Những yêu cầu đặt ra đối với thông tin báo chí nước ta hiện nay

Báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng truyền tải thông tin về các sự kiện, sự việc, hiện tượng đang diễn ra trong hiện thực khách quan một cách nhanh chóng, chính xác và trung thực đến đông đảo công chúng, nhằm tích cực hóa đời sống thực tiễn. Thế nào là thông tin báo chí và những yêu cầu đang đặt ra đối với thông tin báo chí ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh hoạ

Đặc thù thông tin báo chí

Trong thực tiễn, thông tin báo chí có thể chia thành các cấp độ khác nhau, như: Thông tin mô tả là cấp độ đầu tiên, xuất phát điểm của mọi sự định hướng trong hoạt động thực tế của công chúng. Đó là các sự kiện, hiện tượng, vấn đề, mối quan hệ các quá trình của hiện thực được mô tả, tạo thành trên báo chí bức tranh về đời sống hiện thực. Thông tin phân tích là thông tin được hình thành trên cơ sở tư duy về những cái đang có dưới ánh sáng lý tưởng xã hội của nhà báo. Những sự kiện, vấn đề của đời sống hiện thực được mổ xẻ, phân giải bởi nhà báo nhằm tìm ra các mối quan hệ, các yếu tố ảnh hưởng, phát hiện nguyên nhân và hệ quả của chúng. Thông tin khái quát là thông tin về bản chất, giá trị của sự kiện, hiện tượng vấn đề trong đời sống. Đây là kết quả của sự mô tả, phân tích các sự kiện, vấn đề, quá trình, tìm ra những mối quan hệ bản chất, xác định các giá trị của chúng đối với công chúng. Thông tin hướng dẫn là thông tin mang lại cho công chúng những hình dung cụ thể về phương hướng, về phương pháp hành động, về mục đích và khả năng đạt được dựa trên các điều kiện hiện thực[1].

Trong giai đoạn cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, thông tin báo chí có những nét đặc thù sau:

Một là, thông tin báo chí phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, đối tượng phản ánh ngày càng mở rộng (ít còn “vùng cấm” như trước đây). Phản ánh là bản chất của thông tin báo chí. Trong quá trình đó, các sự kiện của thế giới có liên quan đến đời sống con người, phục vụ các quá trình xã hội được báo chí lưu giữ, tái hiện và chuyển tải trong xã hội, phục vụ các quá trình phát triển xã hội.

Nội dung phản ánh của thông tin báo chí rất đa dạng, nhiều chiều. Thông tin báo chí đem lại tri thức về thế giới khách quan, về sự tồn tại của xã hội, về mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thế giới tự nhiên; về những tri thức khoa học - công nghệ do con người tạo ra và đang được sử dụng ngày càng có hiệu quả trong nhận thức, cải tạo thế giới; về các thành tựu vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại…

Hai là, thông tin báo chí hiện nay là kết quả của mối quan hệ đa phương, sự tác động chặt chẽ giữa chủ thể và khách thể. Trong đó, sự kiện tồn tại như khách thể, bộc lộ những tín hiệu – thông tin mà mà chủ thể (nhà báo, cơ quan báo chí) hướng tới tiếp nhận, tái tạo, xử lý và chuyển tải. Đồng thời, hoạt động báo chí lại hướng tới khách thể tiếp nhận sản phẩm báo chí là công chúng. Công chúng vừa là đối tượng, vừa là chủ thể trong quá trình tìm kiếm, tiếp nhận và xử lý thông tin báo chí.

Ba là, báo chí có khối lượng thông tin chuyển tải rất lớn, hoạt động thông tin diễn ra liên tục. Bên cạnh việc phản ánh những thông tin mang tính đại chúng, phục vụ cho đối tượng là đông đảo các tầng lớp người trong xã hội, báo chí còn chuyển tải thông tin cho các nhóm đối tượng đặc thù: các nhà lãnh đạo, quản lý; giới khoa học; những người sản xuất, kinh doanh; người già, người trẻ; đồng bào dân tộc thiểu số… Thông tin báo chí là nhu cầu rất cơ bản của con người và xã hội. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, thông tin báo chí có vai trò ngày càng quan trọng trong các quá trình chính trị, phát triển kinh tế, phổ biến văn hóa, tổ chức và quản lý xã hội.

Bốn là, thông tin báo chí được coi là vũ khí tinh thần trong quá trình xây dựng xã hội vì một mục tiêu chính trị nhất định. Thông tin báo chí phục vụ trực tiếp, là công cụ và phương tiện không thể thiếu cho hoạt động chính trị, công tác chính trị tư tưởng của các đảng chính trị. Báo chí đưa đến công chúng những hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước tuyên truyền, xác lập thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn cho các thành viên trong xã hội, đồng thời đấu tranh vạch trần những âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Với khả năng tác động nhanh chóng đến mọi thành viên trong xã hội, thông tin báo chí có khả năng xâm nhập vào các lực lượng xã hội, nâng cao năng lực, trình độ giác ngộ cách mạng, tăng thêm niềm tin về lý tưởng cách mạng cho quần chúng nhân dân.

Năm là, thông tin báo chí phản ánh kịp thời, trung thực tâm tư, tình cảm, thái độ của quần chúng nhân dân trước các vấn đề của đời sống xã hội. Trong xu thế dân chủ hóa hiện nay, báo chí là kênh chuyển tải thông tin về nguyện vọng, yêu cầu của công chúng đối với sự lãnh đạo, cách thức tổ chức, quản lý xã hội của Đảng và Nhà nước. Thông tin báo chí thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, phát huy giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc và hoàn thiện lối sống văn hóa trong cộng đồng xã hội. Đồng thời, thông tin báo chí phản ánh mặt trái của xã hội, những vấn đề bức xúc của nhân dân, những hiện tượng tiêu cực, như quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức, lối sống... Thông tin về những hiện tượng tiêu cực có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Yêu cầu cơ bản của thông tin báo chí nước ta hiện nay

Ảnh minh hoạ

Thông tin phải phản ánh đời sống một cách khách quan, chân thực: Tính khách quan, chân thực của thông tin báo chí thể hiện ở việc đảm bảo nội dung thông tin phản ánh chính xác về sự kiện, quá trình hiện thực. Sự kiện diễn ra như thế nào thì nội dung thông tin báo chí phải chuyển tải phải như thế, không được cắt xén, bóp méo, tô hồng, làm sai lệch nguyên bản sự kiện. Tính khách quan, chân thực là nguyên tắc tối cao, là điều kiện tồn tại của báo chí, thể hiện chất lượng của thông tin báo chí và tạo nên hiệu quả của hoạt động báo chí.

Thông tin báo chí phải đảm bảo tính thời sự: Tính thời sự của báo chí là đưa đến cho công chúng về sự kiện mới nhất, giúp họ nhận thức kịp thời và có thái độ đúng đắn trước các sự việc, tình huống diễn ra trong đời sống xã hội. Thông tin báo chí chỉ có giá trị khi đáp ứng được nhu cầu, mục đích của đối tượng tiếp nhận, giúp họ giải quyết được những vấn đề đang đặt ra. Giá trị của thông tin báo chí không mất đi trong quá trình chuyển giao thông tin, tuy nhiên thời hạn sử dụng nó không vô tận. Thông tin nhanh chóng trở nên lỗi thời do sự xuất hiện của những thông tin mới trong quá trình phản ánh về cùng một đối tượng.

Thông tin phải mang tính dự báo và định hướng dư luận xã hội: Khuynh hướng tư tưởng của thông tin báo chí tự nó đã nói lên tính định hướng của loại thông tin này. Thông tin báo chí thường không mang tính đơn trị và khép kín. Một mặt, nó nói lên nội dung, bản chất của hiện tượng và quá trình nó phản ánh, mặt khác luôn phản ánh tính khuynh hướng của chính sự vật hiện tượng hay quá trình ấy. Hơn nữa, thông tin báo chí luôn là hệ thống mở, thể hiện trong bản chất của nó. Thông tin báo chí phải thực hiện chức năng và phải có khả năng dự báo, định hướng, hướng dẫn dư luận xã hội theo một mục tiêu xác định. Vì vậy, đòi hỏi thông tin phải chọn lọc, có hệ thống, có chủ đích, để tạo nên những biến đổi về lượng và cuối cùng dẫn đến những thay đổi về chất trong tư duy, suy nghĩ và hành động.

Tăng cường tính đại chúng của thông tin: Thông tin báo chí hướng tới xã hội, phục vụ công chúng rộng rãi, bao gồm các tầng lớp, các nhóm xã hội. Đặc điểm, nhu cầu của các đối tượng phục vụ khác nhau. Thông tin báo chí phải phù hợp với tâm lý, trình độ và đặc điểm nhận thức của nhiều đối tượng. Hơn nữa, ngoài việc chuyển tải thông tin, báo chí còn thực hiện chức năng giáo dục, thuyết phục, định hướng và thực sự là diễn đàn của nhân dân… Công chúng có thể tiếp thu, phản hồi một cách chủ động đối với những tin tức họ tiếp nhận được.

Thông tin phải đảm bảo tính tư tưởng: Mỗi giai cấp có thái độ khác nhau, cách sử dụng thông tin khác nhau. Mỗi thông tin dù trực tiếp hay gián tiếp bao giờ cũng mang dấu ấn của một hệ tư tưởng nhất định. Không thể có thông tin báo chí nằm ngoài những lợi ích và mục tiêu của các giai cấp, các đảng phái sử dụng nó. Đồng thời, thông tin báo chí phản ánh đời sống hiện thực, góp phần xây dựng và phát triển. Đây là đặc điểm làm nên bản chất của thông tin báo chí. Mỗi giai cấp, mỗi dân tộc, mỗi tổ chức chính trị khác nhau phản ánh các hiện tượng xã hội theo những góc độ riêng, lợi ích căn bản riêng và truyền thống riêng của mình.

Trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, các loại hình báo chí - truyền thông phát triển mạnh mẽ, các luồng thông tin chính thống (từ các cơ quan báo chí) và không chính thống (trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mới) đan xen nhau, trong nhiều trường hợp, thật – giả lẫn lộn, đòi hỏi thông tin báo chí phải quán triệt những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng để giữ vững bản chất của báo chí là khách quan, trung thực, phục vụ lợi ích của dân tộc, của nhân dân.

PGS,TS Lưu Văn An


[1]Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên, 1992), Cơ sở lý luận báo chí, Nxb. LLCT, H., tr.26, 27.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top