Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tăng cường bồi đắp, nâng cao đạo đức người làm báo Việt Nam

22:47 22/06/2016 - Văn hóa xã hội
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác hội, đặc biệt chú trọng việc trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã gửi các cấp Hội bản góp ý xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Xung quanh nội dung của bản quy định mới này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam.

TS Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

PV: Vì sao phải bổ sung, hoàn chỉnh bản Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, thưa ông?

Ông Mai Đức Lộc: Bản Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam gồm 9 điều, được Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng và ban hành vào năm 2005, tức cách đây hai nhiệm kỳ. Bản quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động sâu sắc đến đời sống báo chí cả nước, bởi đây là những quy định có tính nền tảng về đạo đức cho các cơ quan báo chí, đồng thời là kim chỉ nam hành động trong hoạt động của các nhà báo.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, tình hình đất nước có những biến đổi sâu sắc và toàn diện, Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 được ban hành, trong đó có nhiều quy định mới, đặc biệt lần đầu quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến quyền con người. Luật Báo chí (sửa đổi) cũng vừa được Quốc hội thông qua... Mặt khác, hoạt động báo chí cũng như tác nghiệp của nhà báo có những thay đổi và yêu cầu mới. Sự phát triển công nghệ, nhất là mạng xã hội, là thời cơ lớn, nhưng cũng là thử thách gay gắt cho hoạt động báo chí. Báo chí mang tư cách là công cụ chủ yếu trong công tác tư tưởng; là nhân tố trực tiếp hình thành dư luận và tâm trạng xã hội; là vũ khí sắc bén trong đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu ngày càng cụ thể và là nhân tố không thể thiếu trong quá trình đổi mới. Vì vậy, chưa lúc nào yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trở nên bức thiết như hiện nay. Theo đó, nội dung của bản quy định cũ cần được bổ sung, hoàn chỉnh để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội và chương trình hoạt động toàn khóa của Ban chấp hành Hội khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020), Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam giao Ban Kiểm tra phối hợp với các ban liên quan cùng các hội nhà báo địa phương tổ chức một đợt sinh hoạt lớn nhằm bổ sung, góp ý, thống nhất những quy định, điều khoản mới. Sau khi lấy ý kiến, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổng hợp và xây dựng bản quy định đạo đức mới trên cơ sở kế thừa các nội dung mà quy định trước đây còn phù hợp.

Các phóng viên tác nghiệp tại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hoà XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2015), tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Minh Trường)

PV: Theo ông, đạo đức của người làm báo cần tập trung vào những khía cạnh nào?

Ông Mai Đức Lộc: Nhà báo là công dân Việt Nam nên trước hết nhà báo cũng phải tuân thủ và thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, thể hiện trong lao động nghề nghiệp ít nhiều mang tính đặc thù. Hơn lúc nào hết, xã hội đòi hỏi người làm báo phải phản ánh nhanh, chính xác các sự kiện xảy ra, phân tích và bình luận những vấn đề đặt ra với trách nhiệm công dân. Trung thực thông tin với mục tiêu là cung cấp sự thật, đáp ứng sự thật, nhưng phản ánh sự thật ấy trong trách nhiệm vì sự phát triển chung, không để động cơ cá nhân xen vào nội dung tác phẩm báo chí. Chưa bao giờ yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời lại là đòi hỏi cấp bách như hiện nay, nhưng phản ánh sự thật cần được đặt trong yêu cầu vì cộng đồng, vì sự phát triển tích cực của đất nước. Theo tôi, bản quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo lần này kế thừa bản quy định cũ, và nhất là làm rõ mối quan hệ của những quy định được thể hiện trong các luật khác, kể cả Luật Báo chí với quy định mới, phân biệt những yêu cầu thực hiện theo Luật Báo chí mà người làm báo phải tuân thủ và yêu cầu quy chuẩn đạo đức nghề báo trong yêu cầu chung đạo đức công dân. Mặt khác, những vấn đề về tôn trọng sự riêng tư cá nhân, trung thực trong sử dụng bản quyền, nhất là trong môi trường mạng, về khái niệm cạnh tranh thông tin với việc tạo scandal, "câu view"... cần được làm rõ trong quy định mới.

PV:  Thời gian qua, có tình trạng một số nhà báo xa rời thực tiễn, ngồi một chỗ bình luận quy chụp, võ đoán. Với tư cách là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Mai Đức Lộc: Phải nói rằng đây là một thực tế đáng buồn. Tiếc rằng, hiện tượng này không những không giảm mà có xu hướng gia tăng. Nói một cách nghiêm túc, một số mặt tiêu cực của xã hội có một phần trách nhiệm của nhà báo. Một sự thật có nhiều cách tiếp cận nhưng bản chất sự thật chỉ có một. Người làm báo phải tiếp cận sự thật một cách khách quan và phản ánh chân thực. Bảo vệ đất nước, nhất là chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, đòi hỏi các nhà báo phải nghiên cứu cẩn thận và thể hiện không những sắc sảo, thuyết phục mà còn phải chính xác, nhất là các khái niệm chuyên môn. Người đọc, trong môi trường thông tin đa chiều và cực kỳ phong phú hiện nay, không cho phép tình trạng võ đoán, hời hợt hay suy diễn chủ quan.

Công tác hội cần tập trung hơn nữa trong việc xử lý kịp thời, phê phán các hiện tượng không lành mạnh của những nhà báo vi phạm thường xuyên các quy định của Luật Báo chí cũng như quy định đạo đức nghề báo. Ở đây, cũng cần nhấn mạnh là luật và xã hội cần có cơ chế cụ thể trong việc bảo vệ hoạt động của những nhà báo, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Như vậy, nhà báo sẽ dũng cảm đấu tranh, đương đầu với cái xấu bằng ngòi bút của mình. Đó cũng là cách làm cho báo chí tốt hơn.

PV: Ông có khuyến cáo gì để các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ bồi đắp tình yêu nghề và tư cách đạo đức nhà báo?

Ông Mai Đức Lộc: Phải nói rằng không có nghề nào thú vị bằng nghề báo, nhưng nghề báo cũng là một nghề hết sức khó khăn và nguy hiểm. Năng lực của một nhà báo được thể hiện bằng sản phẩm cụ thể và ngay lập tức được sự kiểm nghiệm của xã hội. Vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy phát triển được thừa nhận rộng rãi, song sự đào thải của báo chí cũng hết sức khắc nghiệt. Sự phát triển công nghệ, sự thay đổi tiện ích của công cụ truyền thông, mạng xã hội cho phép gần như mọi người nếu có một chiếc điện thoại thông minh đều có thể thành nhà báo. Thêm vào đó là sự cạnh tranh khốc liệt về thông tin và quảng cáo giữa các loại hình báo chí. Vì vậy, để trở thành một nhà báo giỏi, khẳng định được trong môi trường trên, đòi hỏi sự nỗ lực đặc biệt, nhất là đối với phóng viên trẻ. Các nhà báo cần trau dồi kỹ năng, kiến thức, ngoại ngữ; đồng thời cần giữ mình, giữ ngòi bút, bài viết của mình hướng tới bạn đọc, để được bạn đọc yêu quý, tôn trọng. Tất cả mọi nghề đều phải học, nhà báo trẻ cần xem việc học ngoại ngữ, đọc sách là điều kiện thiết yếu. Một nhà báo giỏi luôn có ý thức học và đọc sách. Trong chương trình hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi đang cùng Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí triển khai nhiều lớp bồi dưỡng cho phóng viên trẻ, hy vọng sẽ có kết quả tích cực. Sự nghiêm cẩn trong cách viết, sự uyên thâm trong suy nghĩ, tâm huyết trong nghề nghiệp, sự sắc sảo trong thể hiện của các nhà báo lão thành luôn là bài học sâu sắc cho các bạn trẻ và là tấm gương về đạo đức nghề nghiệp luôn tươi mới mà chúng ta trân quý, noi theo.

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, những cây bút trẻ sẽ tiếp cận những vấn đề cơ bản của môi trường báo chí hiện đại. Nhưng đồng thời với việc hoàn thiện bản quy định của đạo đức nghề báo, những người làm báo trẻ cũng rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức trong yêu cầu chung đó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: QĐND

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.