Để sơn mài Hạ Thái vươn xa
21:05 27/06/2016
- Văn hóa xã hội
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 15km về phía nam, làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Tp Hà Nội) , 1 trong 7 làng nghề còn lại được TP. Hà Nội công nhận là làng nghề du lịch.
Thăng trầm lịch sử
Những người cao niên nhất trong làng cũng khó có thể biết chính xác được làng nghề bắt đầu từ năm nào, họ chỉ biết rằng những bức hoành phi câu đối bằng sơn mài trong đình làng do người trong làng làm có ghi niên đại từ thế kỷ 18.
Theo như ông Vũ Huy Mến (Nghệ nhân làng nghề) thì tổ nghề là ông Đinh Công Thành, một người ở làng bên (Duyên Trường, Thường Tín) nhưng người có công đưa sơn mài Hạ Thái lên tầm nghệ thuật là cụ Cả Thiều (Đinh Văn Thành), cụ Cả Thiều là một trong nhưng sinh viên đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, cụ là người đã đưa những chất liệu mới vào sơn mài như vỏ trứng, vỏ trai, tạo màu vàng, màu son…và chính cụ cũng là người đầu tiên đưa những bức tranh sơn mài đi giới thiệu tại Hội chợ ở Paris (Pháp) những năm đầu thế kỷ 20, từ đó mà sơn mài Hạ Thái được đông đảo người biết đến.
Trải qua hơn 200 năm phát triển làng nghề sơn mài Hạ Thái đã có nhiều lúc hưng suy, khi thực dân Pháp còn đô hộ nước ta trước năm 1945, sơn mài ban đầu chưa thể cạnh tranh được với dòng tranh sơn dầu, do sơn mài rất kén người xem, thưởng thức cũng như nguyên liệu khó kiếm hơn sơn dầu.
Nếu người xem tranh không hiểu những lớp lang của sơn mài sẽ không hiểu những chìm sâu trong đó là ký ức, tinh hoa, tay mài và tâm hồn của những nghệ nhân. Khi đất nước ta thống nhất, do hạn chế thông thương nên sơn mài ít được bạn bè quốc tế biết đến, sản phẩm sơn mài chủ yếu chỉ tiêu thụ tại địa phương, nhưng may sao những người con làng Hạ Thái vẫn quyết giữ nghề truyền thống và hiện nay sơn mài Hạ Thái đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản…
Không gian làm việc của gia đình nghệ nhân Vũ Huy Mến
Tuy nhiên, những năm gần đây do sự phát triển xã hội – kinh tế và của các làng nghề khác, nghề sơn mài gặp nhiều khó khăn trong chi phí đầu vào. Nếu như năm 2006 1kg sơn ta (nhựa cây sơn) giá 300 nghìn đồng thì nay đã lên đến 600 – 700 trăm nghìn đồng. Chính vì thế mà không ít hộ sản xuất trong thôn chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì nghề truyền thống. Hiện tại làng Hạ Thái có trên 400 hộ làm nghề, nghề là nguồn thu nhập chính của làng khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp.
Nỗi lòng người nghệ nhân
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hạ Thái, nghệ nhân Vũ Huy Mến, 69 tuổi, (Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái) đến với sơn mài như một lẽ tự nhiên. Ban đầu chỉ là những thú vui để được vẽ, được thỏa sức sáng tạo của một thanh niên mới vào nghề nhưng về sau sơn mài đã trở thành cuộc sống đối với nghệ nhân Vũ Huy Mến. Ông Mến tâm tình “Hồi nhỏ, cả làng đều làm sơn mài, lũ trẻ bọn tôi cùng thường thi nhau xem ai vẽ đẹp hơn, sáng tạo hơn rồi đưa ra để các cụ trong làng đánh giá, dần dần thành quen chứ không qua trường lớp nào về mĩ thuật, hội họa cả”. Cũng chính vì thế mà những đường nét, đường kỷ hà, nước sơn của các nghệ nhân cổ thường phóng khoáng hơn, tự do hơn so với những thế hệ họa sĩ, nghệ nhân sau này.
Nhưng đó là câu chuyện của ba bốn mươi năm về trước, khi sơn mài đóng vai trò là chỗ dựa kinh tế cho bà con trong làng, trong xã hội mới, nhiều ngành nghề mọc lên, sự lựa chọn cũng đa dạng hơn làm thế hệ trẻ trong thôn ít quan tâm và đua tài hơn ở lĩnh vực sơn mài truyền thống. “Thanh niên bây giờ, thường thích đi ra ngoài và làm kinh doanh, chứ không mấy ai theo nghề, vừa rồi tôi cố tìm được mấy cháu trong làng yêu sơn mài rồi tổ chức dậy các cháu lúc rảnh dỗi, mong sao đây sẽ là những hạt nhân sau này lưu giữ lại làng nghề sơn mài Hạ Thái” ông Mến trải lòng. Vào những lúc nhiều đơn đặt hàng thì quá nửa làng đều làm nghề, thậm chí có nhà còn thuê thợ từ nơi khác đến, nhưng những lúc giáp hạt, đầu năm thì chỉ làm cầm chừng để giữ mối làm ăn là chính.
Theo như ông Mến, để con em trong làng hứng thú với sơn mài thì vai trò của nhà trường và gia đình là hết sức quan trọng, bởi lẽ sơn mài không chỉ là một nghề kiếm ra miếng cơm manh áo mà đó là còn là một nét đẹp văn hóa Việt, “trên thế giới tôi chưa thấy ở đâu có nghề giống y đúc sơn mài Hạ Thái, chỉ có 1 số nơi ở Việt Nam nhưng đó cũng chưa phải sơn mài giống như ở Hạ Thái”. Ông Mến cho biết thêm lớp học của ông mới chỉ cho vài đứa trẻ trong làng và chúng học không thường xuyên lắm, thời gian tới sẽ vận động và tổ chức lớp học bài bản hơn để không chỉ trẻ em trong làng mà cả trẻ em các làng lân cận cũng có thể sang đây học, và chúng tôi dậy là hoàn toàn miễn phí.
Hiện tại, Hội nghệ nhân làng nghề thôn Hạ Thái có 10 nghệ nhân được thành phố Hà Nội phong tặng, nhưng đa phần đều là các bác trên 60 tuổi, chưa có nghệ nhân trẻ nào, kể cả một số người đã tốt nghiệp các trường Mỹ thuật trong cả nước.
Nghệ nhân Vũ Huy Mến đang vẽ tranh sơn mài
Chờ tour du lịch làng nghề
Được công nhân là 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội nhưng dường như sơn mài Hạ Thái chưa thu hút được nhiều khách du lịch như các làng lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, thêu Quất Động…
Theo ông Nguyễn Văn Thi – Trưởng thôn Hạ Thái thì do các làng nghề Vạn Phúc, Bát Tràng đều xây dựng được một chợ triển lãm ở đầu làng, mặt hàng được trưng bày nhiều, thuận tiện, tập trung nên khách tham quan dễ bị thu hút. Ở làng Hạ Thái các mặt hàng đa phần là được bầy tại nhà riêng của mỗi nghệ nhân, hình ảnh quảng bá chưa mạnh, chưa tập trung nên chưa thể xuất khẩu tại chỗ được. “Chúng tôi mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa, để làng nghề Hạ Thái phát triển được thế mạnh về du lịch làng nghề” ông Thi cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Thi cũng mong muốn rằng Thành phố sẽ mở rộng tuyến xe buýt 08 (Long Biên – Đông Mỹ) tới tận làng Hạ Thái chỉ cách đó 1km, giao thông thuận tiện sẽ giúp khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đến với làng Hạ Thái nhiều hơn, từ đó sẽ làm cho cơ cấu kinh tế của làng thay đổi, các dịch vụ du lịch sẽ đáp ứng được một phần việc làm cho người làng.
Thiết nghĩ, những tour du lịch làng nghề sẽ góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của làng nghề, tạo động lực to lớn để người dân giữ nghề cũng như quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Niềm mong mỏi của các nghệ nhân cũng chính là nỗi lòng chung của toàn bộ nhân dân thôn Hạ Thái, để nét tinh hoa sơn mài có thể vươn xa đến bạn bè năm châu.
Phượng Công
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)