì sản xuất trước mắt và lâu dài, ổn định chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Tổ công tác 970 cũng sẽ phối hợp các địa phương tổ chức diễn đàn kết nối cung - cầu tiêu thụ rau củ quả, trái cây; diễn đàn trực tuyến kết nối cung - cầu tiêu thụ thịt, trứng gia cầm và thủy sản; công bố số điện thoại đường dây nóng 24/7 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, tiêu thụ nông sản.

Theo nhandan.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top