Quản lý hình ảnh tỉnh Thái Nguyên đổi mới trên các sản phẩm báo chí đối ngoại của địa phương

Là địa phương đang phát triển, thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài FDI đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Thái Nguyên, cùng với đó là quá trình hợp tác đào tạo giáo dục diễn ra mạnh mẽ, do vậy nhu cầu thông tin tìm hiểu các nội dung liên quan đến Thái Nguyên, quảng bá hình ảnh Thái Nguyên đến với cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại địa phương là rất cần thiết. 

Các tác phẩm báo chí đối ngoại hiện nay cũng được xem là kênh quảng bá hình ảnh Thái Nguyên đến với cộng đồng bạn bè quốc tế, qua đó truyền tải thông điệp về một địa phương phát triển, sự chuyển động của các lĩnh vực trong đời sống kinh tế, xã hội. Các sản phẩm báo chí đối ngoại tại một số cơ quan báo chí chủ lực của địa phương đã giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về vùng đất, con người, lịch sử, văn hóa, tiềm năng của Thái Nguyên, góp phần tích cực trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, tuy nhiên nội dung thông tin, cách thức chuyển tải, và quản lý hình ảnh địa phương trên các sản phẩm báo chí đối ngoại địa phương còn chưa thật phong phú. 

Từ thực tiễn một hình ảnh Thái Nguyên xưa cũ 

Xét theo nghĩa hẹp, hình ảnh Thái Nguyên thể hiện ở những lĩnh vực nổi trội của địa phương đó khi mà nhắc đến lĩnh vực đấy người ta sẽ nghĩ đến địa phương đó. Trước đây, khi nói tới Thái Nguyên là nói tới chè và các sản phẩm về chè, hoặc nhắc đến Thái Nguyên là nói đến cái nôi của ngành gang thép. Hoặc được biết đến với cơ sở đào tạo giáo dục lớn thứ ba cả nước, Đại học Thái Nguyên. Hình ảnh một tỉnh Thái Nguyên đổi mới đã vượt ra ngoài những thứ đó và ngày càng phong phú, đa dạng.

Nếu như năm 2015, số lượng các dự án FDI vào Thái Nguyên là 116 dự án thì đến nay, con số này đã tăng lên là 165 dự án, số vốn đầu tư là 8,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 4,24 %. Thái Nguyên cùng với Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai và Bắc Giang nằm trong nhóm 5 tỉnh thành được các doanh nghiệp đánh giá có cơ sở hạ tầng tốt nhất năm 2019 vừa qua, cũng là những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Chính sự quan tâm, chỉ đạo về sự xuất hiện của hình ảnh Thái Nguyên trên các sản phẩm báo chí cũng đã đóng góp một phần vào sự cải thiện này. Hình ảnh về những khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại hóa, và những hình ảnh về các doanh nghiệp cảm nhận về môi trường đầu tư được thể hiện thông qua các sản phẩm báo chí đối ngoại đã góp thêm một kênh tham khảo cho các nhà đầu tư khi đến với Thái Nguyên. Chính quyền cấp tỉnh cũng thấy được sự hiệu quả, qua đó đã quan tâm hơn đến việc tuyên truyền hình ảnh Thái Nguyên đổi mới bằng việc ban hành Đề án thông tin đối ngoại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025. 

Còn ở nghĩa rộng hơn, hình ảnh địa phương là bức tranh tổng thể của địa phương trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội của địa phương đó (chính trị, văn hóa, xã hội, du lịch, lịch sử, thiên nhiên…). Mọi địa phương đều có những hình ảnh vượt thời gian và gây ấn tượng với những địa phương khác bằng những mức độ ảnh hưởng nhiều hoặc ít ở các giai đoạn khác nhau. 

Đến những vấn đề đặt ra cho việc xây dựng hình ảnh đổi mới

Trong các cơ quan báo chí địa phương, Đài PT- TH Thái Nguyên là cơ quan báo chí thực hiện các sản phẩm báo chí đối ngoại với số lượng nhiều nhất và có nội dung, hình thức tương đối phong phú, bao gồm nhiều thể loại như: tin, phóng sự, tọa đàm, chương trình trải nghiệm thực tế, với đa dạng ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Hàn Quốc. Tại Báo Thái Nguyên, các sản phẩm báo chí đối ngoại đa phần được thực hiện theo hình thức chuyển ngôn, đó là việc chuyển những tin bài nổi bật, có tính đặc trưng, đại diện về một số nội dung, hoạt động của tỉnh Thái Nguyên, được chọn lọc và biên dịch sang Tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Các cơ quan báo chí khác cũng thực hiện các nội dung về thông tin đối ngoại đan xen trong hoạt động chuyên môn của mình. 

Nội dung hình ảnh Thái Nguyên trên các sản phẩm báo chí đối ngoại của địa phương hiện nay chủ yếu đề cập đến một số nội dung như: hoạt động chính trị, ngoại giao, lễ tân của lãnh đạo tỉnh; kinh tế, văn hóa, giáo dục, các hoạt động chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, chính sách về dân tộc và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Phần lớn các sản phẩm báo chí đối ngoại tại Thái Nguyên hiện nay đều phân chia làm 2 nhóm chính đó là thông tin kinh tế đối ngoại và thông tin văn hóa đối ngoại.

Lý giải cho điều này, bởi kinh tế đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của mỗi địa phương. Trên thực tế, các địa phương muốn được nhiều người cần biết, cần có sự xuất hiện của những hình ảnh về các mặt nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch nhiều hơn trên các sản phẩm báo chí. Thực tế đã chứng minh, sản phẩm chè Thái Nguyên là đặc sản của địa phương, hiện đã có một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU thông qua những cơ hội tận dụng được từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Các chất liệu về chè cũng chiếm phần lớn về tần suất và số lượng của hình ảnh trên các sản phẩm báo chí, ngoài ra, hình ảnh được sử dụng còn căn cứ theo tích chất và format của từng chuyên đề, chuyên mục và những sự kiện tin tức xảy ra hàng ngày của địa phương. Từ các hình ảnh quảng bá về chè được thông tin trên các sản phẩm báo chí đối ngoại, sản phẩm chè và nền văn hóa trà đã được quảng bá đến cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thái Nguyên cũng như cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. 

Hay đơn cử như những hình ảnh về sự phát triển kinh tế Thái Nguyên, với những khu, cụm công nghiệp quy hoạch bài bản, đồng bộ, hình ảnh những người lao động, công nhân xuất hiện trong các chương trình về kinh tế như chuyên mục Hội nhập quốc tế; Cộng đồng Asean là những hình ảnh Thái Nguyên đổi mới sử dụng với tần suất và số lượng khá nhiều trong các sản phẩm báo chí đối ngoại địa phương. Trong sự phân bổ về hình ảnh kinh tế, nội dung công nghiệp Thái Nguyên vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 60%) trong các sản phẩm báo chí đối ngoại địa phương, ngoài ra những lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ được phân bổ theo nội dung được tác giả lựa chọn và tuân thủ theo từng format của chương trình. Thực tế đã chứng mình, những hình ảnh đổi mới về Thái Nguyên như khu công nghệ cao Yên Bình, tuyến đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên đã giúp nhiều nhà đầu tư lựa chọn Thái Nguyên là điểm đến đầu tư của mình. Lấy ví dụ trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, song tỉnh Thái Nguyên vẫn có 475 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới (tăng 84 DN so với cùng kỳ năm trước), lũy kế tính đến nay, Thái Nguyên thu hút được 171 dự án FDI, có số vốn hơn 8 tỷ USD. Có được điều này chính là hiệu ứng của việc xuất hiện các hình ảnh tỉnh Thái Nguyên đổi mới. 
Thực tế sản xuất tại các cơ quan báo chí của địa phương cho thấy, hình ảnh Thái Nguyên ở góc độ chính trị, ngoại giao, là phần nội dung quan trọng, xuyên suốt các chương trình, bản tin đối ngoại nhưng hiện nay hình ảnh Thái Nguyên đối với những lĩnh vực này chưa phong phú. Các hoạt đồng này hiện chỉ dừng lại ở mức độ chào xã giao và làm việc ban đầu nên thông tin hình ảnh về những buổi làm việc chiếm phần lớn là điều dễ hiểu. Những hình ảnh về mô hình, cách làm thành công từ những quan điểm, chính sách hợp tác đối ngoại còn chưa nhiều. Đây cũng khiến những hình ảnh minh họa còn chưa phong phú và đa dạng, dễ gây tính nhàm chán đối với độc giả.  

So với các mảng nội dung khác, hình ảnh Thái Nguyên trong lĩnh vực văn hóa được phân bổ số lượng tin bài tương đối đồng đều giữa các sản phẩm báo chí đối ngoại. Trong các nội dung mà báo chí đối ngoại địa phương đề cập, lĩnh vực văn hóa có tỷ trọng trên 40%. Xuất phát từ nhu cầu của khán giả, mà các tin, bài , hình ảnh thuộc mảng nội dung này thường có sức hấp dẫn hơn bao giờ hết, dễ xem và dễ đón nhận.  Thực tế không chỉ tại Thái Nguyên mà nhiều địa phương khác, hình ảnh văn hóa nếu được tuyên truyền tốt, quảng bá tốt sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa truyền thông, góp phần định vị hình ảnh của địa phương. Hình ảnh về văn hóa Thái Nguyên chủ yếu được truyền tải qua hình thức các chương trình trải nghiệm thực tế. Thực tế sản xuất cho thấy, chương trình trải nghiệm thực tế đang tạo ra hiệu ứng tốt, người nước ngoài trực tiếp tham gia vào các chương trình trải nghiệm chính là công cụ để quảng bá địa phương hiệu quả nhất. Cùng với đó, sau khi phát sóng, những tác phẩm giới thiệu hình ảnh địa phương sẽ được đăng tải trên youtube, hoặc fanpage, để công chúng và nhân vật trải nghiệm theo dõi và phản hồi, chính điều này đã khiến các sản phẩm báo chí đối ngoại có thể điều chỉnh nội dung và hình ảnh phù hợp. Hình ảnh địa phương trên lĩnh vực văn hóa hiện nay ở Thái Nguyên chủ yếu tập trung phần lớn vào những di tích lịch sử, bởi là địa phương gắn với các địa chỉ đỏ, các điểm du lịch về nguồn, song trên thực tế, công chúng khán giả lại mong muốn được tìm hiểu hình ảnh Thái Nguyên qua những điểm đến du lịch trải nghiệm và văn hóa ẩm thực địa phương. 

Thái Nguyên được biết đến là trung tâm đào tạo, giáo dục lớn thứ ba của cả nước, do vậy những hình ảnh liên quan đến đào tạo cũng được đông đảo đối tượng công chúng quan tâm. Các tin bài, phóng sự đề cập đến hình ảnh Thái Nguyên ở lĩnh vực giáo dục phần lớn sử dụng hình ảnh về các chương trình hợp tác, đào tạo quốc tế, các hoạt động của lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại các cơ sở giáo dục của Thái Nguyên. 

Chiếm tỷ lệ ít nhất và có số lượng không xác định, chính là những vấn đề liên quan đến tôn giáo và biển đảo. Thực tế, những hình ảnh này xuất hiện khá ít, thậm chí là không có nhiều sự liên quan đến Thái Nguyên. Thông tin những tin tức liên quan đến lĩnh vực này đều cần có sự định hướng thông tin từ phía Trung ương, sau đó địa phương sẽ căn cứ theo tình hình cụ thể để đăng tải và tuyên truyền sao cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến những quan hệ hữu nghị, ngoại giao đã định hình và thiết lập tại địa phương. 

Báo chí truyền thông trong vai trò xây dựng hình ảnh Thái Nguyên đổi mới

Khi khai thác đề tài báo chí về thông tin đối ngoại nói chung và đề tài về hình ảnh Thái Nguyên nói riêng, trong thời gian qua, báo chí đã và đang tích cực phản ánh một cách đầy đủ, khách quan, đóng góp một phần quan trọng trong việc tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của địa phương, song vẫn đặt ra một số vấn đề, để việc sử dụng hình ảnh sao cho đúng nội dung và truyền tải được thông điệp mang lại. 

Cầu truyền hình Âm vang Trường Sơn. Điểm cầu Quảng Trị do Đài PT-TH Thái Nguyên tổ chức

Thông tin và những hình ảnh của Thái Nguyên thường được truyền tải qua các cơ quan báo chí truyền thông của địa phương, tuy nhiên, để xây dựng hình ảnh Thái Nguyên đổi mới, cần sử dụng hệ thống báo chí, đặc biệt là những sản phẩm báo chí đối ngoại một cách hiệu quả. Thực tế, các cơ quan báo chí tại Thái Nguyên hiện nay chưa có bất cứ một cuộc điều tra, khảo sát và phân loại đối tượng tiếp nhận thông tin báo chí truyền thông về hình ảnh tỉnh Thái Nguyên phù hợp cho từng đối tượng, căn cứ theo trình độ tri thức, hiểu biết và văn hóa quốc gia khác nhau, để có cách thức truyền thông và sản phẩm truyền thông phù hợp, mang lại hiệu quả cao hơn. 

Ngoài ra, từ chính mỗi địa phương cũng có thể cởi mở hơn nữa trong việc quảng bá và tổ chức cho người Thái Nguyên ở nước ngoài và khách nước ngoài đang sinh sống học tập và làm việc tại địa phương có điều kiện tham gia các hoạt động của địa phương trong phạm vi cho phép để họ có cái nhìn khách quan. Chiến lược xây dựng hình ảnh và thương hiệu của địa phương thông qua mỗi người khách quốc tế, cũng sẽ góp thêm kênh công cụ để quảng bá tỉnh hiệu quả. Có thể áp dụng mở rộng mạng lưới thông tin bằng cách thử nghiệm xây dựng các chương trình truyền hình có sự tham gia trực tiếp của công chúng, độc giả. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay. Việc thiết lập và mở rộng chế độ thông tin nhiều chiều không chỉ giúp phản ánh trung thực, đầy đủ mọi mặt của cuộc sống xã hội mà còn tạo ra tính tương tác cao giữa cơ quan báo chí và khán giả, độc giả. 

Hiện nay, báo chí địa phương cũng đang đứng trước thách thức của toàn cầu hóa với sự phát triển của công nghệ thông tin đòi hỏi báo chí phải tìm ra con đường phát triển phù hợp với thời đại công nghệ số để duy trì và tăng cường hiệu quả hoạt động. Vì vậy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và biên tập viên, phóng viên phải nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền hình ảnh Thái Nguyên đổi mới ra thế giới, từ đó mới có quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền. Trước hết phải đổi mới nội dung và cung cấp nội dung theo ngày càng thêm hấp dẫn, có tính thời sự. Không còn là những hình ảnh mang tính truyền thống của Thái Nguyên như gang thép, chè Thái Nguyên mà cần đa dạng về nội dung hình ảnh, như tốc độ phát triển kinh tế trên mọi lĩnh vực, tiến bộ khoa học kỹ thuật, cảnh quan thiên nhiên đa dạng và phong phú, lịch sử, văn hóa của dân tộc tại Thái Nguyên, con người thông minh, cần cù, sáng tạo, thích ứng nhanh chóng với điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là nguồn tư liệu vô tận để các nhà báo đối ngoại khai thác làm chất liệu cho nội dung tuyên truyền. Để đáp ứng nhu cầu của công chúng thời đại công nghệ mới, các cơ quan báo chí phải đổi mới phương thức tuyên truyền, kết hợp sử dụng tối đa lợi thế các loại hình báo chí, tăng cường chất liệu với hình ảnh, âm thanh, biểu đồ, các thể loại về báo chí dữ liệu, longform để chuyển tải thông tin, gây ấn tượng với khán giả.  

Có thể thấy, cần có chiến lược quảng bá hình ảnh Thái Nguyên trên các sản phẩm báo chí đối ngoại, quản lý hiệu quả quy trình, mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa cơ sở vật chất và phương tiện sản xuất, tăng cường việc phối hợp tuyên truyền, giao lưu sản phẩm, ấn phẩm về quảng bá hình ảnh địa phương, để hình ảnh địa phương trên các sản phẩm báo chí đối ngoại thực sự phát huy được sức mạnh lan tỏa, quảng bá đối với mỗi địa phương./.

Nguyễn Phương Linh - Đài PT- TH Thái Nguyên


 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top