Quốc hội với sứ mệnh hoàn thiện thể chế:

Bài 2: Điểm nghẽn của điểm nghẽn

06:25 25/10/2024 - Quốc hội khóa XV
“Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ”.

Những nội hàm cô đọng nhất đã được nêu ra trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10 vừa qua. Đây là lần đầu tiên “thể chế” được nhìn nhận một cách trực diện trong vấn đề nhận diện các điểm nghẽn cốt tử, những vấn đề cần kíp của cơ quan thực hiện quyền lập pháp. 

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”

Cụ thể, “điểm nghẽn” thể chế nằm ở chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, các quy định chưa thực sự đồng bộ còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực ở trong dân. Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo, giữa lập pháp và hành pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Như vậy, điểm nghẽn thể chế ở đây được hiểu là những điểm bất hợp lý, cản trở động lực phát triển của đất nước. Muốn gỡ nghẽn thể chế thì phải cải cách hệ thống pháp luật. Tuy nhiên muốn tháo “điểm nghẽn” về thể chế cần phải đổi mới hoạt động của hệ thống thiết chế .

Theo TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, kinh nghiệm lập pháp của nhân loại đã chỉ ra rằng, làm thế nào để một bản hiến pháp chất lượng, thực sự là một bản khế ước giữa nhà nước với người dân là một điều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc tổ chức, thực hiện bản hiến pháp đó trong thực tế cuộc sống như thế nào?

Thực tế cho thấy, hơn 10 năm qua hệ thống chính trị đã có rất nhiều nỗ lực triển khai Hiến pháp năm 2013. Dù vậy, nhiều nội dung tiến bộ của hiến pháp chưa được cụ thể hóa, hay có một số nội dung đã cụ thể hóa nhưng chưa đúng với tinh thần của hiến pháp như: Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa hoàn thiện, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; cải cách tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước và thời kỳ hội nhập…

Nhận định các vấn đề liên quan đến nền kinh tế được cho là đang tồn tại “điểm nghẽn”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, ở thời điểm hiện nay, doanh nghiệp thân hữu cấu kết với quan chức thoái hóa, biến chất để trục lợi chính sách; bóp méo sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường và triệt tiêu hiệu quả phân bổ nguồn lực quốc gia là “điểm nghẽn” thể chế lớn nhất.

Cùng đồng quan điểm, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vấn đề lớn nhất của chúng ta ở đây là chủ nghĩa thân hữu. Thắng nhờ quan hệ chứ không phải nhờ có sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn chỉ có thể làm cho nền kinh tế phải đi thụt lùi. Quốc hội cần có những phản ứng lập pháp kịp thời để chống lại chủ nghĩa thân hữu và lợi ích nhóm nhằm bảo đảm một cơ chế cạnh tranh lành mạnh…Đây chỉ là một số trong nhiều những “điểm nghẽn” thể chế đang hiện hữu, làm hạn chế sự phát triển của ngành, lĩnh vực, cá nhân.

Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhiệm vụ quan trọng là phải khắc phục những điểm nghẽn về thể chế nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và an toàn.

Ở một dẫn chứng khác. Sáu năm qua, những điều tra, khảo sát doanh nghiệp của VCCI đã cho thấy rõ chất lượng của thể chế. Theo báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh của VCCI 2023 mới công bố cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm. Năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được khoảng 14,29%, nhưng vài năm gần đây, tỷ lệ này chưa đến 5%. Bên cạnh đó, chỉ hơn 6% doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện các quy định pháp luật Trung ương tại các địa phương. Có 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 61% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động cấp phép kinh doanh có điều kiện; 22% doanh nghiệp trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do phiền hà trong việc tiếp cận cấp giấy phép kinh doanh.

Nhìn ra rộng hơn, thế giới được chứng kiến Giải Nobel kinh tế năm nay đã được trao cho hai nhà kinh tế - tác giả của “Vì sao các quốc gia thất bại?” với luận điểm cốt lõi là thể chế có tính bao trùm thì giúp quốc gia thành công. Hiểu theo một cách khác thì, thể chế nào có những điều chỉnh, cải cách để dung hợp được các lợi ích kinh tế - chính trị và tạo điều kiện cho người dân làm ăn sinh sống được tốt nhất sẽ thành công. Như vậy, một thể chế tốt là thể chế tạo sự hợp lý về lợi ích để mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có động lực và cơ hội để vươn lên.

Cương lĩnh của Đảng ta xác định xây dựng xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây là cơ sở, là mục tiêu để chúng ta quyết tâm đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là ưu tiên cao nhất…

Chúng ta đã trải qua 38 năm của công cuộc cải cách lần thứ nhất, thành tựu đất nước có được hôm nay là kết quả của một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ với một tiến trình chính trị đặc biệt. Ở đó sự đồng thuận trở thành động lực, nguồn sức mạnh to lớn để nhà nước, nhân dân cùng quyết tâm thực hiện. Hôm nay, “đứng trên mảnh đất của thực tiễn Việt Nam” như lời Tổng Bí thư đã dẫn, chúng ta lại một lần nữa quyết tâm thực hiện tiến trình chính trị mới giải quyết các “điểm nghẽn”, xử lý các vướng mắc, thậm chí sẵn sàng “sửa sai”,… để tạo ra động lực thể chế mới.

Làm luật… chuyên nghiệp

Trước yêu cầu đổi mới, hội nhập, trước yêu cầu của “kỷ nguyên mới”, đòi hỏi đổi mới tư duy trong quản lý, và điều này phải bắt đầu được tháo gỡ từ chính các quy định pháp luật. Phải đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp là một trong ba vấn đề được nhấn mạnh nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế. Theo Tổng Bí thư, để đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, ông đề nghị cải cách nhiều điểm, trong đó cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Để các luật, nghị quyết ra đời có chất lượng, có tuổi thọ, xây dựng hệ thống pháp luật công minh, công tác làm luật chuyên nghiệp được đặt ra bức thiết

Quan điểm nhất quán của Đảng ta về pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. 

Như vậy yếu tố mới, yếu tố tư duy luôn hiện hữu đòi hỏi người làm luật, tổ chức làm luật phải công tâm, minh bạch, sáng suốt, chuyên nghiệp. Để các luật, nghị quyết ra đời có chất lượng, có tuổi thọ, xây dựng hệ thống pháp luật công minh, công tác làm luật chuyên nghiệp được đặt ra bức thiết.

Trước thềm kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhiều lần nhấn mạnh: "Tinh thần là đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Trình Quốc hội quyết định theo quy định của Quốc hội, còn những vấn đề thuộc Chính phủ như nghị định, thông tư thì đưa ra, không luật hóa nghị định, thông tư. Tinh thần đó cũng đã quán triệt tại các cuộc họp. Chúng ta từng bước phải nâng lên tính chuyên nghiệp và tính chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật. Tránh làm luật mà khi thông qua, chưa thực hiện đã đề nghị sửa và mới thực hiện một vài tháng lại thấy bất cập".

Ông cho rằng, cái gốc của chất lượng luật phải ở các bộ, ở cơ quan soạn thảo: "Gốc xây dựng pháp luật phải từ các bộ, ngành; phải xem kỹ từng khoản, từng điều, từng chương thì luật mới có chất lượng. Nếu các cơ quan trình (Bộ Tư pháp, Chính phủ) làm kỹ lưỡng thì khi gửi sang Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mới thẩm tra trúng, đúng các vấn đề". Người đứng đầu Quốc hội khẳng định: “Nếu chúng ta làm như thế luật sẽ bảo đảm có chất lượng, tạo được niềm tin trong nội bộ và Nhân dân”

Dẫn lại lời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, người làm luật chuyên nghiệp, bộ máy làm luật chuyên nghiệp mới viết được đạo luật chuyên nghiệp; ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, rất cần bộ máy và con người chuyên nghiệp có kỹ năng, có tư duy phân tích chính sách lập pháp. Ông lý giải, con người làm ra thể chế, tổ chức làm ra thể chế. Nếu không có bộ máy và con người làm luật chuyên nghiệp với những phương pháp, quy trình làm luật chuyên nghiệp thì chúng ta chỉ có những đạo luật nghiệp dư mà thôi. Quốc hội cần có những đại biểu hoạt động chuyên trách và chuyên nghiệp. Hiện nay 40% trong số 500 đại biểu là chuyên trách nhưng không phải là chuyên nghiệp. Mặc dù trên thực tế có nhiều đại biểu rất giỏi, họ là giáo sư, tiến sĩ, là nhà khoa học đầu ngành nhưng họ không phải là nhà làm luật chuyên nghiệp.

Nhấn mạnh về trách nhiệm làm luật của Quốc hội và nêu quan điểm về việc phân công cho các Cục, Vụ trong bộ soạn thảo dự luật sẽ khó tránh được tình trạng cài cắm lợi ích riêng, để làm luật chuyên nghiệp, bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cho rằng, Quốc hội là nơi làm luật, Chính phủ là hành pháp, là nơi thực thi. Chính phủ có thể đề xuất chính sách quan trọng xuất phát từ thực tiễn rồi Quốc hội đưa chính sách đó thành luật để thực thi các chính sách của Chính phủ. 

Chống tham nhũng phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định và được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm rõ thêm khi yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực.

Pháp luật do con người tạo ra, thể chế do con người, tổ chức, bộ máy xây dựng mà thành. Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi, nguồn lực đất đai, tài nguyên, tài chính đang dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, tạo mảnh đất màu mỡ cho thông đồng, tham nhũng. Để chống tham nhũng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Không phải ngẫu nhiên mà phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó có tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, kiên quyết chống “lợi ích nhóm”. 

Cải cách thể chế là nhiệm vụ quan trọng, luôn là một quá trình không dễ dàng, đầy khó khăn và thách thức, đòi hỏi một quyết tâm chính trị, năng lực, tầm nhìn và trách nhiệm cao của mỗi cơ quan, tổ chức. Nhanh chóng nhận biết các vấn đề đang được đặt ra ở đây để tìm cách giải quyết và tìm ra những con người xứng đáng để xây dựng thể chế cho một kỉ nguyên mới là một trong những sứ mệnh hàng đầu của Quốc hội khóa XV. 

Bài 3: Quốc hội trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Anh Tuấn - Hồng Phong

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top