Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH

Ngày 20/10, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý (HĐQL) BHXH Nguyễn Văn Cường đã có buổi làm việc với Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam). Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn; lãnh đạo và cán bộ thuộc Văn phòng HĐQL BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHXH.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường đánh giá, là đơn vị tham mưu chính giúp lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHTN trên toàn quốc, nhiệm vụ của Ban Thực hiện chính sách BHXH là rất nặng nề, đòi hỏi chuyên môn cao; đặc biệt như việc triển khai thực hiện các chính sách chưa có tiền lệ hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua. Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay, việc thực hiện nhiệm vụ của Ban cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, buổi làm việc hôm nay nhằm đánh giá, nắm bắt tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Ban, từ đó tìm hướng phối hợp để việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN ngày càng tốt hơn.

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH đã báo cáo tóm tắt về một số kết quả nổi bật của đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ được giao từ năm 2021 đến hết tháng 9/2022 gồm: Công tác tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; công tác phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức tại Trung ương; công tác giải quyết chế độ chính sách tại BHXH địa phương; đặc biệt là tình hình thực hiện các gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Theo đó, từ năm 2021 đến hết tháng 9/2022, Ban đã tham mưu ban hành theo thẩm quyền 47 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo BHXH địa phương về tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN; tích cực, chủ động tham mưu đề xuất với Lãnh đạo Ngành tham gia với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền 34 văn bản liên quan đến chính sách BHXH, BHTN. Việc giải quyết hưởng các chế độ BHXH cơ bản kịp thời, đảm bảo đúng quy định; thời hạn giải quyết được rút ngắn hơn nhờ các phần mềm nghiệp vụ được liên thông và thực hiện giao dịch điện tử; triển khai thành công nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Tính đến hết ngày 30/9/2022, cả nước đã thực hiện giảm đóng vào quỹ BHTN trong 12 tháng (từ 01/10/2021 đến hết 30/9/2022) khoảng 9.210 tỷ đồng cho 346.664 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với số lao động được giảm đóng là trên 12 triệu người. Về chi trả hỗ trợ tiền mặt từ quỹ BHTN, tính đến hết tháng 9/2022, toàn quốc đã chi hỗ trợ cho hơn 13,3 triệu người lao động với tổng số tiền hơn 31,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 99,33% số người được nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch…

Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo Ban Thực hiện chính sách BHXH cũng tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc hiện nay của đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao như: Tình trạng người lao động mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm, tình trạng mua bán sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền vẫn tiếp diễn; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là chế độ ốm đau, thai sản; tình trạng hưởng BHXH một lần gia tăng; vướng mắc trong triển khai một số chính sách hỗ trợ liên quan đến BHXH, BHTN theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ còn chậm được tháo gỡ; một số văn bản hướng dẫn dưới Luật về BHXH, BHTN còn chậm được ban hành gây khó khăn cho đơn vị thực hiện…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đã có những đánh giá, bổ sung thêm thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Ban Thực hiện chính sách BHXH; trong đó nhấn mạnh đến tình trạng hưởng BHXH một lần gây nhiều thiệt thòi, hệ lụy cho người lao động; việc triển khai mục tiêu BHXH đa tầng theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) cũng đang gặp vướng mắc do Luật BHXH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực BHXH mang lại kết quả tốt nhưng cũng có không ít thách thức trong quản lý đối tượng…

Vì vậy, qua buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn mong muốn, đồng chí Nguyễn Văn Cường tiếp tục đồng hành, tham mưu để HĐQL BHXH có những giải pháp trong thẩm quyền và báo cáo, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ những vấn đề khó khăn vướng mắc của Ngành BHXH Việt Nam nói chung, Ban Thực hiện chính sách BHXH nói riêng; đặc biệt là việc tham gia xây dựng, hoàn thiện các Luật liên quan đến chính sách BHXH, BHTN trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường đánh giá cao các kết quả, nhiệm vụ Ban Thực hiện chính sách BHXH đã đạt được; đồng thời thông tin, qua hoạt động giám sát, HĐQL BHXH đã ghi nhận rất nhiều những đánh giá tích cực của địa phương về các nhiệm vụ liên quan đến đơn vị; nhất là đánh giá cao của người lao động, người sử dụng lao động về việc triển khai các chính sách hỗ trợ từ quỹ BHTN.

Trong thực hiện chính sách BHXH thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28; theo đó, đến năm 2025, toàn quốc cần đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; đồng thời nhận định, để đạt được mục tiêu này vẫn còn một khoảng cách lớn, đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam phải nỗ lực, có những giải pháp hiệu quả, đột phá hơn nữa. Với vai trò của mình, Ban Thực hiện chính sách BHXH cần bám sát các giải pháp được nêu trong Nghị quyết 28 để làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Ngành huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện chính sách BHXH; phối hợp với các đơn vị liên quan đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách; nghiên cứu các chính sách, giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu BHXH đa tầng…

Về tình trạng hưởng BHXH một lần, đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị, Ban cần nghiên cứu, đánh giá kỹ nguyên nhân, từ đó tham mưu, đề xuất vào quá trình sửa đổi Luật BHXH theo hướng tăng tính hấp dẫn của chính sách, giúp người tham gia có thể linh hoạt chuyển đổi từ BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc.

Từ thực tiễn thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Cường cũng đề nghị, Ban Thực hiện chính sách BHXH cần nghiên cứu để bổ sung các nhóm đối tượng, các tình huống cần thực hiện hỗ trợ từ quỹ BHXH, BHTN, đặc biệt là các quỹ thành phần ngắn hạn vào các Luật liên quan sắp được sửa đổi trong thời gian tới, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai các chính sách hỗ trợ trong tương lai, giúp quyền lợi người tham gia BHXH, BHTN ngày càng nâng cao, góp phần tăng tính hấp dẫn của chính sách, mở rộng diện bao phủ.

Về các kiến nghị của Ban Thực hiện chính sách BHXH, đồng chí Nguyễn Văn Cường giao Văn phòng HĐQL BHXH tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất với Hội đồng các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ; nếu cần thiết có thể tham mưu tổ chức một cuộc họp bất thường, xây dựng một chuyên đề riêng để Hội đồng thảo luận có kiến nghị, tham mưu chính sách với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, với một số tình trạng vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH do Ban Thực hiện chính sách BHXH nêu, Văn phòng HĐQL BHXH tổng hợp để đưa vào nội dung đề cương giám sát bắt buộc tại các địa phương, từ đó đánh giá, tìm giải pháp khắc phục triệt để. Tình trạng còn thiếu, chậm trễ trong ban hành các văn bản dưới Luật hướng dẫn thực hiện chính sách BHXH, BHTN, Hội đồng sẽ rà soát, có kiến nghị cùng tháo gỡ với các cơ quan liên quan…

Kết thúc buổi làm việc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH trân trọng cảm ơn những chỉ đạo của Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường, Phó Tổng Giám BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn; đồng thời cho biết sẽ tăng cường phối hợp với Văn phòng HĐQL BHXH để kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ HĐQL BHXH tham gia vào quá trình giám sát, chỉ đạo, tham mưu xây dựng chính sách về BHXH./.

Gia Linh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top