Tháng bảy về thăm lăng cụ Đồ Chiểu

19:02 03/07/2016 - Văn hóa xã hội
Để tưởng nhớ nhà thơ tài hoa Nguyễn Đình Chiểu, hằng năm, Bến Tre đều long trọng tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của ông, đây cũng là Lễ hội văn hóa tỉnh Bến Tre. Năm 2016 là kỷ niệm 194 năm ngày sinh (1/7/1822), 128 năm ngày mất (3/7/1888) của cụ và là lần thứ 24 Bến Tre tổ chức Lễ hội văn hóa (ngày 1/7).

Lăng mộ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu được Nhân dân cùng Chính quyền tỉnh Bến Tre xây dựng khang trang tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. 

 Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sẽ tưng bừng diễn ra từ ngày 1/7 đến 3/7/2016 tại Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri (do UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp  với UBND huyện Ba Tri tổ chức)

Khu lăng mộ tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000, gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972.

Trước lăng mộ là một nhà tứ giác với hai mái chồng, lợp ngói âm dương màu xanh. Giữa đặt một tấm bia kể sơ lược tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu.

Chính điện là công trình kiến trúc khang trang, hình khối lăng trụ với ba tầng lợp ngói âm dương xanh, đầu vút cong lên dáng thanh thoát.

Trong chính điện có tượng bán thân của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, hai bên cột có chạm khắc hai câu thơ bất hủ của cụ Đồ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Phía sau chính điện là khu nhà tưởng niệm - nơi lưu giữ những hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp cụ Đồ Chiểu.

Phần mộ của cụ Đồ với phu nhân nằm bên khu lưu niệm. Trong phần mộ có nơi yên nghỉ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái của nhà thơ, bà là một trong những nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng vào đầu thế kỷ trước.

Toàn thể công trình của khu lăng mộ được bố trí hài hòa trong không gian xanh với những khoảng sân vườn rộng trồng nhiều loại cây cảnh, đem lại cảm giác thư thái cho người thăm viếng.

Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam do ông Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dẫn đầu thắp hương nhân kỷ niệm 194 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2016)

 

Nguyễn Đình Chiểu khi đi dạy học gọi là cụ Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộcTP.HCM). Cha là Nguyễn Đình Huy, người làng Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, là Thơ lại Văn Hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người Gia Định. Ông là con trưởng trong gia đình đông anh em.

Năm 1843, ông thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông ra Huế học chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (năm 1849), nhưng chưa thi hay tin mẹ mất. Trên đường về quê chịu tang mẹ, vì quá lo buồn, ông lâm bệnh và mù cả hai mắt. Khi ba tỉnh miền Đông Nam kỳ rơi vào tay Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, ông cùng gia đình về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre sinh sống. Tại đây, ông dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, sáng tác thơ văn và qua đời ngày 3/7/1888.

Tác phẩm chính của ông gồm:

- Lục Vân Tiên (truyện thơ Nôm, bắt đầu soạn khoảng 1851),
- Dương Từ - Hà Mậu (truyện thơ Nôm, bắt đầu soạn khoảng 1854).

- Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca (Ngư tiều y thuật vấn đáp, 1867),

Ngoài ra, ông còn để lại khoảng 37 bài thơ và văn tế, trong số đó có nhiều bài nổi tiếng, như:

- Chạy giặc (1859)
- Từ biệt cố nhân (1859)
- Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn (tức Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, 1861)
- Mười hai bài thơ và bài văn tế Tướng quân Trương Định (1864)
- Thơ điếu Đông các Đại học sĩ Phan Thanh Giản (2 bài, 1867)
- Mười bài thơ điếu Ba Tri Đốc binh Phan Tòng (1868)
- Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn
- Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây
- Thảo thử hịch
- Ngóng gió đông
- Thà đui, v.v...

 

Thái Sơn

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top