Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Quản lý thông điệp về bảo vệ an ninh quốc gia trên báo mạng điện tử hiện nay

Thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia là tín hiệu phát đi từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước với mong muốn giữ gìn sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia. Thời gian qua, các cơ quan báo mạng điện tử luôn tuyên truyền toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... của đất nước, trong đó luôn chú trọng quản lý thông điệp về bảo vệ an ninh quốc gia.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần tạo vị thế, vai trò của Việt Nam đối với an ninh, hòa bình, ổn định của thế giới. Ảnh: TTXVN

Thông điệp về bảo vệ an ninh quốc gia

Quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng ta xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(1).

Để thực hiện mục tiêu đó, đòi hỏi phải có chiến lược mới với tầm nhìn mới, hệ thống giải pháp mới để giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống. Trong đó, việc phát huy vai trò của hệ thống báo chí truyền thông là đặc biệt quan trọng.

Trong điều kiện hiện nay, vai trò của báo chí trong đời sống xã hội càng tỏ rõ sức mạnh của nó, là bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi người, mọi dân tộc; là diễn đàn của người dân, tham gia giám sát, phản biện, phản ánh thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo của giai cấp và của Đảng cầm quyền.

Ở Việt Nam, báo chí nói chung, báo mạng điện tử nói riêng đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, từng bước đổi mới nội dung và phương thức, thích ứng với xu thế phát triển của nền báo chí hiện đại. Báo chí ngày càng đóng góp tích cực vào mọi mặt đời sống, xã hội, nhất là trong đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực.

Việc truyền tải thông điệp về bảo vệ an ninh quốc gia được thực hiện ở rất nhiều loại hình báo chí khác nhau với sự đa dạng về chủ đề và thể loại góp phần cung cấp cho công chúng một lượng thông tin lớn, đa dạng về các vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia trên toàn lãnh thổ đất nước.

Việt Nam vừa lên án việc Trung Quốc điều máy bay tới Trường Sa. Ảnh: TTXVN

Vấn đề quản lý thông điệp

Việc quản lý các thông điệp về bảo vệ an ninh quốc gia phải thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, mọi lực lượng trong xã hội đều phải quy tụ dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc bảo vệ an ninh quốc gia. Báo mạng điện tử cũng không nằm ngoài các lực lượng này, việc quản lý thông điệp cần đi đúng định hướng, đảm bảo sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước nhằm phát đi các thông điệp về an ninh quốc gia nhanh chóng, kịp thời, chính xác góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, từng bước làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong công tác truyền thông về bảo vệ an ninh quốc gia, báo mạng điện tử có vai trò quan trọng. Nhờ những thông điệp được đăng tải trên các tờ báo mạng mà nhân dân có những hiểu biết nhất định, luôn đồng hành với những biến đổi từng ngày của đất nước. Có được những thành công như vậy phải kể tới sự nỗ lực của nhiều yếu tố ở tất cả các khâu như thu thập thông tin hiện trường, tổ chức sản xuất, biên tập... trong đó quản lý đóng vai trò quyết định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý thông điệp về bảo vệ an ninh quốc gia trên báo mạng điện tử nhìn chung vẫn còn không ít bất cập thuộc về: chủ thể quản lý, nội dung, hình thức, phương pháp quản lý; chất lượng tin bài, nhiều thông tin còn chưa được kiểm duyệt chính xác về mặt nội dung, cách phản ánh thiếu sinh động, tin bài còn chưa đồng đều, chưa có chiều sâu, hình thức còn đơn điệu...

Đặc biệt, một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay trong việc truyền tải thông điệp về an ninh quốc gia là hiện tượng giật gân, câu view, vẫn còn một số tờ báo mạng điện tử quan tâm quá nhiều đến việc thỏa mãn thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng nhằm thu lợi nhuận mà không tính tới hậu quả tiêu cực do việc làm đó gây ra. Do vậy, truyền thông bảo vệ an ninh quốc gia trên báo mạng điện tử hiện nay có vị trí, vai trò quan trọng – ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định của đất nước.

Các chiến sĩ Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) trên đường tuần tra biên giới. 

Một số giải pháp

Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cơ quan báo mạng điện tử về vai trò của công tác quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo quy luật khách quan, trong hoạt động thực tiễn của con người, nhận thức đúng mới có hành động đúng. Nhận thức không những giữ vai trò quan trọng, định hướng mà còn chỉ đạo hoạt động của chủ thể, là cơ sở, tiền đề cho sự chuyển biến tích cực, đồng bộ, thống nhất trên tất cả các khâu, các bước của quá trình. Nhận thức đúng là cơ sở để có thái độ, động cơ đúng đắn, xây dựng ý chí quyết tâm, trách nhiệm cao trong quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia của các chủ thể.

Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt, quyết liệt, để nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo mạng điện tử về vai trò của công tác quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia cần thực hiện tốt: quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ TT&TT về công tác báo chí; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục giúp các chủ thể nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa tầm quan trọng của công tác quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia; lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan báo chí cần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất trong thực hiện công tác quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia.

Hai là, đổi mới nội dung quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia trên các tờ báo mạng điện tử. Thực tế nội dung thông điệp về bảo vệ an ninh quốc gia trên báo mạng điện tử thời gian qua cơ bản thể hiện quan điểm và lập trường trong xử lý những vấn đề an ninh phát sinh, những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta góp phần nâng cao nhận thức công chúng, tạo cái nhìn tích cực vào việc giữ gìn ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định như: một số thông tin chưa kịp thời, chính xác...

Để giải quyết những hạn chế này cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung như: mở thêm chuyên mục, chuyên sâu về bảo vệ an ninh quốc gia và tuyên truyền thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia; chú trọng cải tiến nội dung với phương châm: “Trung thực - Hấp dẫn - Bổ ích”; thường xuyên đổi mới hình thức các tin, bài bảo đảm hấp dẫn, sinh động. “Báo chí phải thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến, truyền tải thông tin thiết thực đến toàn thể nhân dân”(4).

Ba là, đổi mới phương thức, cơ chế quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia trên các tờ báo mạng điện tử. Dưới góc độ cạnh tranh báo chí, để theo kịp với sự phát triển rất nhanh của phương tiện truyền thông hiện đại, báo mạng điện tử cần phải luôn chủ động tìm tòi phương thức tiếp cận thông tin, đổi mới nội dung, hình thức các bản tin, chuyên mục với phong cách làm báo hiện đại để không khô cứng, thông tin một chiều, đơn điệu hoặc chạy theo trào lưu hay nâng cao tính hấp dẫn một cách thiếu thận trọng làm mất đi tính nghiêm túc và giá trị đích thực của các tờ báo mạng điện tử thời hiện đại.

Bên cạnh đó, việc quá chặt chẽ, quy củ, hình thức trong quản lý dẫn tới nhiều thông điệp chưa được phát sóng kịp thời, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh thông tin.

Vì vậy, để đổi mới phương thức và cơ chế quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia trên các tờ báo mạng điện tử một cách hiệu quả cần thực hiện tốt một số nội dung: nghiên cứu lại tổng thể nhiệm vụ các phòng, ban trong toàn bộ các tờ báo mạng điện tử, xác định vị trí, tầm quan trọng của các thông điệp về bảo vệ an ninh quốc gia và vai trò, thẩm quyền rõ ràng của từng bộ phận tham gia; coi trọng công tác tuyển chọn nhân lực đầu vào có sự chuẩn hóa ngay đối với những kỹ năng chuyên môn định hướng tới; thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ tổ chức sản xuất cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là tại các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông chuyên nghiệp; đổi mới quy trình tổ chức sản xuất hiện tại, ban hành văn bản chuẩn hóa quy trình trên cơ sở loại bỏ bớt những khâu xét duyệt trung gian, bổ sung những khâu cần thiết như trong quy trình giải pháp nêu trên.

Cờ các quốc gia tại Liên hợp quốc. Ảnh: TL

Bốn là, tăng cường bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cộng tác viên cho báo mạng điện tử. Đội ngũ cộng tác viên là một trong những lực lượng góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí. Trên thực tế, để có được những thông điệp tốt về bảo vệ an ninh quốc gia không thể thiếu sự trợ giúp, nguồn tin bài phong phú của đội ngũ này.

Những năm qua, ban lãnh đạo các tờ báo mạng điện tử chưa thực sự quan tâm và phát huy vai trò của đội ngũ này. Do đó, chưa phát huy được tối đa các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tờ báo. Do vậy, trong thời gian tới, cấp ủy, ban biên tập, tổng biên tập các báo cần thực hiện đồng bộ một số nội dung trọng tâm sau: làm tốt công tác tuyển chọn, tổ chức, xây dựng đội ngũ cộng tác viên; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, giao lưu giữa cộng tác viên với các tờ báo mạng điện tử trên tất cả các khâu: nhận bài, biên tập, đánh giá, phổ biến kịp thời chủ đề tháng, chủ đề năm, hướng nghiên cứu, những vấn đề đặt ra đang cần tập trung phản ánh nhằm gợi mở, định hướng viết cho họ; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cộng tác viên có nhiều đóng góp, có nhiều tin bài chất lượng cao trên báo mạng điện tử.

Quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia trên báo mạng điện tử là sự tác động có định hướng, có kế hoạch của cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản và đội ngũ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan báo chí đến đội ngũ nhà báo, phóng viên, các tác phẩm báo chí nhằm đạt những mục tiêu đề ra về bảo vệ an ninh quốc gia trên tất cả các mặt khác nhau.

Nhất quán quan điểm: “Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam”(4).

Thực hiện đồng bộ những giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản lý thông điệp bảo vệ an ninh quốc gia trên báo mạng điện tử có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng theo tinh thần Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet; đồng thời, phù hợp với quan điểm chỉ đạo trong Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Đảng và Chính phủ./.

NGUYỄN NGỌC KHÁNH

Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.156.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2004, t.17, tr.551.
3. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, Hà Nội. 1979, t.8, tr.245.
4. Nguyễn Xuân Phúc, “Báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng tiên phong, kiên trung trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, dân tộc”, Báo Điện tử Nhân dân, ngày 21/6/2018.
5. Cổng thông tin điện tử, Bộ TTTT, Quan điểm trong Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Hà Nội, 10/4/2019.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top