Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Thực hiện phóng sự trong chương trình thời sự truyền hình

Trong chương trình thời sự truyền hình, phóng sự luôn giữ vị trí rất quan trọng. Đó là những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống, có sức nặng về thông tin và tạo ra những tác động đối với đời sống xã hội. Các phóng sự thời sự truyền hình có thời lượng ngắn, thực hiện trong điều kiện thời gian có hạn để bảo đảm tính thời sự, nên việc tổ chức thực hiện không đơn giản. làm thế nào để có những phóng sự hấp dẫn, đậm tính tư tưởng, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội luôn là yêu cầu đặt ra đối với mỗi phóng viên, nhà báo.

Xây dựng đề cương phóng sự trước khi tác nghiệp

Đề cương phóng sự là yêu cầu quan trọng trước khi phóng viên ra hiện trường tác nghiệp. Đọc đề cương, phóng viên, quay phim và người làm công tác biên tập, tổ chức sản xuất hiểu được thông điệp chính mà phóng viên định đề cập. Đây chính là cơ sở cho việc khai thác chi tiết hiệu quả đối với phóng viên quay phim.

Các phóng sự thời sự phản ánh những vấn đề nóng hổi được nhiều người quan tâm, nên việc xây dựng đề cương nhiều khi gấp gáp. Không những thế, phóng viên cũng chưa có điều kiện để đi “tiền trạm” hoặc chưa hiểu sâu về vấn đề. Có những trường hợp, vì sức ép về thời gian nên đề cương mới chỉ phác thảo và trao đổi miệng với phóng viên quay phim. Cũng có khi xuống hiện trường, thực tế vấn đề không như trong dự kiến từ đề cương. Đó luôn là một thách thức cho sự phối hợp hiệu quả giữa nhóm phóng viên. Trong những trường hợp đó, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, phóng viên lại phải tiếp tục tư duy và phối hợp công việc để xây dựng đề cương phóng sự tốt nhất.

Sử dụng chi tiết hiệu quả

Phóng viên thời sự thường tác nghiệp theo nhóm, gồm biên tập và quay phim. Vấn đề đang tồn tại trong tác nghiệp nhóm hiện nay đó là sự phối hợp có lúc chưa ăn ý. Phóng viên quay phim hiểu chủ đề của tác phẩm và tự do sáng tạo để “săn tìm” những chi tiết hình ảnh đắt giá. Tuy nhiên, trong quá trình ấy, biên tập viên không bám sát, không phối hợp để cùng tham gia vào tìm kiếm chi tiết sẽ dễ lỡ mất những chi tiết hình ảnh tốt.

Muốn khai thác chi tiết tốt, đối với phóng sự truyền hình, cần chú ý những yêu cầu:
Khai thác chi tiết phải chú ý tới sự mới lạ; luôn chú ý tới khả năng biểu đạt thông tin của chi tiết; phải khai thác những chi tiết gần gũi với đời sống và mang tính thời sự; không quên việc kiểm tra, thẩm định khi khai thác chi tiết.

Lựa chọn chi tiết nào đưa vào phóng sự không hề đơn giản. Để chọn được những chi tiết tốt cần phải thường xuyên thẩm định, sàng lọc để phân tích, chọn lựa phương án tối ưu nhất đối với những chi tiết đang có. Không thể có cách nào khác tốt hơn việc nhà báo phải tư duy trên vốn hiểu biết và kinh nghiệm nghề nghiệp cùng độ nhạy cảm để xem xét, đánh giá chi tiết nào là quan trọng và có ý nghĩa với câu chuyện mình đang kể, thường xuyên “đóng vai” là người xem truyền hình để tự thẩm định xem liệu sử dụng những chi tiết đó có đủ sức lay động và thuyết phục người xem.

Việc sắp xếp chi tiết là cách phóng viên xâu chuỗi những chi tiết đã có được trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường. Để thông điệp của phóng sự rõ nét, những chi tiết quan trọng nhất, đắt giá nhất, có sức mạnh nhất nên đưa ngay vào đầu phóng sự, ngay sau lời dẫn. Chi tiết đầu tiên ấy phải ngay lập tức gây ấn tượng hoặc phải lột tả được mức độ cao nhất lượng thông tin. Có thể đó là chi tiết hình, với những hình toàn cảnh, hay cận cảnh, đặc tả về khung cảnh, về sự vật, hoặc về nhân vật; cũng có khi nó là một trạng thái tình cảm, một xúc cảm của con người. Thậm chí trong nhiều trường hợp, chi tiết đầu tiên, quan trọng nhất không phải là hình ảnh mà là chi tiết âm thanh tiếng động.

Thực hiện các cuộc phỏng vấn

Phỏng vấn luôn là yêu cầu đặt ra khi phóng viên thực hiện các phóng sự thời sự. Phỏng vấn để lấy thông tin; phỏng vấn nhân chứng; phỏng vấn chuyên gia; phỏng vấn người chịu trách nhiệm về vấn đề... Bất cứ phóng viên nào cũng đều rất quen thuộc với công việc này khi làm phóng sự. Với phóng sự thời sự, do thời lượng ngắn, điều kiện tác nghiệp gấp, nên việc phỏng vấn cũng cần một số chú ý:

Chuẩn bị trước các câu hỏi theo góc tiếp cận của vấn đề trong đề cương kịch bản với suy nghĩ thông tin gì mà công chúng đang muốn biết từ người trả lời phỏng vấn. Sử dụng các câu hỏi “tại sao?”, “như thế nào?” hơn là việc sử dụng các câu hỏi “có” hoặc “không”(1) nên bị quá ràng buộc bởi một góc tiếp cận khi phóng viên phát hiện ra góc tiếp cận khác hiệu. Tuy nhiên không nên bị quá ràng buộc bởi một góc tiếp cận khi phóng viên phát hiện ra góc tiếp cận khác hiệu quả hơn.

Người phỏng vấn cần đưa ra những câu hỏi ngắn, đặt từng câu hỏi một, đi thẳng vào vấn đề, câu quan trọng nhất hỏi trước. Không để người trả lời phỏng vấn lảng tránh sang nội dung khác. Cũng cần liên tục suy nghĩ trong quá trình phỏng vấn, nghe kỹ câu trả lời để đặt câu hỏi tiếp theo.

Dẫn tại hiện trường và khéo sử dụng âm thanh, tiếng động

Đối với phóng sự thời sự, việc dẫn hiện trường của phóng viên là việc làm thường xuyên và ngày càng phổ biến. Phóng viên xuất hiện trong khuôn hình làm tăng độ tin cậy của công chúng đối với thông tin được nêu ra. Không những cung cấp thông tin qua lời nói mà cử chỉ, điệu bộ, cảm xúc của phóng viên cũng tự nó “âm thầm” truyền tải thêm những nội dung thông tin, góp phần gửi thông điệp chính của phóng sự. Sự xuất hiện ấy cũng tạo nên sự sống động, gần gũi với hiện thực đời sống của công chúng.

Việc dẫn tại hiện trường càng trở nên hiệu quả hơn trong những hoàn cảnh của hiện trường thảm họa, những địa bàn xa xôi, cách trở, khó tiếp cận.

Sự xuất hiện của phóng viên trong khuôn hình còn chứa đựng thông điệp từ “cái tôi cảm xúc của phóng viên”. Công chúng có thể cảm nhận được nỗi đau thương qua cảm xúc của phóng viên khi đưa thông tin về hiện trường thảm họa; hay cùng hòa vào niềm hân hoan của phóng viên khi nói về điện lưới quốc gia tới xã đảo...

Trong tác phẩm báo chí truyền hình, yếu tố hình ảnh có tính chất quyết định đến giá trị của tác phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng khéo léo những chi tiết về âm thanh, tiếng động sẽ góp phần nâng cao chất lượng của tác phẩm. Âm thanh, tiếng động của phóng sự truyền hình bao gồm phần lời bình do phóng viên đọc; lời nói của nhân vật; lời nói của phóng viên can dự trong sự kiện; âm thanh, tiếng động tại hiện trường nơi ghi hình; âm nhạc xử lý ở phần hậu kỳ.

Lời bình của phóng sự được thể hiện dưới dạng văn nói, câu ngắn, dễ hiểu. Đó là phần lời thoại nói theo hình, làm rõ nghĩa thêm cho ngôn ngữ hình ảnh. Lời bình nên do chính phóng viên đọc để truyền đạt được cảm xúc của tác giả(2)

Đối với lời thoại của nhân vật, việc sử dụng có tầm quan trọng đặc biệt với phóng sự. Đó là những con người của hiện thực khách quan, là nhân chứng của câu chuyện để cung cấp thêm thông tin cho tác phẩm. Trong nhiều trường hợp không thể có hình ảnh minh họa, không thể phỏng vấn, thì những âm thanh, lời nói của các nhân vật là những chi tiết chứa đựng thông tin nhiều nhất (ví dụ lời thoại của người bán chất cấm sử dụng trong thực phẩm ngoài chợ; lời của người buôn bán ngoại tệ trái phép...)

Đã là phóng sự thời sự truyền hình thì âm thanh, tiếng động đều phải được lấy từ hiện trường. Âm thanh và tiếng động hiện trường này có thể được dùng làm yếu tố chủ chốt trong nhiều trường hợp, nhất là khi không thể có được đầy đủ những hình ảnh cần thiết theo mong muốn. Ví dụ, với phóng sự về tình trạng phá rừng, do ghi hình vào trời tối, người xem không thấy được bối cảnh của sự việc, nhưng những âm thanh lớn từ những chiếc cưa máy đã cho thấy quy mô của việc phá rừng như thế nào.

Nhiều trường đoạn hình ảnh mà tiếng động nền từ hiện trường không có giá trị so với việc đưa âm nhạc vào, nên phóng viên cân nhắc sử dụng âm nhạc phù hợp nhằm tăng hiệu quả tác động vào cảm xúc của người xem. Thường thì khi nào cần tạo sự sâu lắng, khơi gợi sự suy tư cho người xem nên dùng nhạc, hoặc khi sử dụng hình ảnh tư liệu không có tiếng nền, âm nhạc sẽ làm cho đỡ khô khan, hoặc giảm độ “chênh” về âm thanh so với các đoạn có tiếng nền. Âm nhạc phù hợp với nội dung sẽ làm tăng hiệu quả của phóng sự, nhưng cũng chỉ là yếu tố phụ.

Sử dụng đồ họa khi cần thiết

Việc sử dụng hình ảnh đồ họa rất có giá trị với các phóng sự về đề tài kinh tế, tài chính. Những con số, tốc độ tăng trưởng sẽ trở nên dễ nhớ, dễ hiểu đối với khán giả hơn nếu được mô tả bằng. biểu đồ.

Những sự việc đã xảy ra nhưng không thể ghi hình được, đòi hỏi phải sử dụng đồ họa. Ví dụ, phác họa diễn biến các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu trong các phóng sự vừa qua, các phóng viên đã sử dụng rất nhiều hình ảnh đồ họa. Bằng cách này, công chúng có được cái nhìn đầy đủ, toàn cảnh về bối cảnh sự việc.

Bên cạnh đó, mô tả diễn biến của các cơn bão, các thảm họa thiên nhiên mà camera không thể thực hiện được việc sử dụng hình ảnh đồ họa là hết sức cần thiết.

Khi thực hiện phóng sự về các địa bàn xa xôi, các đảo ít người biết, hệ thống giao thông, hệ thống sông ngòi, vùng phát triển kinh tế, diễn tiến những trận đánh trong chiến tranh...các phóng viên thường sử dụng đồ họa bằng bản đồ. Với kỹ thuật đồ họa, hình ảnh động, màu sắc thay đổi khiến màn hình trở nên sinh động, dễ hiểu hơn.

Cũng có trường hợp, việc sử dụng chi tiết đồ họa nhằm để hình tượng hóa vấn đề, tăng thêm xúc cảm và khả năng tác động của thông tin đến công chúng. Chẳng hạn khi triển khai phóng sự về Tình trạng thu tiền người bệnh ở các phòng khám tư, phóng viên đã kết thúc phóng sự bằng hình ảnh đồ họa một chiếc cân với 2 bàn cân, một bên là y đức và một bên là lợi nhuận.

Tổ chức thực hiện một phóng sự trong chương trình thời sự bao gồm nhiều khâu công việc. Làm việc trong điều kiện hạn hẹp về thời gian, khắt khe về thời lượng, yêu cầu cao về chất lượng trong các phóng sự thời sự, mỗi phóng viên đều phải tích lũy cho mình những kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp và vốn sống riêng. Để có những phóng sự hay, hấp dẫn công chúng, có sức lan tỏa xã hội là cả một quá trình liên tục tìm tòi, sáng tạo, tư duy không ngừng của đội ngũ phóng viên và theo thời gian nó sẽ trở thành những phong cách riêng của mỗi nhà báo khi làm phóng sự thời sự.

--

(1) Hội đồng Anh, Thông Tấn xã ViệtNam, Cẩm nang Medianet - Cơ hội nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng báo chí cho các phóng viên và nhà báo trẻ, tr.45.
(2) Nguyễn Thị Thu Hiền (2011), Nâng cao chất lượng chương trình thờisự của Đài truyền hình Việt Nam, (Luận văn thạc sỹ báo chí - Học viện báo chí và tuyên truyền,Hà Nội), tr.23.


ThS. Nguyễn Thế Lãm
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.