Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội
21:19 16/10/2023
- Báo chí địa phương
UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch số 1951/KH-UBND nhằm cụ thể việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 25/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 23-CT/TW và Chương trình hành động số 27-CTr/TU) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, nội dung Kế hoạch số 1951/KH-UBND của UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW và Chương trình hành động số 27-CTr/TU nhằm hướng tới việc đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động; xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh, trật tự của địa phương; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, qua đó, tiếp tục từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân; giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Quảng Bình triển khai nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn và ma túy.
Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội trong thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT; xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT thật sự trong sạch, liêm chính, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để triển khai thực hiện các nội dung của chương trình hành động số 27-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể và chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố... tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã phải quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả.
Cùng với việc siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông, cần thực hiện tốt công tác nghiên cứu, góp ý, tham mưu việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế-xã hội. Nhất là nghiên cứu, góp ý xây dựng Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT...
Xử lý nghiêm, theo quy định đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trong đó, chú ý việc lồng ghép nội dung về bảo đảm TTATGT trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông bảo đảm khả thi, an toàn, phù hợp với thực tiễn và thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, ưu tiên đầu tư nâng cấp bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện ATGT đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; hiện đại hóa trung tâm giám sát, điều hành giao thông; tập trung đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về TTATGT tại những tuyến, địa bàn phức tạp về TTATGT.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT; đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông...
Một nội dung quan trọng UBND tỉnh yêu cầu cần thực hiện có hiệu quả nữa đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm TTATGT; tích cực, chủ động phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến và khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
Cảnh Hoa
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Trao Giải báo chí viết về giáo dục TP. HCM lần thứ 2 (06:31 20/11/2024)
- Nghệ An: Công bố Quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm chức danh Bí thư Tỉnh ủy (04:10 17/11/2024)
- Tổng kết công tác thi đua Hội Nhà báo các tỉnh miền núi Tây Bắc năm 2024 (01:40 16/11/2024)
- Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân (01:00 15/11/2024)
- Thanh Hóa: Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững (01:05 12/11/2024)