Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và quy định đạo đức người làm báo Việt Nam
15:16 14/07/2016
- Hội thảo - Tọa đàm - Giải báo chí
Sáng 14/7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016, triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; các Phó Chủ tịch: Mai Đức Lộc, Nguyễn Bé; lãnh đạo các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí; lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo và đông đảo các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương đến dự, đưa tin.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Thuận Hữu khẳng định, Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII thông qua ngày 5/4/2016 và Chủ tịch nước công bố Luật ngày 29/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Khi Luật Báo chí 2016 được thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Luật Báo chí 2016 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí 2016 khẳng định Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò của báo chí, đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả và nặng nề cho những người làm báo Việt Nam.
Đồng chí Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh, trong những năm qua, đại bộ phận nhà báo, người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt những nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất các quy định của pháp luật nói chung, Luật Báo chí nói riêng. Những người làm báo Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và các cấp chính quyền với nhân dân; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phê phán, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội… thực sự góp phần dự báo, đón đầu các sự kiện và xu thế phát triển của xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ đăng tải trên các loại hình báo chí; báo chí phản ánh, bám sát toàn diện mọi mặt của cuộc sống và đáp ứng rất tốt, rất kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của xã hội.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha hoá trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Đó là hiện tượng nhà báo thông tin sai sự thật, thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng, chụp giật, thiếu khách quan, thổi phồng sự thật và bóp méo sự thật; hiện tượng thương mại hoá tờ báo bằng việc đưa tin bài, hình ảnh giật gân, câu khách, kích động, kích dục, thiếu văn hoá, thiếu tính thẩm mỹ và phản giáo dục; tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng; biểu hiện thiếu tính nhân văn trên báo chí; hiện tượng nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí, lợi dụng vị trí và công việc của mình để vụ lợi cá nhân, kiếm chác cho riêng mình và làm trái pháp luật.
Đồng chí Hoàng Hữu Lượng, nguyên Cục trưởng Cục Báo chí trao đổi những điểm mới của Luật Báo chí 2016
Tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan báo chí, đại diện các cấp Hội Nhà báo và những người làm báo thảo luận, góp ý, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và pháp luật hiện hành nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác Hội, đặc biệt chú trọng trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm túc những quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
"Luật Báo chí 2016 có những điểm mới về phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh. Luật Báo chí 2016 đã phác thảo những Nghị định, quy định của Đảng và Nhà nước thành Luật. Luật 2016 cũng đồng thời quy định quyền hạn hoạt động cụ thể của báo chí, đó là quy định về điểu chỉnh hoạt động báo chí, quy định về chính sách của Nhà nước; chính sách về phát triển báo chí, việc hợp tác của báo chí Việt Nam với báo chí nước ngoài từ trước tới giờ chưa có. Đây là vấn đề rất mới. Bên cạnh đó còn có các quy định cụ thể về hoạt động của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài ở Việt Nam từ nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình, báo điện tử,… Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam là ban hành và tổ chức thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Trong đó, Quy định đạo đức người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng phải là “Quy tắc mẹ” mang tính chất nền tảng, là cơ sở để các đơn vị và cơ quan báo chí xây dựng bộ quy tắc riêng cho mình. Đồng thời, Bộ Thông tin & Truyền thông đang tích cực triển khai việc xây dựng các văn bản, Nghị định, Thông tư… để chuẩn bị cho việc triển khai Luật Báo chí 2016 vào cuộc sống." - (Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trương Minh Tuấn)
"Có thể nói chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp lại nóng bỏng như hiện nay. Đây không còn là vấn đề nội bộ của mỗi ngành nghề, lĩnh vực; không chỉ là câu chuyện của các nhà quản lý mà là mối quan tâm của tất cả các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội, trong đó có đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII đã thông qua và ban hành Qui định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gồm 9 điều. Sau 11 năm thực hiện, nhiều nội dung không còn phù hợp với hoạt động báo chí và pháp luật hiện hành, trong đó có Luật Báo chí 2016, vì vậy cần thiết phải sửa đổi bổ sung. Trên cơ sở Kế hoạch số 1091/KH-HNB và Hướng dẫn số 1092 HD-HNBVN ngày 20/5/2016, ngay sau Hội nghị này, đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cấp hội phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện thật tốt những nội dung sau:
Tổ chức cho toàn thể hội viên nhà báo của địa phương, ngành, đơn vị mình học tập nghiêm túc những nội dung cơ bản của Luật Báo chí 2016, thấm nhuần quan điểm, nắm vững những quy định trong các điều luật. Thảo luận, xác định rõ phạm vi, giới hạn của những thao tác nghề nghiệp khi hoạt động báo chí.
Tổ chức tọa đàm, hội thảo về việc thực hiện những nội dung đã được luật hóa đối với hoạt động báo chí; về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Tại các diễn đàn đó phân tích làm rõ những quy tắc có tính đặc trưng của nghề nghiệp đồng thời phù hợp chuẩn mực hành vi đạo đức xã hội.
Lấy ý kiến hội viên, các ngành và nhân dân đóng góp vào từng điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Có thể đề xuất thêm những nội dung cần thiết; có thể bớt những nội dung trùng lặp hoặc câu từ chưa rõ nghĩa. Cần cân nhắc, tham gia cụ thể từng câu, từng chữ, sau đó lấy ý kiến tập trung của Ban Chấp hành, Ban Thư ký thành văn bản báo cáo Trung ương Hội, số lượng điều qui định không nhất thiết là 9 điều như hiện nay.
Cần xác định: Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam là một điểm tựa quan trọng của những người làm báo, do chính những người làm báo thống nhất xây dựng từ các cấp Hội. Tất cả hội viên đều có quyền tham gia bàn bạc và có trách nhiệm thực hiện, giám sát lẫn nhau
Các cơ quan báo chí mở chuyên mục, diễn đàn trao đổi về Luật báo chí 2016 và góp ý sửa đổi, bổ sung, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hết sức quan tâm các ý kiến đóng góp của các cấp các ngành và nhân dân, chọn lọc đăng tải những ý kiến phù hợp.
Các Hội nhà báo tỉnh, thành phố; các Liên chi hội, chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương cần nghiêm túc triển khai, sáng tạo trong cách tổ chức sao cho phù hợp, đảm bảo cho đợt sinh hoạt chính trị này hiệu quả nhất, thiết thực nhất.
Hết sức tránh hình thức, tổ chức qua loa, chiếu lệ gây lãng phí, tốn kém nhưng không hiệu quả." (Trích phát biểu của Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam)
Hội nghị toàn quốc là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Báo chí năm 2016, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam. |
Tin bài: Ngọc Thành, Thuỳ Dung
Ảnh: Cường Phạm
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024 (11:05 17/11/2024)
- Chuyển đổi số góp phần xây dựng tính chuyên nghiệp và hiện đại của báo chí (05:20 05/11/2024)
- Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt (02:05 01/11/2024)
- Báo chí và doanh nghiệp luôn có sự gắn bó, đồng hành cùng phát triển (11:47 24/10/2024)
- Lễ trao giải cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024 (12:15 21/10/2024)