Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên

Ngày 15/3 tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, Trung tâm Thông tin kinh tế (thuộc VCCI) và những đơn vị liên quan đã tổ chức Diễn đàn: “Báo chí và doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên, nhằm tôn vinh những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và vai trò của báo chí đối với doanh nghiệp Thủ đô. 

Diễn đàn là hoạt động thiết thực hưởng ứng sự kiện Hội báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề: “Đoàn kết- Chuyên nghiệp- Văn hóa- Sáng tạo” sắp diễn ra.

Tham dự Diễn đàn có Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn Ban Bên tập Tạp chí Người Làm Báo; Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Đại biểu HĐND TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; TS Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội cùng lãnh đạo Hội Nhà báo TP. Hà Nội, các Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương và cộng đồng Doanh nghiệp, các hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội.

Toàn cảnh Diễn đàn báo chí và doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên_Ảnh: PV.

Nội dung diễn đàn đề cập đến thành tựu của doanh nghiệp Thủ đô năm 2022 và triển vọng phát triển kinh tế xã hội Thủ đô năm 2023; Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp hợp tác vì sự phát triển; những kiến nghị đề xuất báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển; Vai trò của người làm báo, những thuận lợi và khó khăn khi đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. 

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Ban biên tập Tạp chí Người Làm Báo phat biểu_ Ảnh: PV.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Ban biên tập Tạp chí Người Làm Báo nhấn mạnh: “Nằm trong các chuỗi hoạt động của Hội báo Toàn quốc 2023 với chủ đề “Đoàn kết- Chuyên nghiệp- Văn hóa- Sáng tạo”, Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội và những đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn: “Báo chí và Doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên”, nhằm tôn vinh đóng góp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như vai trò báo chí đối với doanh nghiệp Thủ đô nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung.

Diễn đàn hôm nay là dịp để lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà doanh nghiệp của Hà Nội chia sẻ những khó khăn, thuận lợi cũng như sự hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp. Đặc biệt thông qua diễn đàn này, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí và Doanh nghiệp hợp tác vì sự phát triển; bên cạnh đó cũng nêu ra những kiến nghị đề xuất báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển. Diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên” cũng sẽ là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Đồng thời, diễn đàn cũng là dịp chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Qua đây khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.” 

Doanh nghiệp, báo chí đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô

Phiên thứ nhất với chủ đề: Thành tựu của doanh nghiệp Thủ đô năm 2022 và triển vọng phát triển kinh tế xã hội Thủ đô năm 2023.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội_Ảnh: PV.

Với vai trò điều hành diễn đàn, Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm cho doanh nghiệp. Có thể khẳng định thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội đã không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đóng góp trên 30% ngân sách cho thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Trước những yêu cầu phát triển của Thủ đô, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, doanh nghiệp Thủ đô với khát vọng tạo ra động lực mới, đóng góp tích cực cho Hà Nội phát triển xứng tầm. Trong sự phát triển đó, báo chí đã và đang đóng vai trò quan trọng giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị mình”.

TS  Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội_Ảnh: PV.

TS. Mạc Quốc Anh, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội phát biểu: “Quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và báo chí luôn đồng hành, song hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển, báo chí là sân chơi tuyên truyền lan toả những mặt tích cực của doanh nghiệp, lan toả những gương điển hình tiên tiên trong sản xuất kinh doanh, đưa hình ảnh sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng ưu chuộng với chất lượng tốt, giá thành hợp lý tới cộng đồng người tiêu dùng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có sản phẩm không đảm bảo chất lượng tới cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sản xuất để từ đó có giải pháp cải tiến hợp lý hoá chất lượng và giá thành sản phẩm. Báo chí cũng là nơi cảnh báo, ngăn ngừa những sản phẩm không đảm bảo chất lượng trước khi tới đông đảo công chúng. 

Khẳng định vai trò đồng hành của các doanh nghiệp trong thời khắc này là rất quan trọng. Theo đó, để thông tin trên báo chí về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng chất lượng và hiệu quả, hai bên cần tăng cường chia sẻ thông tin, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về doanh nghiệp và doanh nhân; phát huy vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân trong thời kỳ mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Không ngừng thắt chặt mối quan hệ đồng hành, hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp chính là con đường để báo chí, doanh nghiệp cùng chia sẻ mọi khó khăn, thuận lợi. Sự minh bạch được hiểu là thái độ hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa doanh nghiệp và báo chí, ngay cả trong trường hợp thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp. Khả năng tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực diện với báo chí sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh khỏi các thông tin đồn đại, thiếu chính xác, hoặc ít nhất có thể tạo ra các cơ hội giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách tích cực”, trong thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa, tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động và minh bạch thông tin với báo chí.

Tham luận tại điễn đàn, TS Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cho rằng: Vai trò của báo chí và doanh nghiệp trong thời đại hiện nay rất quan trọng, có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Doanh nghiệp sẽ không phát triển được nếu không có truyền thông song hành. Báo chí được coi là cơ quan đối tác của doanh nghiệp, có vai trò đưa thông tin các sản phẩm mới ra thị trường. Tuy nhiên trong quá trình truyền thông, báo chí cần chú ý đến nội dung thông tin. Nên bóc tách ra hai vấn đề cần quan tâm đến đó là con người, cá nhân của một doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp đó. Bởi trong trường hợp một cá nhân nào đó có liên quan đến vi phạm pháp luật thì báo chí cần đứng ra bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp đó.

TS Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô_Ảnh: PV.

Nhà báo Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô chia sẻ về chủ đề: “Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, đảm bảo an ninh doanh nghiệp”. Tiến sĩ Chu Quốc Dũng cho biết: “Báo chí và doanh nghiệp Thủ đô giữ vững niềm tin là điều đương nhiên. Tôi muốn nhấn mạnh vế thứ hai của chủ đề diễn đàn là "tiếp bước đi lên". An ninh Thủ đô trên hành trình 47 năm, là thương hiệu báo chí của lực lượng Công an nhân dân, vẫn đang đồng hành với doanh nghiệp Thủ đô, để cùng tiếp bước đi lên”.

Theo TS Chu Quốc Dũng, với thế mạnh của mình, An ninh Thủ đô nói riêng và các tòa soạn báo chí nói chung có thể trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp báo chí ở ba khía cạnh. Một là điểm tựa tiếp bước về mặt pháp luật. Đây là điểm tựa quan trọng vì cả doanh nghiệp, báo chí và người dân đều cần phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Chia sẻ về kinh nghiệm của Báo An ninh Thủ đô, TS Chu Quốc Dũng cho biết, 5 năm trước, An ninh Thủ đô đã ký kết phối hợp với Đoàn Luật sư TP. Hà Nội hợp tác tuyên truyền, có chương trình tư vấn, giải đáp pháp luật cho người dân và doanh nghiệp. Từ mục đích thượng tôn pháp luật, báo chí góp phần phản biện, tạo dựng môi trường kinh doanh bền vững, lành mạnh, an ninh, an toàn, phòng ngừa rủi ro. Báo chí còn góp phần kiến nghị cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý cho doanh nghiệp, góp phần đấu tranh phòng chống chi phí tiêu cực trong quá trình sản xuất kinh doanh”.

Hai là, báo chí là điểm tựa tiếp bước cho con đường khởi nghiệp của doanh nghiệp. An ninh Thủ đô đã kiên trì xây dựng chuyên trang, chuyên mục "Con đường khởi nghiệp". Chuyên mục này chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của những “cánh chim đầu đàn”, những “doanh nghiệp khổng lồ” và không thể thiếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Trích dẫn trong cuốn sách mang tên “Quốc gia khởi nghiệp - câu chuyện về nền kinh tế thần kỳ của Israel”, có một câu rất hay rằng: “Quốc gia khởi nghiệp luôn cần những doanh nghiệp, doanh nhân giữ mãi tinh thần khởi nghiệp”, ông Chu Quốc Dũng cho biết luôn “muốn lan tỏa câu chuyện khởi nghiệp, kể cả ý tưởng khởi nghiệp “điên rồ” nhất cũng có thể tiếp bước. “Chúng tôi muốn lan tỏa cảm hứng và khát vọng khởi nghiệp trên trang báo”.

Điểm tựa tiếp bước thứ ba là tiếp bước về văn hóa. Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, khi đề cập đến văn hóa doanh nghiệp, báo chí góp phần nhấn mạnh truyền dẫn chủ đề văn hóa trở thành ngọn đuốc soi đường trong các hoạt động, triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh được nâng dần lên thành triết lý then chốt cho sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. “An ninh Thủ đô và báo chí Hà Nội sẽ luôn nâng bước, tiếp bước, đồng hành, cộng sinh và hợp tác cùng có lợi với doanh nghiệp”- TS Chu Quốc Dũng nhấn mạnh.

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô_Ảnh: PV.

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ vấn đề phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt đối với nữ doanh nghiệp làm chủ, đã cho biết: Những năm gần đây, mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp đã và đang thể hiện ngày càng rõ trong thực tiễn đời sống xã hội. 

Gắn với thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, Báo Phụ nữ Thủ đô cũng đã tuyên truyền các cấp Hội tổ chức giám sát việc xây dựng và triển khai Đề án, triển khai các văn bản Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật hợp tác xã, các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, tiếp cận các chương trình hỗ trợ tiếp cận các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế tại các quận, huyện và cơ sở. Qua khảo sát thực tế nhu cầu chủ doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nữ, phụ nữ mới khởi nghiệp và HTX còn khó khăn, từ đó đề xuất các Sở, ngành hỗ trợ tiếp cận các chính sách của Thành phố về tín dụng; Thuế, kế toán; mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ,.. Thông qua đó, Báo kịp thời phản ánh kiến nghị, đề xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp do nữ làm chủ với Thành phố, các địa phương và cơ quan chức năng có nhiều giải pháp hỗ trợ.

Với vai trò là cơ quan ngôn luận, Báo Phụ nữ Thủ đô đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền phù hợp với tôn chỉ mục đích, góp phần chủ động hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp do nữ làm chủ, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với các nội dung, hình thức phù hợp; nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp được phụ nữ hưởng ứng đã thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ Thủ đô. Trong quá trình thực hiện, các cấp Hội LHPN đã tranh thủ được sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Mở rộng hợp tác, liên kết với các ban, ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tạo thêm nguồn lực triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” có hiệu quả. Từ kết quả hỗ trợ đã giúp phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, trong đó có nhiều phụ nữ đã vượt qua khó khăn nâng cao thu nhập, tăng quyền năng kinh tế, khằng định vị thế của mình trong gia đình, xã hội. Nhiều nữ doanh nhân khởi nghiệp đã tạo ra những sản phẩm an toàn, có giá trị phục vụ cho các nhu cầu của cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã khích lệ hội viên phụ nữ phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp và tái khởi nghiệp, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp nhiều tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, thúc đẩy mục tiêu khởi nghiệp của Thành phố, Quốc gia và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội, thiện nguyện vì cộng đồng. 

Tổng kết phiên thứ nhất, Nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết thêm: Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 318.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và đất nước. Với vai trò nòng cốt, thúc đẩy phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đã chủ động, tích cực khẳng định là doanh nghiệp đi đầu của cả nước. Đây cũng là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đồng thời có vai trò lớn trong việc góp ý xây dựng cơ chế chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Có thể khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự cần thiết không chỉ vì sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp, mà còn vì nền kinh tế Việt Nam. 

Báo chí – doanh nghiệp đồng hành, hợp tác cùng phát triển

Phiên thứ 2 với chủ đề: Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp Thủ đô, hợp tác vì sự phát triển.

Tiến sĩ Nhà báo Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - xã hội chia sẻ: “Sự “cộng sinh” của các doanh nghiệp với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua “cầu trung gian” báo chí, doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển bền vững. Thúc đẩy và tăng cường sự kết nối của doanh nghiệp về kinh tế được hiểu là việc làm chặt chẽ, phong phú, đa dạng và đầy đủ hơn các quan hệ tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp của cộng đồng doanh nghiệp với nhau và với thị trường, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng trong chuỗi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của đời sống mỗi doanh nghiệp nói riêng và đời sống kinh tế-xã hội nói chung, cả trên phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế, cả hiện tại và tương lai. Trong số các công cụ hỗ trợ sự kết nối này của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo chí chiếm một vị trí quan trọng và đắc lực không thể thay thế.”

Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu tại diễn đàn chia sẻ: Doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất phục vụ xã hội. Quốc gia mạnh thì tạo ra doanh nghiệp mạnh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Báo chí thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, truyền thông nhân rộng các mô hình tiên tiến của doanh nghiệp đồng thời cảnh báo những vấn đề không tốt, định hướng dư luận. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, sản phẩm của báo chí rất đa rạng từ báo giấy, báo điện tử, truyền hình… có một sức mạnh truyền thông rất lớn giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình. Báo chí có một vai trò rất quan trọng trong việc kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động qua các hội thảo, đối thoại… tạo  ra mối quan hệ hài hòa. Báo chí giúp doanh nghiệp truyền tải những chế độ chính sách đến người lao động. Với cương vị là Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô, bà Lê Thị Bích Ngọc có ý kiến đề xuất trong thời gian tới cần có cơ chế giúp báo chí tiếp cận thông tin với doanh nghiệp một cách thuận lợi, để có sự hợp tác truyền thông hiệu quả.

Doanh nhân Đinh Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP .Hà Nội_Ảnh: PV.

Doanh nhân Đinh Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội khi chia sẻ nội dung về “Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế” đã thông tin: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được coi là động lực tăng trưởng và cũng là “trụ cột” của nền kinh tế. Trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng diễn ra song hành với tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, SME đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít thách thức.

Nhận thức được các khó khăn mà các doanh nghiệp SME gặp phải, MISA đã đồng hành và đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh chung ảm đạm, chỉ có doanh nghiệp thích ứng và chuyển đổi số kịp thời là doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhât. Doanh nghiệp có thể tối ưu hóa lợi nhuận, củng cố vận hành và ứng biến kịp thời với nhiều diễn biến của thị trường. Theo đó, MISA chú trọng đẩy mạnh nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS và nền tảng kết nối vay vốn tín chấp MISA Lending. Hai giải pháp này sẽ như một liều thuốc giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn chung. 

MISA cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hành trình chuyển đổi nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Chúng tôi tin rằng những kinh nghiệm triển khai cho hơn 270.000 doanh nghiệp cùng giải pháp công nghệ đặc biệt và uy tin, MISA có thể giúp các doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng kế hoạch chuyển đổi số rõ ràng và cam kết về lộ trình và tiến độ thực hiện. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tự tin chuyển đổi số để tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế.

Ceo Từ Nguyên Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mai Bình Tâm Brothers; Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam kiêm Chủ tịch CLB HCA chia sẻ: “Có thể khẳng định, mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp đã được cộng đồng quan tâm, tìm hiểu, với những trăn trở riêng, chung. Thực trạng, một số doanh nhân, doanh nghiệp khi đón tiếp và làm việc với báo chí, hoặc tên tuổi cá nhân, tên công ty, tên sản phẩm xuất hiện trên báo, thường sẽ diễn ra hai trạng thái phổ biến: Vui, vì được vinh danh, khen ngợi, được nêu gương điển hình – có thể gọi đây là chiều hướng tích cực. Ngược lại, khi bị báo chí phanh phui, nghe lên báo là hoang mang, ảnh hưởng lớn mọi mặt của doanh nghiệp từ tiến độ sản xuất, kinh doanh, đến đời sống tâm lý, sức khỏe tinh thần và thể chất. Doanh nghiệp có vi phạm, báo chí đề cập là phải chấp nhận. Nhưng vẫn có một số tình huống việc thông tin bị sai lệch chưa bám sát thực tiễn, chưa tạo ra được những sản phẩm báo chí có tác dụng điều chỉnh, giúp cộng đồng doanh nghiệp rút ra bài học tốt hơn trong quản trị, điều hành công ty. Qua thực tiễn, chúng tôi khẳng định: Báo chí và doanh nghiệp phải là mối quan hệ cộng sinh, mối quan hệ hợp tác, đồng hành. Báo chí thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp - Đó là mối quan hệ cần quan tâm, đề cao và phát huy.”

Tổng kết phiên thứ 2, Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Nguyên nhân căn bản là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; Trong khi một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để đưa tin chưa chính xác hoặc lợi dụng sai phạm của doanh nghiệp để phục vụ lợi ích riêng…”

Đại tá, Nhà báo Nguyễn Hoà Văn, nguyên Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam dánh giá cao nội dung tọa đàm, đây là chủ đề mang ý nghĩa thiết thực, bởi trong thời buổi hiện nay báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong truyền thông doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn, chuyển đổi số cũng mang đến nhiều thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn với những chính sách của Nhà nước chưa theo kịp. Với vai trò đồng hành, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình truyền thông, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp. 

Tham luận tại diễn đàn, Luật sư Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định, trong khuôn khổ diễn đàn với tư cách là luật sư, ông đánh giá cao những tham luận của đại biểu tham gia hội thảo. Qua đó, luật sư Nguyễn Chiến có ý kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ truyền thông giúp doanh nghiệp cần có sự phối hợp giữa báo chí - doanh nghiệp và cơ quan pháp lý giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, thượng tôn pháp luật.

Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm_Ảnh: PV.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định: “Diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp Thủ đô” là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Đồng thời, diễn đàn cũng chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Thời gian qua, báo chí đã đổi mới nhanh, nhạy bén với công nghệ 4.0 để người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh các ngòi bút chân chính vẫn còn những ngòi bút chưa khách quan, chưa trung thực, chưa thực sự muốn đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những thông tin phân tích của báo chí là những gợi ý tốt cho các doanh nghiệp mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, thay đổi tính chất của các mối liên kết trong hoạt động quản lý kinh doanh. Đối với cơ quan báo chí, cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Mặt khác, các phóng viên, nhà báo phụ trách về mảng này cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế; Thông tin chính xác, khách quan, đa chiều. Đặc biệt, trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp hiện nay, mỗi doanh nghiệp, cơ quan báo chí cần thực hiện có hiệu quả mô hình chuyển đổi số, có như vậy mới có thể chung tay xây dựng một xã hội phát triển đúng với tinh thần diễn đàn “Báo chí và doanh nghiệp Thủ đô: Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên”.

Có thể khẳng định thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đóng góp trên 30% ngân sách cho thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Trước những yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Doanh nghiệp Thủ đô với khát vọng tạo ra động lực mới, đóng góp tích cực cho Hà Nội phát triển xứng tầm. Trong sự phát triển đó, báo chí đã và đang đóng vai trò quan trọng giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị mình... Nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định.

* Thay mặt BTC, trân trọng cảm ơn các đơn vị: lãnh đạo VCCI, Hội Nhà báo TP.Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HN, Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí, lãnh đạo Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, đại diện đơn vị: Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Tập đoàn Doji, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty Thực phẩm Thọ Phát, Công ty TNHH Hoàng Gia Lộc, Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinapharma đã đồng hành cùng chương trình.

Thực hiện: Trần Tuấn, Phí Tuấn, Nguyễn Hợi, Lê Hà, Hoàng Tuấn
 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top