Quản lý sản xuất bản tin truyền hình tiếng nước ngoài trên Đài PT-TH Thái Nguyên
Bản tin truyền hình tiếng nước ngoài trên Đài PT-TH Thái Nguyên
Vai trò của bản tin tiếng nước ngoài trong thông tin đối ngoại
Bản tin với thời lượng 10 phút/ bản tin, được phát sóng vào lúc 22:45 tối ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần, phát lại vào lúc 11:10 ngày hôm sau. Bản tin đã đáp ứng phần nào nhu cầu của công chúng mục tiêu là những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Thái Nguyên và các tỉnh lân cận; người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước ngoài muốn tìm hiểu thông tin về tỉnh Thái Nguyên; người dân trong tỉnh và trong nước biết và sử dụng tiếng Anh.
Bản tin tiếng Trung ra đời sau 1 năm, đặc biệt để lại dấu ấn trong giai đoạn 2014-2016, khi Việt Nam ra sức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Bản tin đã phát huy sức mạnh và là tiếng nói đáng tin cậy tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Bản tin tiếng Trung có thời lượng 10 phút, được phát sóng với tần suất 2 lần 1 tuần vào ngày thứ 4 và thứ 6, lúc 22:45 và phát lại vào 11:30 ngày hôm sau. Công chúng mục tiêu của bản tin là người sử dụng tiếng Trung sinh sống và làm việc tại Thái Nguyên; người dân trong tỉnh và trong nước biết và sử dụng tiếng Trung.
Trong suốt 10 năm qua, mỗi năm, bản tin tiếng Anh và bản tin tiếng Trung trên Đài PT - TH tỉnh Thái Nguyên đã cung cấp khoảng hơn 200 bản tin tiếng nước ngoài với hơn một ngàn tin bài các loại, góp phần không nhỏ vào công tác thông tin đối ngoại của địa phương nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đây là những nỗ lực to lớn của đội ngũ PV, BTV Đài PT - TH Thái Nguyên. Phóng viên đối ngoại của Đài đã từng có mặt ở những vùng xa xôi, biên giới, hải đảo hay từng đến các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia… để đem đến cho công chúng những tin tức và phóng sự mang tính đối ngoại sâu sắc.
Phòng kỹ thuật của Đài PT-TH Thái Nguyên
Mặc dù không phải là cơ quan báo chí chuyên biệt về tiếng nước ngoài nhưng các nhà báo thuộc Đài PT - TH tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được quy trình quản lý tổ chức sản xuất với những đặc điểm riêng, đáp ứng các yêu cầu về đối ngoại.
Thứ nhất, quy trình sản xuất bản tin tiếng Anh, tiếng Trung hiện nay khá ưu việt, tiết kiệm thời gian. Việc chủ động lựa chọn tin dịch, biên tập tin, bài tiếng Việt là cách làm hiệu quả, giúp các thông tin dễ hiểu và ngắn gọn hơn. Đối với bản tin tiếng Anh, biên tập viên chủ động lược bớt một số ý trùng lặp, biên tập lại nội dung một cách ngắn gọn.
Đối với bản tin tiếng Trung, biên tập viên chủ động thêm thông tin dễ hiểu, hoặc dịch đầy đủ các ý của tin bài để đảm bảo thời lượng phát sóng.
Thứ hai, trong quy trình sản xuất bản tin tiếng Anh, các biên tập viên đều sử dụng một email chung để trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu với chuyên gia hiệu đính dễ dàng, giúp lưu trữ thông tin một cách hệ thống trên nhóm làm việc chung trên mạng xã hội.
Thứ ba, phân quyền quản lý và biên dịch tin tức cho các biên tập viên, giúp giảm thời gian chờ đợi, đẩy nhanh tiến độ biên dịch.
Thứ tư, trong quá trình sản xuất, BTV phải xây dựng một kịch bản cho bản tin. Kịch bản này giúp dựng bản tin, duyệt phát sóng dễ dàng hơn.
Quy trình sản xuất của hai bản tin có tính ổn định cao. Trải qua 10 năm sản xuất bản tin tiếng Anh và hơn 9 năm sản xuất bản tin tiếng Trung, ngoại trừ một vài lần thay đổi về hình thức thể hiện, quy trình sản xuất bản tin vẫn được duy trì bền vững, không có nhiều thay đổi đáng kể.
Cột truyền hình của Đài PT-TH Thái Nguyên
Quản lý nội dung và hình thức của bản tin tiếng nước ngoài
Đài PT – TH Thái Nguyên đã hoàn thành vai trò của một cơ quan báo chí lớn của tỉnh, là kênh đưa thông tin chính thống bám sát các thông tin nguồn ở tầm vĩ mô của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Thống kê các chương trình đã phát sóng bản tin tiếng Anh trong năm 2020 cho thấy: 67% tin, bài có thời gian hiện hình dưới 15s, 33% còn lại có thời gian hiện hình trên 15s. Điều này cho thấy, thời gian giới thiệu đầu tin đã được biên tập ngắn gọn, tránh gây nhàm chán cho người xem.
Quản lý hình thức thể hiện này xuất phát từ khâu đầu tiên là lựa chọn và biên tập tin, bài. Không có phụ đề làm rối mắt khán giả, giúp họ tập trung vào hình ảnh và nội dung. Đây cũng là một ưu điểm của bản tin tiếng Anh và tiếng Trung.
Theo thống kê, trong 104 bản tin tiếng Anh, có 16 bản tin với thể loại tọa đàm, có phụ đề tiếng Việt để người xem dễ theo dõi. Trong 88 bản tin còn lại không có phụ đề kèm theo. Bằng cách này, người sản xuất bản tin sẽ hướng người xem vào nội dung tin tức qua hình ảnh và lời bình. Đối với 104 bản tin tiếng Trung đã sản xuất trong năm 2020, có 100 bản tin không kèm phụ đề, với mục tiêu hướng khán giả đến nội dung thông tin, hình ảnh truyền hình. 4 bản tin còn lại có thể loại tọa đàm, có phụ đề tiếng Việt.
Về nguồn nhân lực: Các phóng viên, biên tập viên của bản tin tiếng Anh, tiếng Trung ngoài thực hiện sản xuất hai bản tin này, còn làm được nhiều công việc chuyên môn khác, như sản xuất bản tin quốc tế, bản tin nhanh, các chương trình truyền hình đối ngoại của Đài như “Hội nhập quốc tế”; “Cộng đồng Asean”; “Từ Thái Nguyên nhìn ra thế giới”; “Thainguyen Corner”…
Tuy nhiên, lượng thông tin qua các bản tin tiếng nước ngoài mà Đài chuyển tải là chưa nhiều. Bản tin tiếng Anh và tiếng Trung phát sóng với tần suất 2 bản tin/ tuần nên hàm lượng thông tin còn hạn chế. Trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, mỗi cơ quan báo chỉ phải tự trang bị tiềm lực cả chuyên môn và tài chính để có đủ khả năng và sức mạnh tham gia vào hoạt động giao lưu quốc tế.
Mỗi cơ quan báo chí phải có khả năng tiếp nhận, xử lý và tung vào dòng thông tin truyền thông quốc tế một lượng thông tin đủ lớn, đủ mạnh để tạo ra một tiếng nói công bằng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước, phát huy và bảo vệ những lợi ích kinh tế, định hướng chính trị, những giá trị văn hoá của dân tộc, quốc gia. Tuy nhiên, với hàm lượng thông tin đưa ra trong bản tin truyền hình hiện nay rất ít ỏi.
Qua khảo sát có thể thấy, chất lượng bản dịch chưa cao, còn nhiều tồn tại trong khâu biên dịch, chuyển ngữ từ tiếng Việt sang các thứ tiếng nước ngoài. Đây là điểm mấu chốt cần khắc phục khi sản xuất các bản tin tiếng nước ngoài tại Đài PT – TH Thái Nguyên.
Các bản tin truyền hình tiếng nước ngoài của Đài hiện nay chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức độ đưa thông tin, phản ánh sơ bộ, chứ chưa có các bài phân tích, bình luận sâu sắc, về các vấn đề trong tỉnh, trong nước và quốc tế để định hướng thật tốt cho người nghe, người xem.
Trường quay của Đài PT-TH Thái Nguyên
Một số vấn đề đặt ra và yêu cầu đối với phóng viên, biên tập viên
Ở từng giai đoạn, mục đích thông tin đối ngoại yêu cầu cần nhiều thông tin và cách thể hiện khác nhưng thực tế, các sản phẩm được sản xuất lại chưa đáp ứng được. Vấn đề quan trọng nữa là trang thiết bị máy móc phục vụ quá trình sản xuất bản tin. Mặc dù, số lượng và chất lượng máy móc đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất các bản tin truyền hình tiếng nước ngoài hiện nay, nhưng khi đầu tư mở rộng bản tin, nâng cao chất lượng kỹ xảo đồ họa, mở nhiều cửa ra cho bản tin, số lượng máy móc, thiết bị cần được nâng cấp, cải tiến sao cho đáp ứng hơn với xu thế. Ngoài ra máy móc không được trang bị những ứng dụng, phần mềm bản quyền, cập nhật nên chưa đáp ứng được đổi mới hình kỹ thuật sản xuất bản tin.
Có được những kết quả trong quản lý sản xuất bản tin truyền hình tiếng nước ngoài trên Đài PT – TH Thái Nguyên là do một số nguyên nhân sau đây:
Trước hết, bám sát các nhiệm vụ chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền đối ngoại, luôn đảm bảo đúng định hướng trong thông tin, thống nhất trong chỉ đạo, kịp thời, nhanh chóng trong quá trình sản xuất, thực hiện các bản tin của BGĐ, các phòng ban chuyên môn của Đài.
Hai là, sự quan tâm đầu tư về mọi mặt của tỉnh Thái Nguyên cho nhiệm vụ thông tin đối ngoại địa phương, nhằm nâng cao vị thế, hình ảnh của tỉnh Thái Nguyên trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, bạn bè quốc tế.
Ba là, quan tâm tuyển chọn và xây dựng một đội ngũ làm chuyên môn riêng biệt, có trình độ ngoại ngữ, tiếp cận tốt với nghiệp vụ báo chí, trẻ trung, nhiệt huyết với công việc. Trong nhiều năm sản xuất bản tin, chưa có chương trình phát sóng nào để xảy ra lỗi nghiêm trọng, ngoài một vài lỗi chính tả, hình ảnh rung, giật... Kết quả đó là nhờ những người định hướng, dẫn dắt, trực tiếp thực hiện các bản tin.
Bốn là, sự phối hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả trong các khâu của quy trình sản xuất đã mang lại hiệu quả năng suất cũng như chất lượng cho các bản tin. Ví dụ như chủ động phối hợp của BTV với cộng tác viên, BTV với KTV sản xuất bản tin... Các yếu tố này cũng tạo nên những kết quả đáng ghi nhận. Quy trình sản xuất được tối ưu hóa về thời gian, công sức.
Năm là, Đài PT-TH Thái Nguyên có sự hợp tác thường xuyên với các cơ quan báo chí, truyền thông khác như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và kênh truyền hình trung ương... Cùng với đó là sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trong đó có các đơn vị tuyên truyền của các huyện, thành, thị. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ sản xuất các bản tin truyền hình tiếng nước ngoài, Đài PT - TH Thái Nguyên hiện đang thực hiện sản xuất các sản phẩm báo chỉ đối ngoại khác. Vì vậy, cần có bộ phận chuyên trách thực hiện tổ chức các sản phẩm báo chí đối ngoại để đi sâu và nâng cao chất lượng của tất cả các sản phẩm này, trong đó có các bản tin truyền hình bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc.
Trao giải tác phẩm báo chí chất lượng cao của Đài PT-TH Thái Nguyên
Việc ổn định đội ngũ nhân lực là nhiệm vụ quan trọng đối với Đài PT - TH Thái Nguyên hiện nay, khi có trên 70% biên tập viên, biên dịch viên của bản tin truyền hình tiếng nước ngoài là cộng tác viên thường xuyên, trên 30% cộng tác viên trong tổng số nhân lực toàn đơn vị. Cơ chế cộng tác viên đối với các lao động làm chuyên môn lâu dài không được xem là tối ưu, tạo được động lực cho nhân sự, khó khăn hơn trong quản lý, phân công, phân nhiệm.
Đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về báo chí, đặc biệt là báo chí truyền hình; các biên tập viên, biên dịch viên tiếng nước ngoài cần được tham gia các khóa đào tạo về dịch thuật và dịch thuật báo chí chuyên sâu. Chuyên gia hiệu đính cần phải là người nước ngoài hoặc người Việt Nam có trình độ chuyên sâu về dịch thuật, để đảm bảo bản tin chuyển tải thông tin thành công đến với người nước ngoài. Tuy nhiên, cần chú trọng đến khả năng thích ứng với thời gian công việc của chuyên gia để tránh tình trạng chờ đợi, gián đoạn trong quy trình sản xuất các bản tin.
Đài cũng cần có cơ chế để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kiểm tra sát hạch định kỳ những người tham gia vào tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đối ngoại nói chung và bản tin tiếng nước ngoài nói riêng. Có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ quản lý, biên tập viên, biên dịch viên, kỹ thuật viên về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.
Cần quan tâm phát triển các mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ với công chúng và cộng tác viên. Mối quan hệ tốt với các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng bản tin truyền hình tiếng nước ngoài, đáp ứng nhu cầu của công chúng tại địa phương.
Mỗi biên tập viên, biên dịch viên cần tăng cường việc học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kiến thức dịch thuật và kiến thức báo chí. Việc tự học là điều then chốt để người lao động nâng cao được khả năng của mình. Tiếp cận với các nền tảng mạng xã hội để bổ sung kiến thức, thông tin cho bản thân, nâng cao kỹ năng làm báo trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0. Kỹ thuật viên cần chủ động cập nhật sản phẩm công nghệ mới, hiện đại, ứng dụng trong sản xuất bản tin, nhằm đổi mới hình thức thể hiện, thu hút khán giả theo dõi bản tin./.
VŨ THỊ LAN ANH
Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên
Danh mục tài liệu tham khảo
1. PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh, Lao động Nhà báo đối ngoại, NXB Lao động, Hà Nội 2020
2. PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh, Tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đối ngoại, NXB Lao động, Hà Nội 2020
3. Đài PT-TH Thái Nguyên, Báo cáo tổng kết phong trào thi đua PT-TH năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.
4. Đài PT-TH Thái Nguyên, Đề án Tổ chức lại bộ máy Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, năm 2018.
5. Dự thảo Quy hoạch báo chí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025.
6. Đài PT-TH Thái Nguyên, Kế hoạch Sắp xếp tổ chức bộ máy theo Quyết định 49/QĐ-UBND ngày 09/01/2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanhTruyền hình tỉnh Thái Nguyên, năm 2020.
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)