Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Là chủ đề buổi hội thảo khoa học diễn ra sáng 9/11, tại trụ sở Báo Nhân Dân, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Nhân Dân và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức.

Hội thảo khoa học quốc tế  “Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19”

Tham dự hội thảo có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ông Cho Han Deog, Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam.

Ngoài ra, còn có đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm, phương thức, giải pháp quản trị khủng hoảng thông tin. Khủng hoảng thông tin hay nạn dịch thông tin (infodemic) xuất hiện cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, gây ra những khó khăn cho việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết: “Chúng ta đang đối phó với thách thức dịch bệnh thế kỷ, thiệt hại kinh tế và con người có thể tính đếm được, nhưng những hệ lụy, tác động không nhìn thấy của nó là khôn lường. Đặc biệt, dịch bệnh kéo theo phong tỏa, giãn cách đã làm biến đổi sâu sắc thế giới của chúng ta, từ đời sống văn hóa, kinh tế cho đến thói quen, tập quán, sinh hoạt, ứng xử”.

Theo ông Lê Quốc Minh, thông tin truyền thông vừa phải phản ánh thế giới đang thay đổi chóng mặt đó, đồng thời nó cũng chịu sự tác động buộc phải thay đổi thích ứng để tồn tại. Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đặt vấn đề phải làm gì để nhận dạng, ngăn ngừa để không rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng thông tin, và làm thế nào để giảm thiểu tối đa tác hại mà khủng hoảng thông tin gây ra.

Ông cho rằng, đại dịch thông tin (infodemic) nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động kiểm chứng thông tin. Cần phải coi kiểm chứng thông tin là trách nhiệm xã hội và nghiệp vụ của cơ quan báo chí.

“Nhà báo cần có phương pháp, kỹ năng và công cụ để kiểm tra, xác minh thông tin trước khi cung cấp cho công chúng. Các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường đầu tư cho công nghệ hỗ trợ hoạt động kiểm chứng thông tin”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Báo Nhân Dân - với tư cách là Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam - là một trong những cơ quan truyền thông chủ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thực tế thời gian qua, Báo Nhân Dân đã chứng tỏ khả năng đổi mới thích ứng, thể nghiệm mạnh mẽ trên tất cả loại hình báo chí, báo điện tử, báo viết, phiên bản Radio Nhân Dân, trên các nền tảng công nghệ hiện đại hướng mạnh tới tất cả các tầng lớp bạn đọc.

“Thực tế đổi mới đó khẳng định quan điểm của chúng tôi là đúng đắn, đó là thông tin phải đem lại niềm tin cho công chúng, lấy mục tiêu chân xác, nhanh nhạy, đúng đắn, có trách nhiệm, vì niềm tin của bạn đọc làm lẽ tồn tại. Đó chính là chìa khóa để quản trị khủng hoảng thông tin nói chung, khủng hoảng thông tin trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay nói riêng”, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh khẳng định.

Theo Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Minh Sơn, quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là vấn đề nóng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn hiện nay, đồng thời là nhiệm vụ song song, không kém phần cấp bách so với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. PGS, TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn khoa học để các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng thông tin chung này.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam Cho Han Deog cho biết: “Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã kéo theo cuộc khủng hoảng thông tin, đe dọa niềm tin của người dân vào các thiết chế xã hội. Đây là vấn đề của không riêng quốc gia nào trên thế giới và cần được giải quyết bằng những giải pháp phù hợp, kịp thời và sáng tạo. Chính vì vậy, chúng tôi rất vui mừng hợp tác với Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo rất có ý nghĩa này, góp phần xây dựng môi trường truyền thông tích cực và lành mạnh hơn”.

Hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nằm trong chuỗi các hội thảo khoa học quốc tế do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc và các cơ quan báo chí tổ chức từ năm 2016 trở lại đây. Các hội thảo này là diễn đàn quan trọng cho các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và giải pháp cho các vấn đề báo chí, truyền thông và xã hội có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Hội thảo gồm 1 phiên khai mạc và 2 phiên chuyên đề với 6 tham luận do các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trình bày. Phiên 1 tập trung vào thực trạng của cuộc khủng hoảng thông tin trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Phiên 2 tập trung vào các kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp để tăng cường truyền thông về dịch bệnh; nâng cao vai trò thông tin của báo chí; phòng chống tin giả, thông tin sai lệch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong truyền thông về dịch Covid-19.

Tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh đã trình bày tham luận “Đại dịch Covid-19 và những tác động với báo chí – Các xu hướng nổi bật”. GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, trình bày tham luận về “Vai trò của báo chí Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Theo nhandan.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top