Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Trách nhiệm của báo chí đối với chính trị

Ngay từ khi mới ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã công khai thừa nhận tính giai cấp, tính Đảng, tính chính trị. Trong hai cuộc kháng chiến, báo chí cách mạng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, vai trò, trách nhiệm của báo chí với chính trị lại càng cần được chú trọng hơn bao giờ hết.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh minh họa: Nguồn VGP

Khi nói về trách nhiệm chính trị của báo chí - thực chất là nói đến trách nhiệm, năng lực của báo chí truyền thông trong việc thực hiện sứ mệnh là phương tiện, công cụ của Đảng, Nhà nước nói chung, của từng nhân tố trong hệ thống chính trị Việt Nam nói riêng trong các hoạt động giành, giữ và sử dụng quyền lực Nhà nước. Trong thời đại ngày nay, báo chí thực hiện trách nhiệm chính trị của mình thông qua các nhiệm vụ.

Thứ nhất, báo chí hỗ trợ đắc lực Đảng, Nhà nước trong công tác lãnh đạo, quản lý đất nước. Báo chí Việt Nam ngay từ khi ra đời đến nay, luôn là công cụ, phương tiện hỗ trợ đắc lực cho các nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Báo chí từ lâu đã không chỉ là điều kiện cần, mà đã trở thành nội dung các quyết định của công tác lãnh đạo, quản lý. Qua báo chí, Đảng, Nhà nước nắm bắt kịp thời thực tiễn lao động sản xuất của các tổ chức, cá nhân, của các bộ, ban, ngành, đoàn thể với những đòi hỏi, thách thức, những biểu hiện tích cực và tiêu cực; nắm bắt xu thế vận động khách quan của thời đại; nắm bắt dư luận xã hội, ý chí, nguyện vọng, tinh thần... của quần chúng nhân dân, từ đó, đổi mới, sửa đổi chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Gần đây, ý kiến của nhân dân về dự thảo xử phạt xe không chính chủ, về dự án chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội, về sân bay Long Thành, về dự án lấp sông Đồng Nai... được phản ánh sâu rộng trên báo chí, đã góp những tiếng nói mạnh mẽ, có trọng lượng để các cơ quan chức năng điều chỉnh các quyết định, các chính sách.

Thứ hai, báo chí tích cực truyền bá quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Gìn giữ và củng cố hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho hệ tư tưởng này trở thành chủ đạo trong đại bộ phận quần chúng nhân dân là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của chế độ và vận mệnh dân tộc. Những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng như Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những ngày lễ trọng đại như Ngày thành lập Đảng, Quốc khánh, Giải phóng Thủ đô, kỷ niệm ngày sinh nhật C.Mác, Ănghen, Lênin, Hồ Chí Minh... là dịp báo chí cùng cả nước ôn lại những tư tưởng chính trị cách mạng vĩ đại. Tuyên truyền sâu rộng, lặp đi lặp lại như “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp với phân tích, giải thích, động viên là phương thức đúng đắn mà báo chí đã làm, giúp hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành hệ tư tưởng chính thống của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, kịp thời thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Hầu như tất cả các dự thảo luật quan trọng, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành... đều được công khai thông tin trên báo chí. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 rồi đến toàn văn Hiến pháp sửa đổi, Luật biển đảo, Nghị định xử phạt xe không chính chủ, Đề án quy hoạch báo chí, Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, Chương trình xây dựng nông thôn mới, các quyết sách quan trọng của Bộ Giáo dục, Bộ Y tế... đều được thông tin kịp thời, chính xác, đa chiều đến quần chúng nhân dân, giúp họ nắm bắt thông tin, thấm nhuần và tự giác thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo. Không những thế, nhân dân còn có thể đóng góp ý kiến, phản biện các dự thảo luật, các chính sách, giúp Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, ban hành mới sao cho sát hợp với quy luật phát triển và ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Thứ tư, báo chí giúp công chúng nhận thức đúng đắn các hiện tượng, bản chất, sự kiện đang diễn ra trong xã hội. Báo chí là một trường học rộng lớn, một kho tàng tri thức khổng lồ về xã hội, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, tri thức chính trị... Thông tin báo chí được kiểm chứng, đa dạng, phong phú, hấp dẫn, sinh động về mọi lĩnh vực, mọi vấn đề. Các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam; phong trào thi đua, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; các chiến dịch truyền thông về văn hoá giao thông, chiến dịch tình nguyện hè, hiến máu nhân đạo... do báo chí phát động hoặc đăng tải đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân nhiều năm qua, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng, từ đó, họ thay đổi hành vi phù hợp với luật pháp, với các giá trị đạo đức và quy luật phát triển xã hội.

Thứ năm, báo chí tham gia đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Công chúng được tiếp cận với nhiều bài viết đanh thép, giàu tính khoa học và trí tuệ, lột trần bản chất sai trái, núp bóng tôn giáo, dân chủ của các phần tử quá khích ở giáo xứ Thái Hà, ở thành phố Đồng Hới, ở Tây Nguyên... Nhiều bài viết đã đi vào trái tim, khối óc của hàng triệu độc giả như Trái với chức phận, đi ngược lại lợi ích dân tộc (Quân đội Nhân dân), Gửi ông không muốn làm người Việt (Thanh niên)... Báo chí giúp người dân nhận thức rõ hành vi sai trái của các đối tượng, nắm được biện pháp xử lý, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước; đồng thời, cảnh báo, răn đe những hành vi tương tự có thể xảy ra.

Thứ sáu, tham gia giám sát và phản biện xã hội. Báo chí thực hiện năng lực giám sát xã hội thông qua tai mắt của nhân dân, thông qua dư luận xã hội. Thời gian qua, báo chí đã phát hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, như vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU 18; Cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn chia chác hàng chục mảnh đất hàng tỷ đồng cùng bản án sơ thẩm “nhẹ như lông hồng”; Vấn đề nhà công vụ biến thành nhà tư; Vụ “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi cùng đồng bọn; Vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (đề án 112); Công ty VEDAN và hóa chất Lâm Thao xả nước thải; vụ án Vinalines...

Cùng với việc trực tiếp giám sát, báo chí trở thành diễn đàn để tất cả mọi công dân, tổ chức... thể hiện quyền giám sát và phản biện xã hội, giải quyết các vấn đề chung của đất nước. Nhờ báo chí, nhân dân được bày tỏ quan điểm, ý kiến, thể hiện tài năng, tâm huyết, trí tuệ, tham gia vào các tiến trình xã hội, giải quyết nhiều vấn đề chung của đất nước. Để giúp báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đối với chính trị, Đảng, hệ thống chính trị đã có những tác động trở lại với báo chí. Cụ thể: Đảng định hướng chính trị, định hướng thông tin, lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí truyền thông; Nhà nước quản lý báo chí - truyền thông: xây dựng Luật và các văn bản dưới luật về báo chí truyền thông; quản lý nội dung thông tin; khen thưởng, xử phạt; cấp và thu hồi giấy phép hoạt động, thẻ nhà báo; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông...; Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về đường lối, chính sách và tình hình thực tiễn cho báo chí - truyền thông...

Tóm lại, có thể nói, sự ổn định về chính trị ở nước ta, nhận thức chính trị, thái độ chính trị và hành vi chính trị đạt đến độ thống nhất cao của nhân dân ta là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động tích cực của báo chí truyền thông đến đời sống chính trị Việt Nam. Và ngược lại, báo chí nước ta nhờ thể chế chính trị tự do, công bằng, tiến bộ của Đảng, hệ thống chính trị, đã có những phát triển với nhiều thành tựu đáng tự hào./.

Trương Thị Kiên (Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông)

Tạp chí Người Làm Báo số 382 - Tháng 12/2015

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top