Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Viết báo và viết văn đàm phán

Còn nhớ cái chiều hôm ấy, chiều ngày 9/11/1968, sau khi đặt dấu chấm hết cho bài bình luận “Phá bĩnh và láo xược” sẽ đăng số Báo Nhân Dân hôm sau, tôi ra dạo bên gốc sấu lớn trong sân vườn tòa soạn cho thư giãn một chút.

Nhà báo Hà Đăng trong một lần đi tác nghiệp quốc tế. Ảnh do tác giả cung cấp

Chiếc xe Vôn-ga đen của thủ trưởng từ cổng chạy vào, đỗ xịch bên cạnh. Tổng Biên tập Hoàng Tùng xuống xe và ngoắc tôi lại:

- Anh phải chuẩn bị gấp để đi Pa-ri.

- Để làm gì anh?

- Làm phụ tá cho bà Bình.

Làm phụ tá cho bà Bình là làm gì nhỉ? Tin tức báo chí mấy ngày qua đều nói đến việc bà Nguyễn Thị Bình đến Pa-ri ngày 4/11/1968 và đã được đón tiếp như “bà hoàng Việt Cộng”. Bà đến Pa-ri với tư cách đại diện cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam dự Hội nghị trù bị cho Hội nghị bốn bên về Việt Nam sẽ họp chính thức trong những ngày tới. Có nghĩa là đến Pa-ri để đàm phán. Lúc này tôi đang là Phó Trưởng Ban miền Nam Báo Nhân Dân, chuyên viết bình luận về các vấn đề quân sự và chính trị ở miền Nam, nhất là các vấn đề thuộc ngụy quyền Sài Gòn. Về tình hình cuộc đấu tranh của ta ở miền Nam, có thể nói tôi khá thuộc. Nhưng thuộc để viết báo chứ đâu phải để đi đàm phán?

Thế rồi cái gì cần đến đã đến!

Cuối tháng 12/1968, Đoàn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã đến Pa-ri. Trưởng đoàn là đồng chí Trần Bửu Kiếm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Đối ngoại của Ủy Ban Trung ương Mặt trận. Đoàn họp. Lúc bấy giờ tôi mới vỡ lẽ ra là mình được phân công làm nhiệm vụ soạn thảo những bài phát biểu chuẩn bị sẵn của Trưởng đoàn ta.

Viết báo là nghề “vốn dĩ” của mình. Còn viết diễn văn đàm phán lại là nghề “bất đắc dĩ”. Tôi rất băn khoăn. Và đã nhận được lời giải đáp khá đơn giản. Hội nghị Pa-ri ở giai đoạn đầu, chủ yếu vẫn là diễn đàn đấu lý. Phải làm sao nêu rõ được cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là do đâu, và ai là người phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh đó? Ai là kẻ xâm lược, ai là người chống xâm lược? Ai là đại diện chân chính, ai là bù nhìn, tay sai? Trả lời đúng những câu hỏi đó có nghĩa là làm rõ được thực chất của vấn đề miền Nam Việt Nam, cũng là làm rõ lập trường đàm phán và cơ sở của giải pháp.

Là người chấp bút những bài diễn văn chuẩn bị sẵn cho Trưởng đoàn ta, mặc dù được sự chỉ đạo chặt chẽ của ban lãnh đạo đoàn, tôi vẫn cẩn trọng trong xây dựng từng lý lẽ, từng lập luận của mình. Đấu lý thì luận cứ phải chắc chắn, luận chứng phải rõ ràng. Vạch tội kẻ xâm lược hay kẻ bán nước tất phải nói thẳng, nhưng ngôn từ không thể không lịch sự, không dùng lối đao to búa lớn, hạ nhục người ngồi nói chuyện với mình.

Vào những ngày đầu Hội nghị, chúng ta chưa có được những kinh nghiệm như vậy. Những bài phát biểu của Trưởng đoàn ta đã thẳng thừng vạch trần bộ mặt xâm lược của Mỹ, tội bán nước, làm bù nhìn, tay sai của chính quyền Sài Gòn. Hai chữ bù nhìn, tay sai khiến cho đoàn chính quyền Sài Gòn phản ứng dữ dội. Nhưng trong đoàn ta, một số đồng chí vẫn chưa hài lòng. Có lần, chị Đỗ Thị Duy Liên, Ủy viên đoàn (sau này là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) nói với tôi:

- Anh viết hiền lành quá. Phải viết làm sao cho thằng ngụy nó đau vào! Chị đưa cho tôi hai bài báo mà trước khi đi Pa-ri, chị đã cắt từ Báo Nhân Dân. Bài thứ nhất “Mười tội chết của bọn Thiệu - Kỳ”. Bài thứ hai “Thằng Kỳ”. Chị nói:

- Anh tham khảo hai bài này. Viết thế mới sắc sảo chứ.

Thì ra, đó là hai bài báo mà tôi là tác giả khi còn ở Hà Nội. Hai bài báo đó đã vạch tới số tội bán nước hại dân và thái độ hiếu chiến của Thiệu - Kỳ. Về tội thứ nhất “Rước giặc Mỹ vào xâm lược miền Nam nước ta”, có đoạn viết: “Trước sự quỳ lưng uốn gối của bọn Thiệu - Kỳ, hai năm qua, hơn nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu đã gây ra những tội ác “trời không dung, đất không tha, người người đều căm giận”, ở miền Nam nước ta”.

Tôi nói vui với chị:

- “Viết kiểu này là viết báo, tay nghề của tôi. Nhưng chúng ta đang viết văn đàm phán cơ mà”.

Một lần khác, trong dự thảo lần thứ ba bài phát biểu của Trưởng đoàn ta có câu: “Tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn dẫu có dốc hết nước sông Cửu Long cũng không rửa sạch”. Nghĩ đến người chấp bút vốn là nhà báo, một số anh chị em lại chê: Đây là văn báo chứ không phải văn đàm phán!

Tôi lắng nghe. Và nhớ đến một câu trong Bình Ngô Đại Cáo vạch tội giặc Minh: Dẫu có “Tát cạn nước Đông Hải, cũng không rửa sạch hôi tanh.../ Chặt hết trúc Nam Sơn, khó ghi đầy tội ác”.

Tôi giở bản gốc của dự thảo 2, vốn đã được đoàn thông qua, và nói: Câu này là do anh Sáu (Lê Đức Thọ) thêm vào chứ tôi đâu dám tự tiện (thời gian đầu, những bài phát biểu của Trưởng đoàn miền Nam thường được gửi để các đồng chí Xuân Thủy và Lê Đức Thọ xem lại).

Những người trót chê liền đổi giọng: Ừ, nghĩ kỹ cũng hay nhỉ!

Viết văn đàm phán là thế đó. Cũng trần ai lắm chứ. Có lần, anh Lý Văn Sáu được phân công giúp tôi viết một bài. Anh là người phát ngôn của Đoàn, trả lời báo chí trong các cuộc họp báo sau mỗi phiên Hội nghị. Anh rất linh hoạt.

Có nhà báo Pháp hỏi: “Ông nghĩ gì về việc Trưởng đoàn Sài Gòn khoe khoang bản chất tốt đẹp của chính quyền họ?”. Lý Văn Sáu liền đáp: “Con lạc đà chui qua lỗ trôn kim còn dễ hơn chính quyền Sài Gòn tự cho là mình độc lập, yêu nước”. Có tiếng cười trong phòng họp. Đây là một câu trong Kinh Thánh.

Lần khác, dường như có ý kiến khiêu khích, một nhà báo Mỹ đưa ra một tấm bản đồ khá lớn và hỏi: “Mặt trận của các ông thường khoe là kiểm soát tới hai phần ba lãnh thổ Nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này, các vùng giải phóng đó ở đâu?”.

Lý Văn Sáu trả lời ngay: “Xin ông đọc thông báo quân sự của Mỹ ngày hôm nay xem họ ném bom nơi nào ở miền Nam, những nơi ấy là vùng giải phóng của chúng tôi đấy!”. Nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng. Hôm đó, máy bay Mỹ ném bom dữ dội vùng Củ Chi, ngay ngoại vi Sài Gòn!

Lý Văn Sáu giỏi như thế, nhưng khi nhận viết diễn văn đàm phán, thì chính anh cũng gặp phải khó khăn như tôi lúc ban đầu.

Tôi đem câu chuyện viết văn đàm phán ấy, nói với Bộ trưởng Xuân Thủy mong được giãi bày khúc mắc của mình. Anh Xuân Thủy mỉm cười ý nhị. Anh không “đả thông” gì mà chỉ đọc cho nghe mấy câu thơ trong một bài thơ của anh gửi Sóng Hồng (tức đồng chí Trường Chinh) trước đó:

Cái nghiệp văn chương vốn thế thôi
Viết đi viết lại vẫn chưa rồi
Người giao anh viết: Anh là thánh
Anh viết, người chê: dốt nhất đời.


Sóng Hồng họa lại:
Đấu lý bao giờ cũng thế thôi
Nói đi nói lại vẫn chưa rồi
Chiến trường ta diệt thêm nhiều địch
Đế quốc rồi đây sẽ hết đời.

Với chuyện thơ nói trên, anh Xuân Thủy có ý nhắc nhở tôi: Đấu lý là rất quan trọng nhưng đánh đổ kẻ địch không thể bằng các cuộc đấu lý mà phải bằng toàn bộ cuộc chiến đấu của chúng ta, trên chiến trường và tại bàn đàm phán.

Câu chuyện về đấu lý tôi kể lại trên đây đã diễn ra trong mùa Xuân Kỷ Dậu 1969, cách đây vừa đúng 48 năm. Liệu có ích gì không cho các bạn làm báo?

Hà Đăng
(Xuân Đinh Dậu 2017)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.