Sạt lở ven biển đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân ở Quảng Bình
18:03 31/10/2022
- Báo chí địa phương
Địa hình tại các khu vực ven biển của tỉnh Quảng Bình đang phải đối diện với tình trạng xâm thực mạnh, bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Quảng Bình có bờ biển dài 116 km với nhiều khu đông dân cư sống ven biển. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, sau khi chịu ảnh hưởng của các cơn bão cùng như tình trạng biển xâm thực, nhiều khu vực ven biển đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Sạt lở tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) làm đổ nhiều cột điện chiếu sáng_PV.
Tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), có 2 điểm sạt lở ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại thôn Tân Định và thôn Hiển Trung. Trong đó, bờ biển bị xâm thực tại thôn Tân Định kéo dài 150m, để lại đồi cát cao và dốc, chỉ còn cách khu dân cư và bến thuyền khoảng 30m. Ở thôn Hiển Trung, bờ biển bị sạt dài 50m, ăn sâu vào đồi cát gần khu vực bến đậu thuyền. Do đó, người dân sống bằng nghề đánh, bắt cá trên biển gặp nhiều khó khăn khi đưa thuyền từ bờ ra biển do địa hình bị xâm thực, để lại đồi cát cao cản trở đi lại.
“Từ cơn bão số 6 thì bờ biển bị sạt lở như thế này và diễn ra rất nhanh. Đến nay, phần sạt lở chỉ cách nhà chúng tôi một khoảng cách ngắn. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì vài đợt gió mùa tới biển sẽ ăn vào nữa”, ông Nguyễn Thiên (thôn Tân Định, xã Hải Ninh) cho biết.
Tàu thuyền của người dân xã Hải Ninh không thể hạ thủy do sạt lở, để lại đồi cát dốc_Ảnh PV.
Được biết, phần sạt lở ăn sâu đã làm hư hỏng một số tàu thuyền của ngư dân, nhiều cột điện chiếu sáng của các thôn bị cuốn và vùi lấp và làm hỏng cả một tuyến đường nhựa. Các loài cây được người dân trồng ven biển nhằm giữ cát như dứa dại, cây phi lao,… cũng trơ rễ do sạt lở, phần cát bị sóng biển cuốn.
Chính quyền địa phương đã gắn biển cảnh báo người dân tại các khu vực nguy hiểm. Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết địa phương đã báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền để sớm có phương án xử lý.
“Các phương án đã được tính đến nhằm hạn chế tình trạng sạt lở. Trước mắt, xã đề nghị dùng bao cát để bao chân khu vực bị xâm thực mạnh. Có bao cát chặn thì tình trạng cát bị rút sẽ được giảm thiểu. Về phía hỗ trợ người dân, chúng tôi lựa chọn khu vực bến thoải khác để tạm thời sử dụng như bến thuyền, để người dân cất, đặt thuyền và thuận lợi di chuyển thuyền ra biển”, ông Phạm Văn Liệu cho biết. Tại xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), khu vực sạt lở dài 50m đã xô đồ một đoạn công trình kè chắn sóng.
Một phần kè chắn sóng tại xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy) bị xô đổ_PV.
Còn tại khu vực ven biển ở TDP Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, Thị xã Ba Đồn, bờ biển ăn sâu gần vào khu dân cư. Chiều dài đoạn sạt lở là 2km, khiến cả hàng cây phi lao phòng hộ bị gãy đổ, dồn cát tràn vào tuyến đường ven biển, phương tiện không thể qua lại được. Hiện tượng sạt lở tại địa phương này đã ảnh hưởng đến đời sống của 10 hộ dân với 40 nhân khẩu.
Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở cho biết, phương án tối ưu được đưa ra là xây dựng kè chống sạt lở, với nguồn kinh phí từ Trung Ương hoặc các nguồn khác. Bên cạnh đó, tùy theo tình hình, các đơn vị, địa phương sẽ có phương án di dời phù hợp đối với các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho người dân.
Khánh Trinh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Báo chí chia sẻ, đồng hành cùng với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa (10:10 06/01/2025)
- Hải Phòng: Vững tin vươn mình cùng đất nước (11:17 06/01/2025)
- Thành phố Thanh Hóa kiện toàn bộ máy sau khi nhập huyện Đông Sơn (08:14 01/01/2025)
- Huyện Thọ Xuân phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (09:36 31/12/2024)
- Thanh Hóa: Phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025 (09:44 30/12/2024)