Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - có thể là niềm cảm hứng cho phim điện ảnh?
16:24 09/08/2016
- Văn hóa xã hội
Ở chiến thắng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, ngoài vinh quang và thành tích lịch sử, người ta còn bắt gặp biết bao xúc cảm tự hào. Ở đó, không chỉ có những giọt nước mắt của riêng Hoàng Xuân Vinh, mà còn có biết bao giọt nước mắt của người dân Việt Nam...
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, lịch sử điện ảnh đương nhiên không thể bỏ qua đề tài xoay quanh sự kiện trọng đại của đời sống nhân loại.
Thế vận hội Olympic xứng đáng là địa hạt “vàng” của giới làm phim, nơi đây có vô số những câu chuyện chân thực xoay quanh nỗ lực vượt qua giới hạn, chiến thắng bản thân, xác lập kỷ lục, đem về vinh quang, có giọt nước mắt cay đắng tiếc nuối và giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc, ở đó có cả vinh quang và thất bại, thậm chí cả đổ máu vì tai nạn, chấn thương.
Tất cả những kịch tính được tạo nên tại Olympic đều xuất phát từ con người và hướng đến con người với tinh thần thể thao cao thượng, “fair-play”. Thực tế, vẫn chưa có nhiều phim điện ảnh chất lượng làm về đề tài Olympic. Dù vậy, vẫn có thể kể ra đây một vài bộ phim kinh điển để người xem có thể hiểu được phần nào tinh thần của Thế vận hội Olympic.
Phim về vận động viên Olympic “bét bảng” nổi tiếng nhất
“Eddie The Eagle” (Eddie “Đại bàng” - 2016) là bộ phim tiểu sử kể về một vận động viên Olympic đáng nhớ trong lịch sử thể thao Anh quốc nói riêng và lịch sử Olympic nói chung.
Thường những bộ phim kiểu này sẽ xây dựng hình tượng một vận động viên thể thao hoàn hảo, từ ý chí tinh thần cho tới năng lực thể chất, nhưng “Eddie The Eagle” thì khác.
Vận động viên trượt tuyết Eddie “Đại bàng” (tên đầy đủ: Michael Edwards) đã chiếm được tình cảm của người dân Anh sau Thế vận hội Mùa đông Olympic Calgary 1988 không phải vì anh là vận động viên tài giỏi, đạt được thành tích cao, mà bởi tinh thần thể thao ở Eddie.
Ngay từ nhỏ, cậu bé Eddie đã ước mơ được thi đấu tại Olympic, suốt thời tuổi trẻ, Eddie dành để theo đuổi việc luyện tập thể thao, với mong ước một ngày nào đó được thi đấu ở Olympic.
Ở tuổi thiếu niên, Eddie nhận ra rằng giấc mơ của mình sẽ rất khó trở thành hiện thực, nếu cậu mãi luyện tập ở những bộ môn có quá nhiều tài năng, vì vậy, cậu chuyển hướng sang bộ môn trượt tuyết - một bộ môn mà suốt 6 thập kỷ, nước Anh không cử vận động viên tham dự.
Tự mình dày công luyện tập, “tầm sư học đạo”, nhưng thoạt tiên, Eddie bị từ chối, không được cử đi dự Olympic vì tính cách của Eddie “khét tiếng” thiếu nghiêm túc, không tạo được lòng tin ở ủy ban tuyển chọn. Hành trình của Eddie tới Thế vận hội gần như bị chặn đứng.
Hơn nữa, những người tuyển chọn cũng hiểu rằng dù Eddie đã cố gắng, nhưng anh vẫn gần như không có cơ hội để cạnh tranh với các vận động viên đẳng cấp đến từ các quốc gia khác vốn có truyền thống thế mạnh ở bộ môn trượt tuyết.
Thất vọng, cậu thanh niên Eddie quyết định trở về làm… thợ trát vữa. Nhưng rồi vào phút cuối, Eddie bất ngờ nhận được quyết định triệu tập, để cùng đoàn thể thao của Anh tới dự Olympic.
Tất cả mọi người trong đoàn đều hiểu rằng Eddie sẽ tự làm bản thân xấu hổ với kỹ thuật chẳng lấy gì làm cao siêu, anh không có cơ hội để thực sự cạnh tranh thi đấu. Tuy vậy, điều duy nhất quan trọng đối với người thanh niên ấy chính là giấc mơ thời thơ bé, rằng một ngày nào đó mình sẽ được dự thi ở Olympic.
Kết quả không quá quan trọng đối với Eddie bằng việc được đến dự Olympic với tư cách một vận động viên. Ở Olympic, thành tích của Eddie đứng… bét bảng, nhưng lại là kỷ lục của thể thao Anh trong bộ môn trượt tuyết, bởi như đã nói, suốt 6 thập kỷ nước Anh không có vận động viên dự thi ở bộ môn này.
Thêm nữa, tinh thần lạc quan, biểu cảm hài hước của Eddie bất kể việc anh đứng chót bảng sau các vòng thi khiến phóng viên rất thích thú đưa tin và khiến hàng triệu người phải biết đến vận động viên kỳ lạ - Eddie “Đại bàng”. Eddie trở thành “người hùng thể thao” kỳ lạ nhất của Anh.
Khi về nước, có rất đông người ra đón Eddie, đầy hân hoan, Eddie được nhớ đến trong lịch sử Olympic như một ví dụ điển hình của những vận động viên “dưới cơ”, dù biết mình chắc chắn không có cơ hội đạt thành tích cao, nhưng vẫn thi đấu hết sức mình bất kể kết quả, và vẫn sung sướng, hạnh phúc vì được thi đấu, người ta gọi đó là “thất bại của người hùng”.
Phim về đội thi đấu yếu thế nhất nhưng gây bất ngờ nhất
“Cool Runnings” (Chạy đua - 1993) là một phim phóng tác dựa trên câu chuyện có thật của đội tuyển trượt băng Jamaica (một quốc gia nằm trong vùng biển Caribbe) với khí hậu nhiệt đới, quyết tới tranh tài tại… Thế vận hội Olympic Mùa đông Calgary 1988.
Giống như “Eddie The Eagle”, chuyện phim “Cool Runnings” đề cập tới những vận động viên “dưới cơ” tham gia Thế vận hội. Đó là một nhóm vận động viên thi chạy của Jamaica, họ đã bị đánh trượt trong bài thi tuyển chọn, tranh xuất tham dự Olympic.
Với khát khao mãnh liệt được góp mặt tại cuộc chơi lớn nhất trong giới thể thao, nhóm vận động viên này quyết định chuyển hướng, chinh phục một bộ môn mới, hoàn toàn xa lạ với thể thao Jamaica (một đất nước ở xứ sở nhiệt đới), đó chính là bộ môn trượt xe trên băng.
Khó khăn lớn nhất của đội tuyển “bất đắc dĩ” này chính là kinh phí, họ phải tự lo kinh phí để đến được Calgary, Canada tham dự Olympic. Các vận động viên đã thử đủ mọi cách như hát rong, thi vật tay để có tiền, nhưng tất cả đều vô ích. Cuối cùng, một thành viên trong nhóm buộc phải bán xe để có kinh phí cho nhóm đi thi.
Khi đã đến được Calgary, nhóm vận động viên mới thuê được một cỗ xe trượt băng thực thụ để luyện tập nghiêm túc.
Tại đây, nơi có băng tuyết và xe trượt băng, đội Jamaica bắt đầu luyện tập. Dù vậy, không có gì bất ngờ khi trong ngày đầu tiên thi đấu, đội của họ đứng bét bảng. Sang ngày thi đấu thứ hai, họ vươn lên đứng ở vị trí thứ 8, gây bất ngờ, sửng sốt cho các đội khác vì cú lội ngược dòng.
Trong ngày thi đấu cuối cùng, đội Jamaica tưởng như sẽ phá cả kỷ lục thế giới khi cỗ xe trượt của họ tăng tốc không ngừng, nhưng một tai nạn xảy ra, vì cỗ xe họ thuê được để tham gia cuộc thi chỉ là một cỗ xe cũ, nó không chịu nổi tốc độ quá lớn và cuối cùng một lưỡi dao gắn ở gầm xe bị long ra khiến đội Jamaica không thể hoàn tất phần thi.
Quyết không bỏ cuộc, và mục tiêu cuối cùng là phải bước qua được vạch đích, hoàn tất phần thi, bất kể đứng ở vị trí thứ mấy, đội Jamaica đã nâng cả cỗ xe hỏng của họ lên vai và khiêng qua vạch đích để hoàn thành phần thi. Tinh thần của họ đã khiến khán giả rất cảm động và đứng lên vỗ tay vang dội.
Phim tài liệu hay nhất trong lịch sử thể thao
“Tokyo Olympiad” (Thế vận hội Olympic Tokyo - 1965) là một trong những bộ phim tài liệu thể thao mang tính định hình cho phong cách. “Tokyo Olympiad” khi mới ra mắt đã vấp phải rất nhiều sự chỉ trích của ban tổ chức Olympic, bởi đó là một bộ phim quá lạ lẫm, xa rời thể loại phim tài liệu thể thao thường thấy đương thời.
Dù vậy, thời gian đã chứng minh cho sức nặng của “Tokyo Olympiad”, khi bộ phim được xem như một tác phẩm tiên phong mở đường cho thể loại phim tài liệu thể thao mang đậm tính nghệ thuật - nhân văn. Phim được giới phê bình xem như tác phẩm xuất sắc nhất trong dòng phim tài liệu thể thao.
Tại Thế vận hội Olympic Mùa hè Tokyo 1964, ban tổ chức đã đặt hàng với đạo diễn Kon Ichikawa thực hiện một bộ phim tài liệu để giới thiệu tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước - con người Nhật Bản mới, thời kỳ hậu Thế chiến II. Bộ phim tài liệu được kỳ vọng sẽ là một “phim sử thi” về sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Sau khi bộ phim hoàn tất và đạo diễn Kon Ichikawa gửi tác phẩm tới ban tổ chức, ông đã vấp phải sự phản ứng gay gắt vì bộ phim mà Ichikawa thực hiện hoàn toàn xa rời khỏi những kỳ vọng ban đầu của ban tổ chức, họ cho rằng bộ phim có quá nhiều chất nghệ thuật thay vì bám sát tính thể thao của sự kiện.
Thay vì khắc họa sự kiện với những con số về ngày tháng, thành tích, kỷ lục…, Ichikawa lại khắc họa yếu tố con người, để từ đó làm nổi bật lên tinh thần thể thao ở mỗi vận động viên, ông coi Olympic như một thánh đường tôn vinh sức mạnh và ý chí con người.
Bộ phim đã buộc phải đem về sửa lại cho hợp với ý muốn ban đầu của ban tổ chức, dù vậy, sau này, khi nhìn nhận lại bộ phim, “Tokyo Olympiad” được xem là dấu mốc mới trong lịch sử phim tài liệu, ở đó, Ichikawa hướng đến yếu tố tinh thần của Olympic, yếu tố con người ở các vận động viên, xúc cảm của họ, hơn là chú trọng những con số và kết quả thắng thua.
“Tokyo Olympiad” là một siêu phẩm phim tài liệu thể thao, duy trì sức nặng suốt nhiều thập kỷ. Thực tế, ở kỳ Olympic nào, Ủy ban Olympic Quốc tế và bản thân nước chủ nhà đăng cai tổ chức cũng thực hiện phim tài liệu ghi lại sự kiện, nhưng cho tới nay, chỉ có “Tokyo Olympiad” vươn đến tầm vóc phim tài liệu nghệ thuật đẳng cấp.
Những câu chuyện truyền cảm hứng về những vận động viên, những đội tuyển “dưới cơ” đến thi đấu ở Olympic với tinh thần thể thao cao thượng, bất chấp kết quả thắng thua, đã từng trở thành đề tài cho những bộ phim điện ảnh đầy sức nặng của điện ảnh thế giới.
Giờ đây, khi nước nhà đang nức lòng về xạ thủ huyền thoại Hoàng Xuân Vinh, người đã đem vinh quang về cho màu cờ sắc áo của Tổ quốc, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về một bộ phim điện ảnh ngập tràn cảm xúc kể về sự nghiệp thi đấu của anh - người con đầy tự hào của đất nước.
Ở xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, anh không chỉ có câu chuyện chân thực về nỗ lực vượt qua giới hạn, chiến thắng bản thân, xác lập kỷ lục, đem về vinh quang, mà còn có cả một câu chuyện mang tầm vóc lịch sử đối với nền thể thao nước nhà.
Ở chiến thắng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, ngoài vinh quang và thành tích lịch sử, người ta còn bắt gặp biết bao xúc cảm tự hào. Ở đó, không chỉ có những giọt nước mắt của riêng Hoàng Xuân Vinh, mà còn có biết bao giọt nước mắt của người dân Việt Nam khi lần đầu tiên chứng kiến quốc kỳ đỏ thắm xuất hiện ở vị trí cao nhất và quốc ca vang lên đầy tự hào tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Đó là khoảnh khắc lịch sử đầy tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Một câu chuyện như vậy xứng đáng để nền điện ảnh nước nhà làm phim về anh - xạ thủ Hoàng Xuân Vinh!
Nguồn: Báo Dân trí
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)