Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Truyền thông góp công lớn dẹp đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Trong thành công của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đập tan âm mưu đảo chính vừa qua, có đóng góp quan trọng của giới truyền thông, khi kịp thời truyền đi hình ảnh và lời hiệu triệu của Tổng thống R.Erdogan tới người dân đúng thời điểm cam go nhất. Kế hoạch hoàn hảo của nhóm đảo chính đã không lường trước sức mạnh của các mạng xã hội và truyền hình tư nhân ở nước này.

Hình ảnh Tổng thống R.Erdogan xuất hiện qua FaceTime với lời kêu gọi phản đối đảo chính. Ảnh:TL

Kế hoạch tưởng chừng hoàn hảo

Vụ đảo chính bất thành đêm 15/7, không phải lần đầu xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và đã được lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Theo các nhà nghiên cứu chiến lược quân sự ở Istanbul, kế hoạch đảo chính được tính toán rất cẩn thận và bài bản, thực hiện vào đêm cuối tuần và trúng thời điểm Tổng thống R.Erdogan đang có chuyến nghỉ tại khách sạn bên bờ Địa Trung Hải. Tham gia lực lượng đảo chính có nhiều sĩ quan quân đội cấp cao, từ các đơn vị biệt kích, bộ binh và không quân. Đảo chính đồng thời khởi phát từ cả Thủ đô Ankara và thành phố Istanbul lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.

Diễn biến đảo chính rất nhanh và hầu như không sai sót. Ngay sau khi các nhóm binh sĩ chặn cây cầu ở Istanbul vắt qua eo biển Bosphorus, ranh giới giữa các vùng lãnh thổ châu Á và châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, xe tăng của quân đội bắt đầu tràn ra đường phố, chiếm giữ và đóng cửa các sân bay chính, trong khi máy bay quần thảo trên bầu trời, kèm theo tiếng súng nổ bên ngoài dinh Tổng thống, bom nổ tại trụ sở Quốc hội, Cơ quan tình báo. Hàng loạt tuyến đường chính bị phong tỏa, các chốt kiểm soát được lực lượng đảo chính lập nên tại các ngã tư trọng yếu và sân bay ở Istanbul, trong khi trực thăng liên tục vần vũ bầu trời bên trên trụ sở cảnh sát ở Ankara... Đài Truyền hình quốc gia TRT phát đi tuyên bố của “Hội đồng Hòa bình quốc gia” nói rằng, chính quyền chính trị đã mất tính hợp pháp và quân đội đã giành quyền điều hành đất nước nhằm duy trì trật tự dân chủ và nền pháp trị. Kèm theo tuyên bố đảo chính là lệnh thiết quân luật được áp đặt.

Không khí hoang mang, hỗn loạn bao trùm khắp Ankara và Istanbul, khi quân đội tuyên bố lật đổ chính phủ, trong khi Tổng thống R.Erdogan phải đến vài giờ sau đó mới trở về Istanbul và liên tiếp có hai bài phát biểu nhằm trấn an người dân, khẳng định Chính phủ vẫn kiểm soát đất nước và cam kết trừng phạt những kẻ tiến hành đảo chính. Nhiều người vẫn hoảng loạn cho tới khi hình ảnh ông R.Erdogan được phát trên truyền hình, xuất hiện cùng đông đảo người ủng hộ bên ngoài sân bay ở Istanbul và kêu gọi người dân xuống đường phản đối âm mưu lật đổ Chính phủ dân bầu.

Nhìn lại các diễn biến trong vụ đảo chính, không ít ý kiến đánh giá đây là một “kế hoạch hoàn hảo”. Nhưng, giới chuyên gia quân sự cho rằng, dù tính toán kỹ lưỡng, nhưng đây vẫn là các chiến lược, chiến thuật cũ, được áp dụng từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Với mục tiêu tuyên truyền, phe đảo chính vẫn chỉ nhắm tới chiếm cơ quan truyền thông Nhà nước, hay các kênh truyền hình lớn, mà không tính đến các hình thức và tổ chức thông tin liên lạc khác, như mạng truyền thông xã hội. Đây có thể là một phần những yếu tố khiến đảo chính bất thành.

Cuộc gọi quyết định

Thời khắc lập bập đọc tuyên bố của phe đảo chính khi những họng súng chĩa thẳng vào mình là cơn ác mộng với nữ phát thanh viên Tijen Karas của TRT. Và những biên tập viên của kênh CNN Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể quên những giờ phút quân đảo chính tiến công, chiếm trường quay và buộc kênh này ngừng phát sóng trong một khoảng thời gian. Riêng với nữ phóng viên Hande Firat của CNN Thổ Nhĩ Kỳ, giây phút kết nối thành công và truyền phát hình ảnh Tổng thống R.Erdogan tới người dân, từ chính chiếc “điện thoại thông minh” của mình là dấu mốc đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Tổng thống R.Erdogan, khi đó đang trong khách sạn ở khu nghỉ dưỡng Marmaris bên bờ Địa Trung Hải, rất cần lên truyền hình để thông báo cho 80 triệu dân Thổ Nhĩ Kỳ biết mình vẫn an toàn và đang đối mặt với “canh bạc lớn” trong sự nghiệp chính trị. Trợ lý của Tổng thống nói với Firat rằng, ông R.Erdogan sẽ sớm tuyên bố trước người dân. Một giờ sau, Firat vẫn không nhận được tuyên bố nào; và cô không biết khách sạn nơi ông Erdogan ở đã bị hai trực thăng bắn phá chỉ vài chục phút sau khi Tổng thống rời đi. 

Ngay sau đó, Thủ tướng Binalu Yildrim cũng đăng tải trên mạng xã hội Twitter thông điệp nhấn mạnh Chính phủ vẫn nắm quyền điều hành đất nước. Hình ảnh Tổng thống R.Erdogan xuất hiện qua FaceTime với lời kêu gọi phản đối đảo chính, như liều thuốc kịp thời, khích lệ người dân giữa lúc những chiếc xe tăng vẫn đang nghiến nát các con đường, các máy bay chiến đấu gầm rú trên bầu trời thành phố. Được truyền cảm hứng từ các thông điệp ủng hộ Chính phủ trên mạng xã hội, lại tận mắt thấy Tổng thống bình an trên sóng truyền hình, hàng chục, hàng trăm nghìn người đã gạt đi nỗi sợ hãi để xuống đường ngăn chặn lực lượng nổi dậy.

Không thể phủ nhận cú gọi FaceTime của ông R.Erdogan góp công lớn vào nỗ lực nhanh chóng đập tan âm mưu đảo chính vừa qua. Diễn biến đảo chính không chỉ được truyền phát bằng hình ảnh từ điện thoại, sau đó còn được phát trực tiếp trên Facebook, phương tiện truyền thông mà phe đảo chính khi đó chưa kiểm soát được. Thường bị chỉ trích “thiếu thân thiện” với mạng xã hội và từng dọa “đóng cửa” Twitter ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trong thời điểm có tính sống còn, Tổng thống R.Erdogan đã sử dụng chính truyền thông xã hội để truyền đi lời kêu gọi người dân xuống đường. Việc này được đánh giá mang ý nghĩa biểu tượng cao, giúp thu hút đông đảo người trẻ ủng hộ.

Chính phủ của Tổng thống R.Erdogan cũng là tâm điểm chỉ trích vì mạnh tay với báo chí phê bình và chống đối. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, hình ảnh nền tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi trong hơn một thập niên ông Erdogan làm Thủ tướng, rồi Tổng thống. Giới quan sát hy vọng, sau biến cố lần này, thực tế nêu trên sẽ được cải thiện. Sau đảo chính, Thủ tướng Binalu Yildrim ca ngợi truyền thông đã thể hiện lòng yêu nước, đứng về phía người dân nhằm duy trì nền dân chủ và ổn định xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ

Chu Hồng Thắng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.