Phía sau bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ
21:13 12/07/2016
- Văn hóa xã hội
Những năm trước thập niên 70 của thế kỷ
XX, con đường cửa ngõ của Hải Phòng từ Hà
Nội xuống đỏ rực một màu hoa phượng chạy
dài hàng cây số, mỗi độ tháng 5 về. Với tôi,
thời học sinh đã trót mắc “nợ” loài hoa ấy từ lâu.
Hồi ấy, làm phóng viên Báo Cứu Quốc, tôi thường đi công tác xuống, nhưng phải đợi đến đầu năm 1970, nhân được dự đêm thơ Bác Hồ ở Hải Phòng, bị những người thợ của Xi Măng, Sáu Kho chinh phục bởi tình yêu cuộc sống và khát vọng cống hiến của họ, những ca từ bất chợt hiện hữu. Và ngay đêm ở Hải Phòng ấy, tôi đã phác thảo ra bài thơ mang tựa đề “Thành phố Hoa phượng đỏ”. Tôi trút vào đó tất cả tình yêu đối với một thành phố tôi đã đến, đã yêu.
Trở về Hà Nội, tôi mang “Thành phố Hoa phượng đỏ” đọc cho nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, hàng xóm của tôi nghe. Anh Khoát rất vui đánh giá tốt ca từ. Một tháng sau, vào buổi sáng, tôi đang ngồi đánh máy bản thảo thì có tiếng gõ cửa. Một người dáng mập, mặt tròn, cười tươi tự giới thiệu là nhạc sĩ của Đoàn ca múa nhạc Hải Phòng, do nhạc sĩ Đàm Linh giới thiệu tên Lương Vĩnh đến gặp tôi để nhận ca từ. Bỏ mặc điếu thuốc lá mới châm cho tự cháy hết trên gạt tàn, Lương Vĩnh say sưa đọc đi đọc lại ca từ. Và không giấu xúc động, Lương Vĩnh nghẹn ngào: “Tôi hết sức cảm ơn anh vì ca từ đã nói tất cả những gì mà lâu nay tôi muốn nói. Tôi sẽ cố gắng không bỏ đi chữ nào trong ca từ của anh”.
Tháng 7 cùng năm, nhạc sĩ Lê Yên và tôi ra mỏ Cẩm Phả để hát và đọc thơ cho thợ lò. Trên đường ra Hòn Gai đi đường 5, chúng tôi ghé Hải Phòng và trưa đó, chúng tôi đến Đoàn ca múa gặp Lương Vĩnh. Anh mời hai chúng tôi nghe bài hát mới. Nhạc sĩ Lê Yên khi nghe Lương Vĩnh ôm cây ghita giới thiệu bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ”, đã biểu lộ tình cảm hoan nghênh thành công của Lương Vĩnh bằng nụ cười thật tươi qua mắt kính cận, với cái xiết chặt tay nghiêng đầu gật gật. Lương Vĩnh “đòi” nhận xét của tác giả bài thơ. Tôi nói ngay cần phê bình nhạc sĩ bỏ của tôi 6 chữ “cho anh trao chiếc hôn nồng” trong câu “hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt, cho anh chiếc hôn nồng ta tạm biệt xa nhau...”. Nhạc sĩ Lê Yên “bảo vệ” Lương Vĩnh: “Trong thơ hôn được, nhưng trong bài hát thì nhà thơ cho nhạc sĩ được tước đi kẻo khó duyệt!”. Chúng tôi phá lên cười. Đã một thời trong văn chương, chúng ta sợ cái hôn thế đó!...
Hơn một năm sau, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam duyệt và Kiều Hưng đi học thanh nhạc ở Liên Xô về đến gặp xin bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” làm bài hát “trình làng”. Từ đó, bài hát mới được cất cao và phổ biến rộng rãi đến công chúng yêu nhạc cả nước. Và bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” không còn của riêng Hải Phòng nữa, mà đã được mọi miền Tổ quốc đón nhận. Trên các chiến lũy, trên các công trường, cả hải đảo xa xôi, bài hát đã chiếm lĩnh trái tim của nhiều tầng lớp.
Tôi vẫn thầm cảm ơn nhạc sĩ Lương Vĩnh! Với tình yêu Hải Phòng sâu đậm, anh đã “cất cánh” cho hồn thơ tôi bay cao, bay xa. Thấm thoát bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ”, đứa con tinh thần của anh và tôi đã bước vào tuổi 45. Tiếc thay, nay anh đã không còn...
Hải Như
Tạp chí Người Làm Báo số 388 - Tháng 6/2016
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)