Những tư liệu quý giá trong cuốn sách của nhà báo Trần Đức Anh
18:10 25/03/2024
- Văn hóa xã hội
Thông qua những câu chuyện, những chi tiết, hình ảnh trong các tờ báo cũ, nhà báo trẻ Trần Đức Anh đã ghi chép, tìm tòi, sắp xếp một cách có hệ thống để độc giả có cái nhìn chân thực, sinh động về cuộc sống của người dân từ những thế kỷ trước. Càng thú vị hơn khi vào dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, tác giả đã tập hợp và ra mắt tập sách dày dặn “Một số câu chuyện lịch sử từ góc nhìn báo chí”, Nhà xuất bản Tri thức.
Nghiên cứu lịch sử báo chí luôn là một đề tài khó, phức tạp, cần quá trình lao động nghiêm túc, cần cù, chịu khó và điều đó đã được tác giả “hóa giải” một cách uyển chuyển, tinh tế. Từng tốt nghiệp hai chuyên ngành báo chí và lịch sử, có thể nói đây là sản phẩm của sự “giao thoa” kiến thức, niềm đam mê của nhà báo Trần Đức Anh. Lật mở từng trang của cuốn sách, chúng ta thấy được cuộc sống muôn màu, muôn sắc của ông cha ta thời xưa, như: Cải cách y phục, đọc sách, quảng cáo bánh Trung Thu, chơi xuân, quảng cáo rượu Tết…, và tự người đọc sẽ có những liên tưởng, có những so sánh, đối chiếu với cuộc sống hôm nay.
Nhà báo Trần Đức Anh
Cuộc sống hôm nay dù có đổi khác, có tân tiến, hiện đại nhưng tập tục xưa, những giá trị tốt đẹp vẫn được nâng niu, trân trọng. Với sứ mệnh và trách nhiệm của mình, nhà báo Trần Đức Anh đã “gợi lại” để độc giả tìm hiểu, cùng hướng về tổ tiên, cùng trân trọng cuộc sống đã qua và có thêm “hành trang” để sống trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
Trần Đức Anh luôn cần cù, chịu khó trên hành trình làm báo. Mỗi ngày anh góp nhặt thêm kiến thức, sưu tầm tài liệu, làm dày thêm vốn hiểu biết của mình. Anh thường xuyên đi đến các thư viện, trung tâm lưu trữ hay các nhà sưu tầm để tìm kiếm tài liệu. Có những tài liệu anh đã bỏ số tiền không nhỏ để mua từ các nhà sưu tầm. Với anh, tài liệu chính là vốn quý mà vì một lý do nào đó không mua được anh cảm thấy rất áy náy.
Nâng niu những tờ báo cũ cũng chính là sự trân trọng công sức lao động của người làm báo và những người lặng thầm phía sau để tờ báo được ra sạp. Có rất nhiều người đã phải thức trắng đêm để viết, để đọc mo rát, để sắp chữ, để phát hành… Đức Anh cảm thấy rất buồn khi ngày nay nhiều tờ báo mới ra sạp đã bị đem gói xôi, gói hoa và gói nhiều đồ ăn khác.
Theo Nhà xuất bản Tri thức, cuốn sách “Một số câu chuyện lịch sử từ góc nhìn báo chí” không chỉ là phản ánh chân thực về những sự kiện lịch sử mà còn là một cơ hội để người đọc hiểu rõ hơn về quá trình biến đổi của đời sống chính trị - xã hội. Tác giả không đơn giản là ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng mà quan trọng hơn là cung cấp cho người đọc một góc nhìn về vai trò của báo chí trong việc hình thành ý thức lịch sử của một cộng đồng. Cuốn sách mang lại cho người đọc cái nhìn đa chiều và phong phú về các sự kiện lịch sử, giúp nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về ngữ cảnh xã hội, văn hóa và bối cảnh chính trị tại thời điểm đó.
Nhà báo Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng Ban Thời Nay, Báo Nhân Dân khẳng định, tác giả Trần Đức Anh đã “làm thay”, “làm giúp” cho rất nhiều người trong việc tìm, đọc những trang báo xưa và kỳ công chắt lọc những nội dung sinh động, cuốn hút mà các ký giả thế hệ trước từng truyền tải, để gửi đến bạn đọc hôm nay, qua thái độ trân trọng và cái nhìn so sánh, liên hệ với thực tại, cùng những bình luận xúc tích nhưng không ghìm được sự cảm động, quý mến ẩn chứa trong đó.
Đó là tình cảm hướng về những người viết xưa, tình cảm dành cho các trang báo - nguồn tư liệu quý giá, hiếm hoi được sưu tầm, khai thác qua thời gian dài Đức Anh tác nghiệp nghề báo, nghiên cứu nghề sử. Sự kỳ công và cái nhìn liên hệ đó góp phần làm mới những tư liệu cũ, trân trọng giá trị lâu bền của báo chí trước đây mà hôm nay công chúng vẫn cần được tiếp cận, gìn giữ.
Khép lại trang sách cuối cùng của cuốn “Một số câu chuyện lịch sử từ góc nhìn báo chí” có thể thấy được tinh thần phơi phới, lạc quan và đầy sự tâm huyết của nhà báo trẻ Đức Anh. Thuộc thế hệ 9X nhưng anh đã mạnh dạn đi vào lĩnh vực khó, lĩnh vực chưa được người trẻ quan tâm. Điều đó đã tạo niềm tin, động lực để những người trẻ có thể “chạm” đến quá khứ, trân trọng quá khứ, nhất là hoạt động lao động báo chí để có thể làm nghề tốt hơn, tử tế hơn.
Tác giả Trần Đức Anh tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí và Lịch sử tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong quá trình công tác, phóng viên Trần Đức Anh đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải C Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”; Giải thưởng sử học Đinh Xuân Lâm năm 2018; học bổng sử học Lê Văn Hưu năm 2016, 2017. Bên cạnh đó, tác giả cũng tham gia sáng tác thơ và âm nhạc: "Như dòng sữa mẹ" và nhiều ca khúc được đông đảo công chúng yêu thích như: Thực lục, Tom chát, Ai hát đồng dao?, Cái trống chầu, Giữa đường đứt gánh. |
Ngô Khiêm
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)