[Mega Story] “Những bông hoa bất tử”
15:59 27/07/2017
- Báo chí & Công chúng

Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” do phóng viên Đoàn Công Tính, Báo Quân đội nhân dân chụp dưới chân Thành cổ Quảng Trị. Ảnh:TL
Những tấm gương rất đỗi tự hào
70 năm trước, ngày 27 tháng 7 năm 1947 tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Vương, huyện Đại Từ của tỉnh Tháí Nguyên, Thủ đô kháng chiến thời 9 năm có sự kiện đáng nhớ, ngập tràn chủ nghĩa nhân văn. Đó là long trọng Lễ kỷ niệm năm đầu tiên “Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7” theo đề nghị của Bác Hồ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Trước đó, năm 1946 trong bối cảnh cách mạng còn nhiều khó khăn lại rơi vào mùa Đông giá rét kế sau năm đói Ất Dậu 1945. Từ các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đến người dân bình thường ai cũng lo, cũng thương các chiến sĩ còn nhiều khó khăn, vất vả nên Chính phủ có sáng kiến tổ chức ngày “Mùa Đông binh sĩ” vào ngày 7/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hôm đó, dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn thu xếp thời gian đến dự và gặp gỡ mọi người. Bằng cử chỉ cao đẹp, muôn vàn tình thân yêu, Bác Hồ tặng chiến sĩ chiếc áo mà Người đang mặc. Sau đó chiếc áo ka ki của Bác như mang hồn non nước được bán đấu giá để có tiền mua thêm quần áo gửi cho bộ đội ngoài biên thùy.
Các cơ quan báo chí ở Trung ương như Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam; các cơ quan báo chí phía Nam như Thông tấn xã giải phóng, Báo Ấp Bắc, Đồng Khởi, Khu Trị Thiên - Huế, mặt trận Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng), Khu Năm hay Nam Trung bộ... là những cơ quan có nhiều nhà báo liệt sỹ, bởi các nhà báo luôn đồng hành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập thống nhất Tổ quốc.
Đất bưng biền Nam bộ “Đi trước về sau” có nhiều nhà báo liệt sỹ là nam và nữ, trong số này có 2 anh em ruột là liệt sỹ, nhà báo Bùi Văn Thưởng, Bùi Văn Tấn cùng ở cơ quan Thông tấn xã Mỹ Tho. Đây có lẽ là hai nhà báo liệt sỹ trẻ nhất trong lịch sử báo chí nước nhà. Bút danh của Bùi Văn Thưởng là Võ Phát Thưởng, tác phẩm báo chí cuối cùng của anh là bài: “Trận Ấp bắc lịch sử”, đó là thiên phóng sự được viết bằng máu khi nhà báo vừa tròn tuổi 22. Nhà báo liệt sỹ Bùi Văn Tấn nối gót anh trai mình ở tuổi 13, hy sinh khi còn vị thành niên (17 tuổi).
Người Mỹ Tho vốn tự hào về gia đình họ Võ, đó là một gia đình yêu nước và cách mạng có 4 người thì 3 người là liệt sỹ. Cùng với 2 người con, 2 cục máu quý giá của cuộc đời, má Tám - Đoàn Thị Nghiệp, Tỉnh ủy viên, Phó chỉ huy Tỉnh đội Mỹ Tho, anh hùng quân đội, Mẹ Việt Nam anh hùng cũng hy sinh trong khi chỉ huy một trận đánh ác liệt tại quê nhà. Người duy nhất còn lại của gia đình này là Trung tá quân đội Bùi Văn Thô.
Tại chiến trường miền Trung gian lao mà anh dũng có 2 anh em vốn say mê nghề báo. Người anh là nhà báo liệt sỹ Nguyễn Ngọc Tứ, vào nghề báo năm 23 tuổi ở Báo Nhân Dân, xung phong vào chiến trường miền Nam sau khi từ chối đi đào tạo nghề báo ở nước ngoài, hy sinh năm 1967 tại mặt trận huyện Tư Nghĩa lúc 30 tuổi. Người em gái ruột, nữ nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng hy sinh vào mùa Xuân Mậu Thân 1968 khi trên đường công tác lên chiến khu Quảng Ngãi quê mình.
Nụ cười luôn nở trên môi những người lính trẻ. Ảnh: TL
Khi Tổ quốc cần, họ biết cách để xa nhau...
Làng báo rất đỗi tự hào, trong cuộc chiến tranh giải phóng, không ít các cây bút nữ đã sớm tự nguyện ra chiến trường, để lại phía sau con nhỏ và người thân của mình để rồi không bao giờ trở lại. Có thể kể ra như nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, người mà tác giả đã gặp chị trước hôm ra mặt trận tại bữa cơm ở nhà Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam ông Nguyễn Văn Nhất.
Không lâu sau đó nghe tin chị đã vĩnh biệt thế giới người hiền tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đúng vào ngày kỷ niệm 8/3/1969. Gần 40 năm sau, ngày 3/8/2006 nhà thơ Bùi Minh Quốc người bạn đời cùng con gái duy nhất Dương Hương Ly mới tìm được mộ chị. Di cốt còn nguyên vẹn chiếc cặp tóc bằng inox dài 10cm, mặt sau có chữ “Tặng chị X.Quý”. Ghi công nhà báo, nhà văn liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, Nhà nước truy tặng chị Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Mỹ, quê xã An nghiệp, Tuy An, Phú Yên, nơi có ca dao vẻ đẹp của núi non: “Núi ông lom khom, núi bà đội nón/ Hòn Chiêng, hòn Trống chiều sớm ngân nga”. Nguyễn Mỹ làm lính Cụ Hồ ở tuổi trăng tròn lẻ (16 tuổi). Anh có bài thơ để đời “Cuộc chia ly màu đỏ” (viết năm 1964) trước khi trở về Nam năm 1968 được hóa thành thơ: “Ba lô cõng trên vai/ Là đây cả một gia tài hành quân/ Chân mềm nay đã săn gân/ Con đi, đi mãi thôn gần, thôn xa”. Tựa như linh tính và định mệnh để rồi Nguyễn Mỹ ra đi mãi mãi, ấy là ngày 16/5/1971 khi anh ngã xuống trên bờ sông Đăckta thuộc huyện Trà My trong trận càn đẫm máu của kẻ thù.
Nhà báo Trần Kim Xuyến, Phó Tổng Giám đốc Nha Thông tin Bắc Bộ là nhà báo liệt sỹ đầu tiên hy sinh năm 1947 trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Nhà báo Lê Đoan là nữ liệt sỹ hy sinh đầu tiên (1966) tại chiến trường Nam Bộ. Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết là nhà báo, nhà văn hy sinh đầu tiên trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào ngày 17/1/1979 trong vai trò phóng viên mặt trận của Báo Hoàng Liên Sơn...
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, những người làm báo, vốn được Đảng, Nhà nước tôn vinh “Tờ báo là ngọn cờ cách mạng, nhà báo là chiến sỹ”, mọi người không quên các nhà báo, nhà văn như Nam Cao, Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Tử Giang, Trần Mai Ninh, Thâm Tâm... là những nhà báo, nhà văn liệtsỹ đầu tiên trong cuộc trường chinh thời gian lao mà anh dũng của 3.000 ngày nếm mật nằm gai.
Nam Cao đang công tác ở Ty văn hóa tỉnh Hà Nam, được mời lên Việt Bắc làm báo tại 3 tờ báo nổi tiếng thời đó là Cứu Quốc, Tiền phong và Văn nghệ. Đang ở Thủ đô gió ngàn, tác giả truyện ngắn nổi tiếng “Sóng mòn”được cử về vùng địch hậu Hà- Nam-Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) để làm phóng sự, nhưng Nam Cao đã vội về thế giới người hiền trong trận càn ác liệt của địch trên dòng Hoàng Long dậy sóng nơi có chùa Non Nước đã đi vào thi ca.
Các anh hùng, liệt sỹ kính yêu của chúng ta là “Những bông hoa bất tử” như Tố Hữu từng ngợi ca: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử”, bởi họ sống mãi với non sông xứ sở, nơi họ đã tự nguyện sống và chiến đấu vì nghĩa cử cao đẹp trong thời đại Hồ Chí Minh./.
Nguyễn Xuân Lương
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)