Phanh phui 'côn đồ xe quá tải' nhà báo bị dọa giết
15:47 13/08/2016
- Pháp luật
Ngày 8/8, Sở GTVT Quảng Bình đã quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô của công ty TNHH cơ khí Hải Sơn trong thời hạn 2 tháng để làm rõ.
Chiếc xe của Công ty Hải Sơn chở quá tải tới 54,8% bị bắt tại Bình Thuận sáng 10.8
Trong văn bản phản hồi ngày 9.8 gửi Báo Thanh Niên, Sở GTVT Quảng Bình cho biết Công ty Hải Sơn có 23 phương tiện được cấp phù hiệu xe đầu kéo, hoạt động vận chuyển hàng hóa trên phạm vi cả nước, chủ yếu ở các vùng đầu mối tập trung hàng hóa. Các hành vi vi phạm của công ty diễn ra tại các địa phương khác, Sở GTVT Quảng Bình nhận được thông qua phản ánh của báo chí và đã kịp thời xác minh để xử lý.
“Mới đây, khi nhận được bản sao giấy phép lưu hành quá khổ, quá tải của công ty bị Sở GTVT Bình Thuận phát hiện là giả, Sở GTVT Quảng Bình đã có công văn kèm toàn bộ hồ sơ gửi Công an tỉnh Bình Thuận để phối hợp điều tra, xử lý hành vi làm giả, mua bán, sử dụng tài liệu giả của cơ quan nhà nước”, công văn cho biết.
Tiếp tục vi phạm !
Tuy nhiên, Công ty Hải Sơn vẫn tái diễn vi phạm. Tại Trạm cân tải trọng di động Bình Thuận vào rạng sáng qua (10.8), lực lượng CSGT và thanh tra giao thông (TTGT) bắt một xe “khủng” BS 73C-034.64 của công ty này kéo theo rơ moóc 73R-003.38 chở quá khổ quá tải. Chiếc xe đã chạy khỏi trạm cân hơn 10 km nhưng bị truy đuổi, buộc quay đầu lại. Tại hiện trường, tài xế Nguyễn Văn Tý điều khiển chiếc xe này “xin” không cân để chờ “ý kiến” chủ xe!
Đến 15 giờ cùng ngày, tài xế Tý mới chịu cho xe vào cân. Kết quả, chiếc xe này vượt tải trọng cho phép tới 54,8%. Theo lãnh đạo TTGT Bình Thuận, nếu áp dụng Nghị định 46/CP của Chính phủ về xử phạt chở quá tải (có hiệu lực từ ngày 1.8) thì sẽ phạt hai lỗi: chở quá tải thiết kế xe và quá tải cầu đường đối với Công ty Hải Sơn (chủ xe) và lái xe tổng cộng 58 triệu đồng (số tiền phạt cao nhất trong 11 lần xử phạt đối với công ty này). Riêng tài xế Nguyễn Văn Tý bị tước giấy phép lái xe 60 ngày.
Trả lời Thanh Niên tại sao không xử lý hình sự, vì đã vi phạm rất nhiều lần? Đại tá Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, giải thích nếu đã xử phạt hành chính (Sở GTVT đã xử phạt hành chính chủ xe và lái xe) thì công an không thể xử lý hình sự được nữa.
Sau khi Báo Thanh Niên ngày 28.7 đăng bài Côn đồ xe quá tải lộng hành, phản ánh xe của Công ty TNHH cơ khí Hải Sơn (thôn 16, xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới, do ông Nguyễn Hải Sơn làm giám đốc), ngày 8.8, Sở GTVT Quảng Bình đã quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô của công ty này trong thời hạn 2 tháng để làm rõ.
Trước đó, lực lượng TTGT Bình Thuận đã bắt tổng cộng 10 lần Công ty Hải Sơn chở quá tải từ 22 - 88%, trong đó có tới 4 lần sử dụng giấy phép giả do Cục Quản lý đường bộ IV cấp, 1 lần sử dụng giấy giả do Sở GTVT Hải Phòng cấp. Trong các lần vi phạm trên, công ty và tài xế vi phạm bị xử phạt ít nhất 10 triệu đồng, cao nhất là 46 triệu đồng. Tối 3.8.2016, xe của công ty này lại bị cơ quan chức năng phát hiện chở quá tải tại địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Dư luận đặt câu hỏi, ai đã đứng đằng sau Công ty Hải Sơn, để công ty này bất chấp các quy định của pháp luật, liên tục chở hàng quá khổ, quá tải; nhiều lần xe của công ty chạy từ bắc vào nam mà chỉ khi vào đến Bình Thuận mới bị phát hiện?
Dọa giết nhà báo
Trong một diễn biến khác, những ngày qua, nhà báo Trương Quang Nam (người cùng thực hiện bài Côn đồ xe quá tải lộng hành) liên tục bị đe dọa. Cụ thể, anh Nam liên tục bị một người đàn ông lạ dùng số điện thoại 0888725687 gọi điện và nhắn tin dọa giết.
Lúc 11 giờ 23 phút ngày 10.8, người này gọi đe dọa biết rõ quê quán, địa chỉ và sẽ “lấy mạng” nhà báo, rồi nói: “Mạng mày chỉ 50 triệu”; trước đó, người đàn ông này nhắn tin với nội dung: “Tao dành cho vợ mày và mày 2 viên đạn để sử dụng chơi”; “Mày không cần biết tao là ai, mày viết báo phải cẩn thận đó, “bố mày” để dành cho vợ mày và mày 2 viên đạn để sử dụng chơi, mày cứ suy nghĩ đi, đừng trách tao không nói trước”.
Ngoài ra, một số người lạ khác ở TP.Đồng Hới cũng nhiều lần gọi điện cho anh Nam với nhiều ngụ ý khác nhau.
Trước những diễn biến như thế, Báo Thanh Niên và nhà báo Trương Quang Nam đã có công văn và tờ trình gửi Công an tỉnh Quảng Bình trình báo sự việc.
Theo luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai), hành vi sử dụng giấy tờ giả của các cá nhân thuộc Công ty Hải Sơn có dấu hiệu của tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Luật quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức, hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội nhiều lần sẽ bị phạt tù từ 2 - 5 năm. Trong trường hợp này, nếu các cơ quan chức năng của Bình Thuận phát hiện việc giả mạo hồ sơ giấy tờ thì có thể chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra xử lý. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện việc làm giả xảy ra từ tỉnh Quảng Bình, thì Công an Bình Thuận có thể chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh Quảng Bình để điều tra theo luật định.
Nguồn: Thanh Niên
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử (02:38 24/10/2024)
- Hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (10:49 19/06/2024)
- Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (05:23 10/05/2024)
- Quy định mới về học phí (04:48 03/01/2024)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2024 (09:25 27/12/2023)